Ngày 25-11-2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015. So với những quy định của Quy chế về tạm giữ, tạm giam thì Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, rõ ràng, tháo gỡ bất cập, hạn chế; bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ và phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.
Luật thi hành tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 73 điều, có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2018 với những nội dung cơ bản như sau:
1- Làm rõ hơn khái niệm người bị tạm giữ, tạm giam so với quy định trong Quy chế về tạm giữ, tạm giam. Tại quy định cũ thì “Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang và đối với họ đã có Lệnh tạm giữ”, trong khi thực tế Người bị tạm giữ còn bị bắt trong các trường hợp khác như: Truy nã, đầu thú, tự thú… Luật mới đã cụ thể hoá là “Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”. Đối với người bị tạm giam, thực tế cũng có nhiều dạng nhưng quy định cũ chưa bao gồm hết được, nay cụ thể đầy đủ là “Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ”.
Thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có phạm vi hẹp hơn so với người thân thích của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Bộ luật tố tụng hình sự. Đối tượng là thân nhân được mặc nhiên thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam; còn những người khác không phải là thân nhân muốn gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý.
2 - Quy định cụ thể những quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.
Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, còn một số quyền khác được quy định mang tính nguyên tắc được thực hiện nếu không bị hạn chế bởi Luật này hoặc các Luật khác có liên quan; trong đó đã bổ sung một số quyền quan trọng cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam như: được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình (điểm a khoản 1); Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý (điểm đ khoản 1); Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự” (điểm e khoản 1); Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam (điểm g khoản 1).
Quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã có sự phân biệt với người chấp hành án phạt tù, chẳng hạn như: người chấp hành án phạt tù phải lao động, học tập…; còn người bị tạm giữ, người bị tạm giam không có các nghĩa vụ này. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền bầu cử ; người chấp hành án phạt tù không có quyền này…
Điều 19 đã quy định cụ thể về các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế khi bị tạm giữ, bị tạm giam, theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Điều 22 đã quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; việc thăm gặp do Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được mặc quần áo của cá nhân, không bắt buộc phải mặc đồng phục. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam không mang theo quần áo thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm cho mượn để sử dụng.
3- Về quy trình tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 16) và hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam (Điều 17). Luật quy định cụ thể hơn so với văn bản pháp luật cũ, được xem như một bước tiến lớn, tạo điều kiện cho cơ sở giam giữ thực thi pháp luật, quản lý hồ sơ đầy đủ hơn; đồng thời cũng thuận lợi cho cơ quan quản lý giam giữ, Viện kiểm sát nhân dân… thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát hồ sơ sổ sách.
4 - Luật quy định một chương riêng (Chương V) về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi ở cùng, về quyền được chăm sóc y tế của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Theo đó, các đối tượng trên được Luật quy định chi tiết về việc giam, giữ, chế độ ăn ở, quản lý, sinh hoạt, chăm sóc y tế, gặp gỡ thân nhân…, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn được tăng thêm về thịt, cá; người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ, được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân... Luật cũng quy định cụ thể hơn về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam đối với người đồng tính, chuyển giới.
5- Về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
Luật quy định cụ thể hơn về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý; cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam với cơ quan điều tra. Theo đó, hệ thống cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam đã tách bạch (tương đối) với cơ quan điều tra, nhất là trong Công an nhân dân, nhằm bảo đảm tính độc lập của hoạt động quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam với hoạt động điều tra và tránh bức cung, nhục hình. Quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Đặc biệt, Luật đề cao trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, có 02 điều luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Đặc biệt, luật quy định rất rõ về thời hạn giải quyết, trả lời, thông báo… của cơ quan quản lý, thi hành giam giữ cho Viện kiểm sát được biết, như: Yêu cầu cung cấp hồ sơ, thông báo tình hình giam giữ, vi phạm pháp luật (là 15 ngày); yêu cầu tự kiểm tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát (là 30 ngày); kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 42 của Luật phải được xem xét, giải quyết, trả lời cho Viện kiểm sát trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Điều này, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, thi hành giam giữ biết được thời gian cụ thể để chỉ đạo, đôn đốc khắc phục, thực hiện các quy định của pháp luật kịp thời, đúng theo quy định.
6- Quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Luật có 18 điều liên quan tới khiếu nại, tố cáo, thể hiện sự quan tâm đến quyền con người, đặc biệt là đối tượng đang bị giam giữ. Ngoài ra, so với quy định cũ thì luật mới quy định rất cụ thể về thời hiệu khiếu nại, tố cáo, thẩm quyền giải quyết, thời hạn giải quyết, hồ sơ, trình tự thủ tục…
7- Quy định về kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam có nhiều điểm mới so với quy định trước đây. Cụ thể, quy định cũ không quy định người bị tạm giữ bị xử lý kỷ luật nếu vi phạm nội quy nhưng luật mới có quy định về trường hợp này. Hoặc quy định cũ quy định người bị phạt giam ở buồng kỷ luật có thể bị cùm một chân. Nhưng luật mới, quy định có cân nhắc hơn, chỉ cùm một chân khi người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân… Ngoài ra, việc cùm chân không áp dụng đối với người chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng, người đủ 70 tuổi trở lên.
Theo Noichinh