Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, khi giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn khao khát cháy bỏng, mong muốn Việt Nam phát triển và xã hội bình yên như các nước Bắc Âu.
Mô hình quản trị hiệu quả nhất trên thế giới
Theo lời Đại sứ Phạm Sanh Châu, khi giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn khao khát cháy bỏng, mong muốn Việt Nam phát triển và xã hội bình yên như các nước Bắc Âu. Ông tận tâm học từng mô hình phát triển ở những nước mà theo ông rất "xã hội chủ nghĩa" và mình phải học "từng chút của người ta".
"Những nhà ngoại giao như chúng tôi sẽ nhớ mãi lời ông căn dặn: Tụi bây ở bên này phải cố làm gì có ích thiết thực cho đất nước chứ không thì phí thời gian và tiền bạc của nhân dân"- ông chia sẻ.
Các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland hiện đang được đề cao như một trong những mô hình quản trị hiệu quả nhất trên thế giới. Những kinh nghiệm thành công và thất bại của mô hình phát triển kinh tế-xã hội của Bắc Âu nói chung và của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển nói riêng đã được các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của khu vực Bắc Âu chia sẻ với hơn 100 đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn và hoạch định chính sách của một số ban, bộ, ngành trung ương và Hà Nội tại buổi tọa đàm diễn ra cuối tuần này "Mô hình kinh tế-xã hội Bắc Âu: Thành tựu và Bài học kinh nghiệm" ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Qua các bài tham luận của mình, 4 diễn giả của khối Bắc Âu đã chia sẻ với đại biểu tại Hội thảo thông tin tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của khối, kinh nghiệm phối hợp và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên để trở thành các xã hội và nền kinh tế như hiện nay, cũng như thông tin về mô hình đối thoại xã hội - một trong những nét đặc thù của thị trường lao động Bắc Âu.
Cơ chế hợp tác chính trị khu vực của khối Bắc Âu là cơ chế lâu đời nhất và đa dạng nhất với lịch sử phát triển hơn 6 thập kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà một khu vực với chỉ 26 triệu dân, và không bao giờ có thể nằm trong danh sách 50 nước đứng đầu thế giới về dân số, lại trở thành một trong những khu vực hội nhập nhất và là nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới với tổng giá trị GDP là 1.416 tỉ đô la Mỹ.
Bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, phát biểu thay mặt cho các Đại sứ Bắc Âu: "Học hỏi lẫn nhau là một trong những nét đặc trưng của mô hình hợp tác Bắc Âu. Những phương thức có hiệu quả của một quốc gia sẽ nhanh chóng được mô phỏng lại ở các quốc gia khác, đồng thời tin tưởng rằng Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác cũng như chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình".
Tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động và chính trị cao nhất
Thông qua mô hình Bắc Âu, các thành viên trong khối chia sẻ những giá trị cũng như thúc đẩy các mục tiêu chung trong đó có bình đẳng giới. "Bình đẳng giới trên thị trường lao động là một nét son nổi bật của các nước Bắc Âu, nhờ nó chúng tôi mới có thể trở thành một trong những khu vực thịnh vượng nhất trên thế giới"- bà Siren Gjerme Eriksen, Đại sứ Na Uy nói. Bình đẳng giới là yếu tố góp phần quan trọng trong những thành tựu kinh tế của khu vực Bắc Âu. Tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động và chính trị ở khu vực này luôn cao nhất, và nam giới cũng được nghỉ khi vợ sinh con.
Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh thêm tới tính sáng tạo và bền vững của khu vực bởi các nước Bắc Âu luôn cố gắng đi tiên phong trong việc phát triển các phương pháp sản xuất sạch, bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Ngài Đại sứ nói rằng "Hàng hóa và dịch vụ không được hủy hoại môi trường hay sức khỏe ở bất cứ giai đoạn nào của chu trình – từ nguồn tới biển. Chúng tôi là những quốc gia sáng tạo đi đầu thế giới, luôn phối hợp với nhau để tìm ra những giải pháp mới, thông minh và dựa trên công nghệ sinh học. Ngoài ra, minh bạch và tiếp cận thông tin cũng luôn là chìa khóa thành công của các nước Bắc Âu".
Chính vì vậy, các nước Bắc Âu đã trở thành nhóm quốc gia luôn duy trì các chỉ số kinh tế và xã hội cao, luôn dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng và chỉ số đo lường của thế giới về sáng tạo, minh bạch hóa, mức độ dân chủ, tiến bộ xã hội, phát triển bao trùm, tính bền vững… Đây chính là bằng chứng cho hiệu quả hoạt động của mô hình đồng thời cũng giúp các nhà hoạch định chính sách nhận diện những lĩnh vực cần tiếp tục cải thiện.
Chủ trì Tọa đàm, PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Mô hình phát triển kinh tế-xã hội của khối Bắc Âu nói chung đã đạt được những thành tựu to lớn về sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đã và đang có giá trị tham khảo hữu ích cho các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam".
Cả 4 nước Bắc Âu đều thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam rất sớm (Thụy Điển: 1969, Đan Mạch và Na Uy: 1971, Phần Lan: 1973). Nếu trước kia quan hệ với Việt Nam mang tính chất nhà tài trợ và nước nhận viện trợ, thì giờ đây Việt Nam đã trở thành đối tác của khu vực Bắc Âu và các nước thành viên trong khu vực, cùng hướng tới mục tiêu củng cố bình đẳng, dân chủ, tôn trọng quyền con người, bảo vệ môi trường và hòa nhập, là nền tảng của thịnh vượng và phát triển bền vững.
Theo NLD