Mối quan hệ Nhà nước - Thị trường - Xã hội dưới góc nhìn sản xuất công nghiệp

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu một số mối quan hệ cần được xử lý, trong đó có mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với sự điều tiết của thị trường, xã hội.

Trên thực tế, thị trường không chỉ là nơi diễn ra sự mua bán, mà đó còn là các loại thị trường, các yếu tố thị trường và các chủ thể trên thị trường.

Như vậy, quan hệ giữa nhà nước và thị trường, về thực chất, là quan hệ giữa nhà nước với vai trò người quản lý và quá trình hình thành, phát triển của các loại thị trường, các yếu tố thị trường và các chủ thể thị trường.

Nhìn dưới góc độ sản xuất công nghiệp, 5 năm qua, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp (VA công nghiệp theo giá so sánh 2010) tăng từ 810,438 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 1.145,437 nghìn tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng (VA) trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng 7,16%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2020 là 6,5 - 7,0%/năm.

Quan trọng hơn, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và rất tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Cụ thể:

Tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng trong GDP liên tục giảm; từ 9,1% năm 2010 xuống còn khoảng 8,1% năm 2016 và 6,72% năm 2019 và ước chỉ còn 5,55% năm 2020.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp.

Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82% .

Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này liên tục được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước đạt 16,7% vào năm 2020).

Những chuyển biến tích cực ấy bắt đầu từ 2 phía. Về phía quản lý Nhà nước, đó là việc triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Cùng với đó là Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng thích ứng, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết 23 “Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác” đã giúp các chính sách khuyến khích của nhà nước hướng đến những ngành, những doanh doanh nghiệp có thế mạnh.

Từ quản lý Nhà nước đã tác động sang vế thứ hai là thị trường và xã hội.

Ví dụ điển hình là, sau khi Nghị định 116 và 125 ra đời, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, đã tạo ra một “trật tự” mới trên thị trường ô tô, mà ưu thế thế trước kia thuộc về doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với chính hãng, chuyển sang thuộc về doanh nghiệp thuộc bất cứ loại hình nào gia tăng được tỷ lệ nội địa hóa lên đến mức cao nhất.

Kết quả là, chúng ta có những doanh nghiệp ô tô có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như Thaco Trường Hải, Vinfast, Hyundai Thành Công…

Nhìn trên tổng thể, đến nay ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân;

Ngành dầu khí đã hoàn thành chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác, chế biến dầu khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao;

Ngành Than đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là xây dựng, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; cơ bản hoàn thành các mục tiêu quy hoạch, kế hoạch đề ra;

Ngành dệt may đã nhanh chóng thích nghi với các điều kiện thị trường, đảm bảo duy trì sản xuất, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động;

Ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…

Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế…

Sự phát triển của ngành công nghiệp thời gian qua cho thấy rõ mối quan hệ giữa Nhà nước và Thị trường và Xã hội, trong đó, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt huy động mọi nguồn lực xã hội vào ttriển khai, trong khi Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi.

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp, quản lý Nhà nước còn tạo ra những thị trường để thúc đẩy các thị trường khác.

Chẳng hạn, với hàng loạt chính sách ưu đãi và những hỗ trợ cụ thể, bước đầu đã tạo ra thị trường công nghiệp hỗ trợ bằng cách phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, là những ngành sản xuất lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử, máy tính, điện thoại, xe máy, máy móc thiết bị và phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Chính các ngành công nghiệp hạ nguồn là không gian rộng lớn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/moi-quan-he-nha-nuoc-thi-truong-xa-hoi-duoi-goc-nhin-san-xuat-cong-nghiep-78897.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin