Nghiên cứu sửa Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phù hợp hơn với tình hình thực tế

Mới đây, ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công văn số 746/TTg-KTTH giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN).
1-1692267004.jpg

Nên sửa Thông tư 06 cho phù hợp hơn với tình hình thực tế

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập và mở rộng cũng như sự thiết yếu của việc nâng cao đời sống xã hội, nhu cầu vay vốn của các cá nhân và doanh nghiệp ngày càng lớn. Đồng thời, với chủ trương minh bạch hóa, lành mạnh hóa hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng một cách hợp pháp, thực chất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó nổi bật là việc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định những nhu cầu vốn không được cho vay.

Tuy nhiên dưới góc nhìn và phân tích của một số chuyên gia luật  thì Thông tư 06 có một số quy định chưa rõ ràng cũng như chưa thực sự phù hợp với thực tế, gây khó cho khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Sau đây TCPL đăng tải ý kiến quan điểm của ThS. Trần Minh Pháp và Luật sư Đặng Thị Kiều Oanh ( Cty Luật TNHH Passio  Lawyers)

Phân tích các quy định sửa đổi, bổ sung so với Thông tư 39/2016/TT-NHNN

- Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN: So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì Thông tư 06/2023/TT-NHNN thì điều khoản này được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, trong đó là Luật Đầu tư năm 2020. Theo đó, các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại một văn bản quy phạm pháp luật duy nhất là Luật Đầu tư.

Việc sửa đổi, bổ sung này chỉ mang tính chất kỹ thuật lập pháp, giúp việc áp dụng pháp luật được thống nhất, rõ ràng.

- Khoản 6 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN: So với Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 06/2023/TT-NHNN đã điều chỉnh theo hướng mở rộng hơn đối với nhu cầu vay vốn để trả nợ khoản vay nước ngoài cũng như để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác. Theo đó, Thông tư 06/2023/TT-NHN đã lược bỏ điều kiện “là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh”.  

Đây được xem là một trong những điểm mới của Thông tư 06/2023/TT-NHNN có tác động mạnh mẽ đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng cũng như hoạt động đi vay của các cá nhân, doanh nghiệp (khách hàng của tổ chức tín dụng).

Đối với khách hàng của tổ chức tín dụng, đây được xem là “tin vui”. Bởi giờ đây, khi xét thấy cần thiết (như để hưởng lãi suất thấp và các ưu đãi khác) khách hàng có thể  chuyển khoản vay, với bất kỳ mục đích nào phù hợp theo quy định, từ tổ chức tín dụng này sang tổ chức tín dụng khác một cách dễ dàng và thuận lợi hơn mà không bị vướng điều kiện “là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh”.

Đối với tổ chức tín dụng thì nội dung này vừa tạo ra sự đối lập giữa các tổ chức tín dụng, vừa tạo ra mâu thuẫn trong chính tổ chức tín dụng. Giữa các tổ chức tín dụng với nhau thì đây có thể là “tin vui” của tổ chức tín dụng này nhưng là “tin buồn” của tổ chức tín dụng khác, “tin vui” đối với những tổ chức tín dụng có mặt bằng lãi suất thấp, nhiều ưu đãi và “tin buồn” đối với những tổ chức tín ụng có mặt bằng lãi suất cao, ít ưu đã hơn, từ đó tạo nên sự cạnh tranh một các gay gắt hơn giữa các tổ chức tín dụng trong việc cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, trong nội bộ của chính tổ chức tín dụng cũng có sự mâu thuẫn giữa việc giữ chân khách hàng hiện hữu, thu hút khách hàng mới và lợi nhuận của tổ chức tín dụng đó. Theo đó, để giữ chân khách hàng hiện hữu, thu hút khách hàng mới, tổ chức tín dụng cần điều chỉnh mức lãi suất cho vay cũng như các ưu đãi áp dụng theo hướng có lợi cho khách hàng, điều này trong một khía cạnh nào đó có tác động tiêu cực đến lợi nhuận của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, về mặt vĩ mô thì nội dung này đáp ứng được mục tiêu hạ thấp dần mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các nguồn vốn “giá rẻ”, góp phần mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống xã hội, từ đó đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Phân tích các quy định được bổ sung mới hoàn toàn so với Thông tư 39/2016/TT-NHNN

- Khoản 7 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN: “Để gửi tiền”:  Hiện nay, việc gửi tiền được thực hiện dưới 03 hình thức: gửi tiền không kỳ hạn, gửi tiền có kỳ hạn, gửi tiền tiết kiệm. Về lý do bổ sung quy định này tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra các lý do rất thuyết phục và hợp lý. Tác giả cho rằng dưới góc độ quản lý nhà nước, việc cấm cho vay để gửi tiền là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, dưới góc độ áp dụng quy định, tác giả cho rằng quy định này khá ngắn gọn, chung chung dễ dẫn đến (i) việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tín dụng và (ii) tạo khoảng trống pháp lý để các tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng làm khác đi ý nghĩa ban đầu mà quy định này hướng đến, cụ thể:

Một là, theo quy định về phương thức giải ngân thì trừ một số trường hợp nhất định, tổ chức tín dụng phải thực hiện giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc của bên thụ hưởng. Như vậy sẽ dẫn đến trường hợp khách hàng có sẵn tiền gửi trên tài khoản thanh toán trước khi giải ngân hoặc sau khi giải ngân thì khách hàng nhận tiền từ tổ chức, cá nhân khác dẫn đến không có sự tách bạch giữa tiền gửi và tiền vay thì khi khách hàng sử dụng số tiền trong tài khoản thanh toán để chuyển tiền cho các cá nhân, tổ chức khác thì phần tiền còn lại (không tách bạch giữa tiền lãi và tiền vay) thì có thể gọi đó là việc vay vốn để gửi tiền?

Hai là, hiện nay không có quy định cấm cho vay để mua chứng chỉ tiền gửi hoặc các giấy tờ có giá khác mang tính chất là hoạt động gửi tiền để nhận lãi. Như vậy thì quy định việc cho khách hàng vay để mua chứng chỉ tiền… có được xem là hoạt động gửi tiền hay không, hay quy định này chỉ dừng lại ở việc không được vay để gửi tiền dưới hình thành không kỳ hạn, có kỳ hạn hoặc gửi tiết kiệm.

- Khoản 8 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN: Để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần.

Quy định này nhằm đảm bảo việc nguồn tiền để thanh toán tiền góp vốn, mua phần vốn góp, cổ phần của khách hàng không xuất phát từ việc vay vốn của tổ chức tín dụng, xa hơn là việc sàng lọc nhà đầu tư, đảm bảo những nhà đầu tư góp vốn, mua phần vốn góp, mua cổ phần của các doanh nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính.

Tuy nhiên, quy định mang tính bao quát này mà không có trường hợp loại trừ có thể dẫn đến vướng mắc trong trường hợp các doanh nghiệp có vấn đề về ban lãnh đạo của doanh nghiệp như năng lực lãnh đạo yếu kém, dẫn đến doanh nghiệp không có năng lực để triển khai hoạt động kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các bên có liên quan như các đối tác, khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần có những người lãnh đạo có năng lực mới để điều hành doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, điều này rất phù hợp trong bối cảnh hiện tại, tuy nhiên, có thể tại thời điểm này những nhà đầu tư này chưa có đủ nguồn vốn để thanh toán tiền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Do đó, trong thời gian này thì nhu cầu vay vốn để thanh toán là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Vì vậy, tác giả cho rằng quy định này là khá chặt, mang tính chất cấm. 

- Khoản 9 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN: Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay

Quy định này có thể hiểu là khi dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay thì tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư đó.

Trong bối cảnh hiện tại thì quy định này giúp hạn chế rủi ro cho tổ chức tín dụng, là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng có thể từ chối khi khách hàng vay vốn với nhu cầu này. Tuy nhiên, tác giả cho rằng quy định này có một số vấn đề cần được làm rõ như sau:

Một là, nội dung “dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật” khá chung và chưa rõ ràng, dự án đầu tư ở đây được hiểu như thế nào, có phải là dự án đầu tư theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020  hay không (khi đó sẽ bao gồm nhiều dự án đầu tư khác nhau như dự án xây dựng nhà ở, dự án bất động sản, dự án điện mặt trời, dự án thủy điện…)? Hay chỉ giới hạn là dự án đầu tư xây dựng nhà ở (theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2014) hay dự án bất động sản theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Vấn đề này cần được làm rõ để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và không vướng mắc trong quá trình tổ chức tín dụng xét cho vay đối với khách hàng, bởi lẽ mỗi dự án đầu tư sẽ có điều kiện đưa vào kinh doanh khác nhau.

Hai là, thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay được xác định là thời điểm nào? Trên thực tế, việc cho vay đối với khách hàng sẽ thông qua một quá trình với nhiều giai đoạn khác nhau, từ thẩm định, xét cho vay, ra thông báo cho vay, kết ký thỏa thuận cho vay, giải ngân… Vậy thì thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay là thời điểm nào? Là thời điểm ra thông báo cho vay hay thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay, hay là thời điểm giải ngân cho khách hàng. Bởi sẽ có trường hợp tại thời điểm ra thông báo cho vay thì dự án không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh nhưng đến thời điểm ký kết thỏa thuận cho vay hoặc tại thời điểm giải ngân dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Việc xác định cụ thể thời điểm được xem là thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay rất quan trọng, bởi lẽ nếu không quy định cụ thể sẽ dẫn đến (i) tổ chức tín dụng và khách hàng bị động trong việc đề nghị, thẩm định và xem xét cho vay, quyết định cho vay và (ii) mỗi tổ chức tín dụng có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước.

Ba là, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì điều kiện được huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh khác biệt với điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh và cũng khác với điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Thực tế, một số dự án đầu tư đã đủ điều kiện huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh nhưng tại thời điểm đó chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh (dưới dạng bất động sản hình thành trong tương lai). Như vậy, việc quy định như khoản 9 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN có phải là chặt chẽ quá mức cần thiết hay không, trong khi việc đủ điều kiện hay không đều cần có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Khoản 10 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN về cho vay để bù đắp tài chính

Cho vay bù đắp tài chính là việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để bù đắp các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng, vốn vay từ cá nhân, tổ chức (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống.

Thông tư 06/2023/TT-NHNN cấm cho vay để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện:

Một là, khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Như vậy, chi phí được vay bù đắp phải là các chi phí (i) để thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, (ii) do khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán và (iii) chi phí này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Mặc dù không quy định chủ thể được phép cho vay để bù đắp tài chính, tuy nhiên, việc đặt ra điều kiện chi phí để thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đã phần nào hạn chế việc cho vay bù đắp tài chính đối với cá nhân. Tương tự như quy định tại khoản 9 Điều 8 Thông tư 06/2023/TT-NHNN mà tác giả đã phân tích nêu trên, điều kiện này cũng cần làm rõ thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

Hai là, các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó. Điều kiện này giải quyết câu chuyện doanh nghiệp đang làm thủ tục vay vốn trung, dài hạn để thực hiện dự án kinh doanh, trong thời gian chưa được phê duyệt khoản vay trung, dài hạn, doanh nghiệp cần phải thanh toán một số chi phí phát sinh liên quan đến dự án mà các khoản chi phí này đã được đưa vào phương án sử dụng vốn vay và theo đó, doanh nghiệp đã phải ứng trước vốn của mình để thanh toán, đảm bảo tiến độ dự án, đây được xem là nhu cầu vốn chính đáng.

Một vài đề xuất kiến nghị

Nhìn chung, các quy định mới của Thông tư 06/2023/TT-NHNN về những nhu cầu vốn không được cho vay thể hiện sự cẩn trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng cũng như trong việc điều hòa nguồn vốn tín dụng vào nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu minh bạch hóa, lành mạnh hóa hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, giảm tỷ lệ nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, như tác giả phân tích nêu trên, một số quy định có sự chưa rõ ràng cũng như chưa thực sự phù hợp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có sự hướng dẫn cụ thể đối với các quy định nêu trên để có sự áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Đồng thời, đối với một số quy định cần xem xét áp dụng việc ngưng hiệu lực để từ đó có thời gian để đánh giá thêm so với tình hình kinh tế xã hội để đi tới quyết định áp dụng hoặc có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa quản lý nhà nước và tạo điều kiện để dòng vốn tín dụng – dòng vốn đóng vai trò rất quan trọng – chảy vào nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

ThS. Trần Minh Pháp và Luật sư Đặng Thị Kiều Oanh (Cty Luật TNHH Passio Lawyers)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin