Ngăn chặn “virus tin giả” : Cần tăng cường áp dụng chế tài hình sự

20/08/2021 13:45

(Pháp lý) – Liên tiếp thời gian qua, trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok) lan tràn tin tức xấu, độc liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tin xấu, độc không những làm cản trở công tác phòng, chống dịch mà còn gây hoang mang trong dư luận, gây bất ổn đời sống xã hội. Cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều đối tượng, tuy nhiên chủ yếu là phạt hành chính. Trong thời gian tới đây, để xử lý triệt để loại “virus tin giả” độc hại này, rất cần thiết phải tăng cường xử lý hình sự.

Ngập tràn ma trận tin giả (Fake news)

Ngày 9/8 vừa qua, trên một số diễn đàn, mạng xã hội lan truyền chóng mặt thông tin tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa (TP. Hà Nội) phát hiện các ca mắc Covid-19. Những ca này, trước đó đã tham gia tiêm chủng cho người dân dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng với khoảng 5000 F1. Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, đại diện UBND quận Đống Đa khẳng định thông tin trên hoàn toàn sai sự thật; đề nghị người dân nên cảnh giác, nắm bắt thông tin chính xác từ các cơ quan chức năng; phối hợp phản ánh cho cơ quan chức năng các thông tin sai sự thật. 

501-1628827964.jpg
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc xuất hiện 5.000 ca F1 liên quan đến ca dương tính Covid-19 là thông tin sai sự thật.

Hay mới đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh và số ca tử vong tăng cao tại TP. Hồ Chí Minh, một nội dung tin tức đăng tải về “Hình ảnh xác chết do Covid-19” được chia sẻ rầm rộ, nhanh chóng trên mạng xã hội, gây ra những phản ứng rất hoang mang trong dư luận. Trước thông tin này, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết hình ảnh lan truyền trên là thông tin giả mạo, thực chất đây là hình ảnh được chụp tại bệnh viện Myawaddy tại Myanmar. 

Hay một đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore cho rằng "Covid-19 là loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người". Khi nắm bắt được sự việc này, cơ quan chức năng đã lên tiếng bác bỏ các thông tin trên.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, trên mạng xã hội đã từng lan truyền dòng trạng thái của một Facebooker xuyên tạc phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để đưa ra những thông tin suy diễn vô căn cứ dễ khiến người đọc hoảng sợ như: “Dịch bùng ra một cái, chắc chắn Việt Nam sẽ bứt lên Top 1 ngay”;  “không có việc Nhà nước lo và ra viện được tặng hoa nữa đâu”; “Hà Nội 11 triệu dân chỉ có khoảng 300 cái (máy thở)”... 

Nguy hiểm hơn là những thông tin trên được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây ra những phản ứng tiêu cực trong cộng đồng mạng. Chỉ trong 3 ngày 12, 13 và 14/5, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản facebook có hành vi đăng thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác dập dịch.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đã xác thực thông tin và công bố 33 tin giả, tin sai sự thật. 
Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ Thông tin và Truyền thông gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38. Chỉ tính riêng trong thời gian có dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Google, Youtube, Facebook gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế, 152 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh (Tỷ lệ gỡ chặn đạt 100%). 
Thanh tra Bộ cũng đã xử lý vi phạm việc cung cấp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 trên mạng xã hội tại một số địa phương, cụ thể: Năm 2020 đã xử lý 122 vụ việc tại 21 tỉnh/thành phố; quý I/2021 xử lý 57 vụ việc tại 13 tỉnh/thành phố.

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tin giả tràn làn trong bối cảnh dịch bệnh xuất phát từ “tính mới” của dòng Coronavirus. Đây là loại vius mới nhưng tốc độ lây lan lại  vô cùng mạnh mẽ, trong khi đó con người chưa đủ thấu hiểu hết căn nguyên của đại dịch, dẫn đến sự hoang mang và lo sợ của công chúng. Sự kết hợp giữa sự thật, nỗi sợ hãi, tin đồn và suy đoán đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện những thông tin sai lệch , giật gân và tội phạm mạng trên Internet.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo rằng loại “virus tin giả” có mức độ nguy hiểm không thua kém virus Covid-19. Tình hình thảm khốc của dịch bệnh trên thực tế đã khiến cho vô số nội dung được chia sẻ trên nền tảng trực tuyến. Từ đây đặt ra trách nhiệm của các Chính phủ, vừa phải chống dịch bệnh thật, vừa phải ngăn chặn con đường phát tán của “ vi rút tin giả”.

Chế tài của pháp luật Việt Nam
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, thông tin giả, tin sai sự thật xuất hiện nhiều trong đời sống xã hội bởi những nguyên nhân khác nhau,  tác động đến xã hội khác nhau. Tin giả, sai sự thật cũng có thể là một thông tin, sự kiện chưa được kiểm chứng nhưng đã công khai, sau đó cơ quan chức năng phát hiện thông tin đó là không trung thực. Người đưa tin có thể chỉ là vội vàng, thiếu cẩn trọng nhưng đã tác động tiêu cực đến xã hội ở những mức độ khác nhau. Trong trường hợp này được xác định là lỗi vô ý và tùy thuộc vào tính chất, mức độ của sự việc mà người vi phạm có thể sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật ở các mức độ khác nhau.

502-1628828014.jpg

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Đối với các hành vi đăng tải tin xấu, độc, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có một số văn bản pháp luật điều chính như: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. 

Trong đó quy định những hành vi mà tổ chức, cá nhân được phép thực hiện trên không gian mạng, đồng thời quy định những hành vi bị cấm trong đó có hành vi đưa tin sai sự thật trên không gian mạng. Hành vi đưa tin sai sự thật lên mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu đến xã hội, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cụ thể tại Điều 101 với mức phạt cao nhất lên đến 30.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Vấn đề xử lý tin giả cũng đã được hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh, đã quy định rõ: Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân vi phạm là 200.000.000 đồng (hơn 870.000 USD) hoặc phạt tù lên đến 03 năm. 

Qui định của pháp luật đã khá đầy đủ, nhưng thời gian qua chúng ta chủ yếu xử lý hành chính các đối tượng đăng tin giả, tin sai sự thật. Phải chẳng chính vì điều này mà nhiều đối tượng dù bị xử phạt một lần hay tái phạm nhưng rồi vẫn “ngựa quen đường cũ”?

image003-1628828057.jpg
 

Những bất cập khó khăn khi áp dụng chế tài hình sự

Việc chứng minh hành vi đăng tải tin giả thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm là rất khó khăn trong thời gian qua tại Việt Nam. Trải qua 4 làn sóng dịch bệnh, chúng tôi nhận thấy các hành vi đăng tải tin tức giả mạo liên quan đến tình hình dịch Covid-19 chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền không hề lớn. 

Dù cho đã có Công văn số 45/HĐTP TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử các tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh hay Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về loại tội phạm này. Song, việc xử lý bằng con đường hình sự rất hãn hữu, vì để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong Bộ luật Hình sự.
 
Cụ thể trong trường hợp này đối với Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định tại Điều 288 của Bộ luật Hình sự hiện hành thì phải chứng minh được các yếu tố sau đây:

Về mặt khách quan, tin tức giả mạo được đăng tải phải được thể hiện dưới một trong các hành vi sau đây: thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thời gian qua, để chứng minh được những hành vi vi phạm này là rất hãn hữu, việc đăng tải tin tức sai lệch chủ yếu đang dừng lại ở mức gây hoang mang dư luận, khó khăn cho công tác vận động phòng, chống dịch của chính quyền. Ở nước ta hiện nay, chưa có một công bố hay báo cáo công khai nào về số tiền thiệt hại thực tế mà hành vi đăng tải tin giả gây ra. Đa số các đối tượng tung tin với mục đích thu hút sự quan tâm của người đọc, nhằm tăng lượt theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội hoặc cá biệt có nhiều đối tượng vi phạm để thuận lợi cho việc bán hàng online. 

Cũng không ít trường hợp, hành vi đăng tải, chia sẻ rầm rộ các nguồn tin sai lệch chưa được kiểm chứng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức không đầy đủ về mức độ nghiêm trọng trong bối cảnh dịch bệnh. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc thì khi đó người vi phạm mới nhận ra hành vi sai trái, nhưng lúc này thì hậu quả “đã rồi”.

Về hậu quả của hành vi là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, hành vi trên chỉ bị coi là tội phạm nếu thuộc một trong những trường hợp sau: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên; Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Dẫn đến biểu tình; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Nếu không chứng minh được những hậu quả này thì cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Singapore, ngoài hình phạt tiền lên đến 74.000 USD, người tung tin giả có thể phải đối mặt với mức phạt là 10 năm tù nếu thông tin gian dối được chia sẻ bằng cách sử dụng sử dụng tài khoản giả mạo, khó xác định. Đối với Brazil, mức phạt với các hành vi đăng tải sai sự thật cũng rất nghiêm khắc, hình phạt bao gồm phạt tiền là 1.500 đô la Úc (hơn 1.000 00 USD) và 08 năm tù. 

Thay lời kết

Khi dịch bệnh covid – 19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì những thông tin chuẩn xác về dịch bệnh là rất quan trọng để phục vụ cho cơ quan chức năng trong việc đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như để người dân nắm được phải chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá nhân và gia đình. Trong các giải pháp để dập dịch thì việc thông tin, giáo dục, phổ biến kiến thức là một trong những biện pháp cấp bách để chủ động đối phó với dịch bệnh. 

Thông tin chính thống, chuẩn xác là vô cùng quan trọng. Do đó trong thời gian tới đây cần xử lý hình sự một số vụ việc cụ thể để  răn đe các đối tượng có ý đồ hoặc lộ rõ ý đồ muốn phá hoại các nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh và dập dịch.

Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập cũng như có cơ sở pháp lý vững chắc về xử lý hình sự đối với các hành vi đăng tải, chia sẻ tin giả trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc áp dụng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Qua đó giúp công tác chứng minh tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật  được tiến hành thuận lợi . Cùng với đó, việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, điều tra khám phá tội phạm mạng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xử lý loại tội phạm này là một trong những giải pháp quan trọng mà cơ quan chức năng cần lưu ý trong thời gian tới đây.

Vũ Thủy


 

Bạn đang đọc bài viết "Ngăn chặn “virus tin giả” : Cần tăng cường áp dụng chế tài hình sự" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin