Nguyên Chủ tịch Nước - Đại tướng Lê Đức Anh: Người minh oan và soi tỏ nhiều sự thật

(Pháp lý) - Ngày 22/4/2019, nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh qua đời. Đất nước và nhân dân Việt Nam đã khuất đi một cây đại thụ… Sinh thời, cuộc đời hoạt động của Ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong chiến tranh, Ông được biết đến là Người cầm quân - luôn trở về trong chiến thắng; Vị tướng đến bom đạn cũng phải tránh.

Đã có nhiều bài viết về Ông. Bài viết dưới đây chỉ khắc họa phần nhỏ công lao và cốt cách đáng khâm phục của Ông. Trong những câu chuyện đời thường và qua nhiều nguồn tư liệu còn cho thấy Ông là người từng minh oan cho người khác và luôn hành động để soi tỏ những sự thật trong đời sống…

Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba (12 – 17/10/1995) - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Lê Đức Anh gặp Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hoà Cuba (12 – 17/10/1995) - Ảnh: TTXVN)

Thành tích ngoại giao và đóng góp giải oan cho bác sĩ Nguyễn Huy Phan

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam thời kì đổi mới.

Theo đó, Việt Nam bắt đầu phát động đổi mới từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986 với những phác họa cơ bản. Nhưng thực chất, để triển khai một cách toàn diện công cuộc đổi mới phải kể đến Đại hội khóa VII, khóa VIII. Khóa VII và khóa VIII đã thực hiện đổi mới quyết liệt, hiệu quả: đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, lạm phát tới 774%, giải quyết được những vấn đề rất cơ bản về kinh tế để phát triển đi lên, từ đó, nhân dân ta mới tôn vinh các lãnh đạo hai khóa này là ban lãnh đạo “vàng”.

Cũng trong thời kỳ này, một khẩu hiệu được coi là chiến lược, kim chỉ nam của Đảng ta là: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia và các dân tộc trên thế giới”. Bộ Chính trị đã nhìn nhận rõ: muốn mở cửa kinh tế trước tiên phải quan hệ hợp tác với các nước mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, khối EU, Hoa Kỳ... mà khâu “đột phá” là phải tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bởi từ trước tới nay, các nước này đều lấy Mỹ làm chuẩn - “cứ theo Mỹ mà làm, nhìn Mỹ mà xử sự” dường như đã trở thành luật bất thành văn.

Qua nghiên cứu, tìm tòi, Đại tướng Lê Đức Anh đã bật ra suy nghĩ “sẽ mở cửa thăm dò bằng hướng khoa học kỹ thuật”. Lúc ấy, có một sự kiện tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, đó là: Thiếu tướng, Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Huy Phan đang công tác tại Bệnh viện 108 (Bộ Quốc phòng) là một bác sỹ rất giỏi về phẫu thuật chỉnh hình, vừa tham dự một hội nghị về phẫu thuật chỉnh hình quốc tế và được các bác sỹ quốc tế, trong đó có nhóm bác sỹ người Mỹ rất ngưỡng mộ, ngợi khen.

Vài ngày sau, phía Mỹ mời ông Phan tiếp tục dự một hội nghị quốc tế về y khoa tổ chức tại Mỹ. Vì vậy, Đại tướng mới gọi bác Phan vào giao nhiệm vụ: Khi sang bên đó, đồng chí chỉ tập trung báo cáo thật tốt thành tựu của mình về y khoa chỉnh hình, đừng có nói gì về chính trị. Việc này tuyệt đối cơ mật, chỉ có Bộ Chính trị và người được giao nhiệm vụ biết. Bác Lê Đức Anh cũng căn dặn, nếu những bác sỹ người Mỹ có ý định giúp nhân dân Việt Nam một điều gì đó thì cứ mời họ sang.

Khi sang tới đất Mỹ, bà con Việt Kiều, trong đó có nhiều người là bác sỹ, nghe tin có một bác sỹ người Việt nổi tiếng thế giới về phẫu thuật chỉnh hình tới thăm thì rất ngưỡng mộ, đón tiếp nồng nhiệt. Tranh thủ sự ủng hộ ấy, ông Nguyễn Huy Phan đã làm theo lời dặn của Đại tướng, đặt vấn đề với nhóm bác sỹ của Mỹ để họ cử những đoàn “Phẫu thuật nụ cười” qua Việt Nam. Ông Nguyễn Huy Phan đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao. Và đúng theo dự kiến của Đại tướng Lê Đức Anh, chỉ một thời gian ngắn, phía Mỹ đã cử một đoàn bác sỹ sang phẫu thuật miễn phí cho những trẻ em bị khuyết tật sứt môi hở hàm ếch tại Việt Nam. Đó là khâu mở đầu rất quan trọng, khẳng định từ việc giao lưu y tế đã giúp Việt Nam thăm dò được thiện chí của Mỹ.

Sau một hai đợt các tốp bác sỹ của Mỹ và Việt Nam giao lưu, hỗ trợ qua lại trên tinh thần cởi mở, thân thiện, theo đề nghị của Đại tướng Lê Đức Anh, Trung ương đã cử ông Nguyễn Huy Phan làm Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, là cầu nối liên lạc giữa hai bên. Thế nhưng, một tình thế hết sức khó khăn là do ông Phan được giao nhiệm vụ tuyệt mật nên Tổng Cục Hậu cần (quản lý toàn bộ ngành y của Quân đội) đã kỷ luật ông Phan vì cho rằng ông là gián điệp của Mỹ.

Chính sự hiểu lầm ấy đã dẫn tới số phận một con người bị đẩy sang một hướng rẽ khác, mà mãi tới sau này khi quá trình bình thường hóa thắng lợi, mọi việc có thể công khai thì ông Nguyễn Huy Phan mới được minh oan, được tuyên dương công trạng và được thưởng Huân chương Lao động. Người “giải oan” cho ông Phan không ai khác chính là Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Không chỉ là người bắc cầu nối bằng chiến dịch "Phẫu thuật nụ cười", Đại tướng Lê Đức Anh còn là người thúc đẩy chương trình "Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA". Vấn đề tìm kiếm tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA) là yêu cầu cơ bản của Mỹ đặt ra với phía Việt Nam để 2 nước thảo luận các bước cải thiện quan hệ. Về phía Việt Nam, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMB) được thành lập chỉ một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 được ký kết với nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích.

Từ trước khi bắt đầu những hoạt động hiện trường đầu tiên của 2 bên vào năm 1985, đã có các cuộc thảo luận cấp cao giữa 2 chính phủ Việt Nam và Mỹ trong nhiều năm. Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho đại diện Liên đoàn Quốc gia các gia đình POW/MIA thăm Hà Nội trong năm 1982. Chuyến đi này đã tạo chuyển biến trong đối thoại song phương sau chiến tranh và là một bước tiếp theo trên con đường hướng tới bình thường hóa quan hệ. Các hoạt động nhân đạo này đã nuôi dưỡng môi trường hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Thật sự ý nghĩa khi sứ mệnh chung của chúng ta là nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại. Điều này góp phần cho an ninh, ổn định và sự phồn vinh, là biểu trưng cho mối quan hệ chiến lược Mỹ hiện có với Việt Nam.

Người “soi tỏ” những thông tin của báo chí

Khi biết Đại tướng Lê Đức Anh mất, trên báo Tiền Phong, Nhà báo Xuân Ba kể lại kỉ niệm: Năm 1994, báo Tiền Phong bị Viện kiểm sát TPHCM khởi tố vì bài báo “Ổng đã biến xe công thành xe tư như thế nào?” Mà ông Xuân Ba là tác giả. Cơ quan chức năng thành phố ra lệnh triệu tập tác giả vào nhà giam Chí Hòa. Lại cử cả cán bộ ra Hà Nội dẫn giải tác giả bài báo. Mắc nạn oan phải kêu, có bệnh phải vái tứ phương. Ông Xuân Ba nhớ lại: Những lá đơn của tôi, của cơ quan báo chí gửi đi khắp nơi cầu cứu trong đó có gửi đến Văn phòng Chủ tịch Nước. Mấy ngày sau, có một cuộc họp gồm nhiều nhà chức việc của nhiều ngành có trách nhiệm do chính Chủ tịch Nước Lê Đức Anh chủ trì... Thành phần dự cũng có báo Tiền Phong. Trong nội dung cuộc họp có vấn đề của báo Tiền Phong. Có một chi tiết những người dự có nói lại là Chủ tịch Nước Lê Đức Anh vẻ bao dung, khoan thai mỉm cười hỏi một đồng chí lãnh đạo thành phố khởi tố để làm gì? Vị lãnh đạo thành phố đáp lại: Dạ thưa anh Sáu Nam (tên gọi thân mật của Chủ tịch Nước Lê Đức Anh) để tìm ra người cung cấp tài liệu cho báo ạ...

Kết luận cuối cùng của cuộc họp hôm đó là các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau để rút lệnh khởi tố báo Tiền Phong. Riêng tác giả cần rút kinh nghiệm về mặt ngôn từ!

Tháng 5/1996, báo Tiền Phong có bài “Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng”, đăng trên báo Tiền Phong số 43 (tháng 5/1996). Báo ra được một ngày, ngay ngày hôm sau, một cuộc họp do Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi ấy là ông Lê Xuân Trinh chủ trì gồm các Tổng Biên tập của các báo ở Hà Nội. Ông chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo rằng, bài báo Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng, Báo Tiền Phong đã tiết lộ bí mật quốc gia!

Theo nhà báo Xuân Ba, báo Tiền Phong phải tra soát lại tư liệu, nguồn thông tin bài báo để xác định có việc sử dụng tài liệu có các cấp độ tối mật, tuyệt mật, mật hay không? Sau khi kiểm tra, báo và phóng viên tự tin khẳng định: Các tài liệu sử dụng để thực hiện bài báo “Mớ bùng nhùng quanh mỏ dầu Đại Hùng” đều không hề liên quan đến một cấp độ Mật nào!

Thế nhưng diễn tiến của sự việc đã khiến những người trong cuộc lo lắng. Ngày 8/7/1996, Cục An ninh điều tra có lệnh khởi tố số 501/87 về việc Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước xảy ra tại Tổng công ty Dầu khí và hai báo Tiền Phong và báo Kinh doanh pháp luật. Theo ông Xuân Ba vì phấp phỏng lo lắng, trong lúc đợi cũng chạy đôn đáo nơi này chỗ kia để đưa đơn, thư... Một địa chỉ mà phóng viên báo tìm đến là Chủ tịch Nước Lê Đức Anh.

Ông Xuân Ba đã trực tiếp đi tìm và trình bày sự việc với Chủ tịch nước. Sau khi lắng nghe ông Xuân Ba, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã bút phê lên lá đơn của ông, cùng công văn Tòa soạn gửi ông Bộ trưởng Bộ Công an khi đó là ông Lê Minh Hương khẩn trương coi xét thật khách quan vụ việc này…

Ông Xuân Ba hồi tưởng: Thời gian đã lùi nhiều năm, nhưng vẫn vẹn nguyên trong tôi cảm giác biết ơn, ấm áp ngày nào khi có được cơ hội hiếm hoi được giãi bày cùng Chủ tịch Lê Đức Anh. Sự lắng nghe, hỗ trợ của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã góp phần soi tỏ nhiều sự thật, nhắc nhở những người làm nghề truyền thông luôn phải nghiêm cẩn hơn trong nghề nghiệp của mình.

Theo dõi sát vụ việc Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng)

Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4/2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân.

Khi xảy ra sự việc xô xát do cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh đã cùng một số vị lão thành lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu làm rõ đúng sai cả về phía người dân và phía chính quyền các cấp trong vụ việc này, cũng như phản đối việc quân đội tham gia cưỡng chế đất đai.

Nói về vụ việc, ông thẳng thắn: "Chính quyền sai từ xã đến huyện. Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại. Ông cũng cho rằng vụ việc ở Tiên Lãng là một bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Cứ để kéo dài nhiều vụ sai phạm của chính quyền địa phương như vậy và xử lý không nghiêm cán bộ sai phạm thì sẽ làm mất lòng tin của nhân dân".

 Khi đã về hưu, nguyên Chủ tịch Nước - Đại tướng Lê Đức Anh vẫn rất quan tâm đến những vấn đề mà người dân éo le gặp phải.
Khi đã về hưu, nguyên Chủ tịch Nước - Đại tướng Lê Đức Anh vẫn rất quan tâm đến những vấn đề mà người dân éo le gặp phải.)

Ông cũng là người nêu quan điểm, tác động khiến sau đó vụ cưỡng chế ở Hải Phòng phải được xử lý nghiêm. Khi phóng viên hỏi về quan điểm khi ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi cưỡng chế nhưng vẫn bị san phẳng, dẫn đến việc họ không còn nơi cư ngụ. Ông Lê Đức Anh thẳng thắn: Đây là hành vi bất chấp luật pháp. Ông Vươn sai thì cứ xử theo luật, còn chính quyền không thể có hành động như vậy. Khi tôi còn công tác, đã có nhiều trường hợp cán bộ sai phạm bị xử lý nghiêm. Chính quyền sai trong phương án cán bộ còn phải thôi chức, chưa nói đến làm sai như vụ việc ở huyện Tiên Lãng.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi ấy nhấn mạnh: “Đang có hiện tượng rất xấu xảy ra ở nhiều địa phương là chính quyền mua rẻ đất của dân rồi bán đắt, trong đó có một phần chia nhau. Chưa kể đất nông nghiệp bị thu hồi làm khu đô thị, khu công nghiệp rồi để hoang hóa nhiều năm. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, cần được rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm”.

* * *
Nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh nay đã đi xa,… nhưng những công lao, cốt cách của Ông vẫn còn lưu lại mãi… Soi tỏ sự thật, gần dân, vì dân, vì công lý là những đức tính quý mà cán bộ thời nay cần học tập và noi gương Ông.

Minh Hải (tư liệu và tổng hợp)

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin