Trên Cổng thông tin điện tử bocongan.gov.vn, Bộ Công an vừa giải đáp thắc mắc liên quan đến việc cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân.
Bộ Công an cho biết, triển khai Quyết định 06 ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, sắp tới Bộ Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân thông qua các hoạt động cấp, đổi lại, cấp lại Căn cước công dân trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, khi đến cơ quan Công an quận, huyện, tỉnh, thành phố để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại Căn cước công dân gắn chip, người dân có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử theo 3 bước. Trong đó, trước tiên công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: Số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).
Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử). Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Tiếp đó, công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc. Lúc này, cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip theo đúng quy trình cấp căn cước công dân.
Cũng trong thông tin giải đáp thắc mắc của công dân, Bộ Công an còn thông tin về những lợi ích người dân sẽ được hưởng khi sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng. Cụ thể, sử dụng tài khoản định danh điện tử, người dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Cùng với đó, người dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Người dân cũng có thể thay thế Căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế... thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…
Ngoài ra, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử cũng giúp bảo mật thông tin công dân, không thể giả mạo, chính xác và duy nhất do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý. Vì thế, khi công dân thực hiện các giao dịch điện tử trên môi trường điện tử sẽ thuận tiện và an toàn.
Bộ Công an cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Bộ này sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng định danh và xác thực điện tử, triển khai Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử ngày càng trở lên cần thiết và mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho người dân.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra quyết định phê duyệt vào ngày 6/1.
Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Đề án cũng đã nêu rõ, để phục vụ phát triển công dân số, trong tháng 3/2022, Bộ Công an và các đơn vị liên quan bắt đầu cung cấp định danh, tài khoản định danh điện tử cho công dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích số cho Chính phủ, bộ, ngành xác thực và đảm bảo.
Theo ictnews.vietnamnet.vn
Nguồn bài viết: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/ba-buoc-de-nguoi-dan-dang-ky-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-405633.html