Mục tiêu và thách thức để kinh tế số chiếm 20% GDP

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, muốn phát triển được ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, bắt buộc chúng ta cần có hạ tầng số.

Ngày 9/3, Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 với chủ đề "Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy để làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số như chủ trương của Chính phủ.

"Hạ tầng số phải đi trước một bước"

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ TT&TT nhận định, quá trình CĐS quốc gia đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Tới 2025, nỗ lực để kinh tế số chiếm 20% GDP, đây là mục tiêu và cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam. Đồng thời, cũng là bước đệm để thực hiện hoá khát vọng đưa Việt Nam thành nước phát triển vào năm 2045.

1-1646875916.jpeg

Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại sự kiện

Hai năm vừa qua, đại dịch Covid đã gây ra tác động rất lớn tới Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, công cuộc chuyển đổi số vẫn đang diễn ra mạnh mẽ ở mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Theo đó, muốn phát triển được ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, bắt buộc chúng ta cần có hạ tầng số. “Hạ tầng số phải đi trước một bước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông cho biết thêm, hiện nay Việt Nam cũng đang đi cùng thế giới để xây dựng nội hàm về hạ tầng số. Trong đó, Bộ TT&TT cũng xác định hai thành phần quan trọng của hạ tầng số gồm: hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. 

Theo Bộ TT&TT, năm 2021, tốc độ băng rộng cố định vượt 7 bậc so với năm 2020, đứng thứ 47 trên 140 nước trên thế giới. Bên cạnh đó, hạ tầng cố định đã được phát triển tốt, tiêu dùng về mặt dữ liệu cũng tăng 40% so với năm 2020.

Tới 2025, Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ đưa ra mục tiêu, Việt Nam sẽ lọt vào top 30 nước có hạ tầng phát triển nhất trên thế giới. 

Để có góc đánh giá khách quan hơn, IDG Vietnam cũng đã thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động, ISP & điện toán đám mây do IDG Vietnam thực hiện.

Ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Vietnam cho biết, kết quả khảo sát cho thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông, trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng.

Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của thị trường viễn thông trong vòng 2-3 năm qua là việc các đơn vị nhà mạng tích cực tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và coi đó là lợi thế cạnh tranh, là điểm nhấn cạnh tranh mới của mình.

Thách thức về thể chế số

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng việc quan trọng trước mắt là hoàn thiện thể chế số, làm sao để vừa quản lý, song vẫn thúc đẩy được sự tăng trưởng - một câu chuyện nan giải. 

Ông đưa ra ví dụ thực tế, nền tảng số phát triển, dẫn tới những loại hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, tuy nhiên, thể chế cho việc triển khai mô hình kinh doanh mới như thế nào lại là một rào cản. Như Grab cũng đã mất mấy năm, Việt Nam mới đưa vào khai thác được, hay mobile money cũng đã mất rất nhiều năm cân nhắc, nhưng vẫn chỉ ở giai đoạn thử nghiệm.

11-1646875916.jpeg
Mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số như Grab, mất nhiều năm mới có thể đưa vào khai thác do rào cản về thể chế.

Ông thông tin thêm, hiện nay, 80% dữ liệu của người Việt ở nước ngoài. Vậy làm sao để dữ liệu của người Việt sản sinh, phát triển ở Việt Nam, hướng tới doanh thu từ hạ tầng dữ liệu này đóng góp 1% GDP vào năm 2025. Đây là một trong những vấn đề cần nghiên cứu, xem xét.

Mặt khác, về cách làm số. Việt Nam đang cố gắng để mỗi người dân đều có một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) để kết nối với môi trường số, bởi chuyển đổi số không phải câu chuyện từ chính quyền, phải xuất phát từ chính mỗi người dân. Điều này cũng đòi hỏi những cách làm đột phá, xuất sắc

Qua đó, ông bày tỏ mong muốn lắng nghe đề xuất từ các doanh nghiệp về việc cải cách, xây dựng thể chế số, dựa trên chính kinh nghiệm thực tế hoạt động trong và ngoài nước của các đơn vị.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/muc-tieu-va-thach-thuc-de-kinh-te-so-chiem-20-gdp-a545750.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin