Một số qui định khác biệt, thiếu thống nhất trong Luật Phá sản hiện hành và Luật Các tổ chức tín dụng 2024

(Pháp lý). Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mới năm 2024 có hiệu lực vào ngày 01/07/2024. Một trong những nội dung được sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là phần quy định cụ thể về việc thực hiện phá sản đối với tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nghiên cứu những nội dung mới trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có những điểm khác biệt , thiếu thống nhất với quy định trong Chương VIII “Phá sản tổ chức tín dụng” trong Luật Phá sản 2014.
1-1716458453.png

Về chủ thể nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản

Luật Phá sản 2014 quy định tại “Điều 98. Quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người sau đây có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

1. Người quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 5 của Luật này;

2. Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.”

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 203 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024: “Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản”.

Như vậy, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì chủ thể nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản là chính tổ chức tín dụng (TCTD) mất khả năng thanh toán. Với quy định này có thể hiểu là việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản là nghĩa vụ bắt buộc của TCTD mất khả năng thanh toán sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng các biện pháp chuyên ngành nhưng TCTD không còn khả năng thanh toán.

Đối chiếu giữa hai điều khoản nằm trong hai đạo luật nêu trên, rõ ràng thấy Luật Phá sản mở rộng chủ thể có quyền cũng như nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với TCTD mất khả năng thanh toán. Vấn đề đặt ra là nếu thực tế các chủ nợ không có bảo đảm của TCTD, xét thấy TCTD có đầy đủ yếu tố để phải tiến hành thủ tục phá sản để thanh toán cho các chủ nợ thì những chủ nợ này họ có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với TCTD hay không ?, tức là quy định không đồng nhất giữa hai đạo luật này thì sẽ áp dụng như thế nào trên thực tế. Thực sự, cho đến bây giờ ở Việt Nam chưa hề có trường hợp nào về phá sản đối với TCTD dù khung pháp lý về phá sản đối với TCTD được ban hành từ rất sớm; Tuy nhiên tới đây các nhà làm luật khi sửa Luật Phá sản 2014, cần tính đến sự thống nhất giữa luật chuyên ngành là Luật Các TCTD với luật khung là Luật phá sản.

Về Thủ tục giải quyết phá sản đối với TCTD

Theo Luật Phá sản 2014 thì thứ tự phân chia tài sản của TCTD đối với khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại TCTD phá sản được xếp thứ ba (03) sau chi phí phá sản; lương và các khoản khác liên quan đến quyền lợi  của người lao động . Thứ tự phân chia tài sản này là cơ sở để thực hiện ở giai đoạn tiến hành thanh lý tài sản của doanh nghiệp nói chung cũng như TCTD nói riêng, sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

Trong khi đó, Luật Các TCTD 2024 quy định tại Điều 190 về tổ chức thực hiện phương án phá sản , thì sau khi sau khi phương án phá sản đã được phê duyệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền theo phương án phá sản. Phương án phá sản được quy định trong Luật Các TCTD được hiểu là một giai đoạn đi liền sau khi TCTD đã được NHNN áp dụng các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành, nhưng không còn khả năng tiếp tục tồn tại, được xem như là một giai đoạn nằm trong quyền quản lý của NHNN cần phải tiến hành sau bước kiểm soát đặc biệt nhưng không thành công đối với TCTD, và một trong những việc phải làm của phương án phá sản là giải quyết ngay việc thanh toán tiền gửi cho khách hàng.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 203 Luật Các TCTD 2024: “Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng, Tòa án áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.” Với nội dung tại điều khoản này có thể được hiểu là Tòa án bỏ qua giai đoạn ra quyết định tuyên bố TCTD phá sản hay không, như vậy thì mâu thuẫn với quy định tại Điều 104 của Luật Phá sản 2014 “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản lập xong danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, bảng kê tài sản của tổ chức tín dụng, Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.”

Như vậy, nếu hiểu theo quy định của Luật Các TCTD 2024 thì việc thanh toán tiền gửi được thực hiện độc lập không nằm trong thứ tự phân chia tài sản của giai đoạn thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản 2014. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa hai đạo luật này mà thiết nghĩ tới đây các nhà làm luật khi sửa Luật Phá sản 2014 cần phải có sự thống nhất giữa pháp luật phá sản với pháp luật chuyên ngành để không gây khó khăn chồng chéo khi thực thi pháp luật.

--------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Phá sản 2014

2. Luật Các Tổ chức tín dụng 2024

 

Ths. Phan Thỵ Tường Vi (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin