Mở thủ tục phá sản doanh nghiệp nợ quá hạn: Thực tiễn và một số vấn đề pháp lý

(Pháp lý). Khi doanh nghiệp đối diện với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh , khi doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn, tranh chấp phát sinh là điều tất yếu. Năm 2023 chứng kiến không ít vụ việc các doanh nghiệp vướng vào các yêu cầu phá sản với mục đích thu hồi khoản nợ từ các chủ nợ. Tuy nhiên, nghiên cứu từ thực tế cho thấy không phải trường hợp nào yêu cầu từ chủ nợ cũng được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
1-1718257720.png

1. Lý do khiến chủ nợ phải yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp

Trên thực tế, có nhiều phương án để chủ nợ có thể yêu cầu doanh nghiệp thanh toán các khoản nợ đến hạn. Có thể kể đến như đàm phán, thương lượng với doanh nghiệp bằng cách sử dụng các lợi thế kinh doanh, thương mại đối với các khoản nợ quá hạn trong thời gian ngắn, hoặc khởi kiện tại tòa án, trọng tài thương mại đối với các khoản nợ khó đòi. Thậm chí, chủ nợ còn có thể chuyển quyền yêu cầu thanh toán các khoản nợ cho một bên thứ ba khác để thực hiện quyền đòi nợ. Tuy vậy, mỗi phương thức trên đều có những hạn chế nhất định để chủ nợ có thể thực hiện được.

Đối với phương thức đàm phán, thương lượng bằng cách sử dụng các lợi thế kinh doanh, lợi thế thương mại, không phải lúc nào chủ nợ cũng là bên ở vị thế cao hơn trong quan hệ thương mại để có thể áp dụng phương thức này. Đặc biệt, đối với chủ nợ có quy mô nhỏ, chỉ là một trong rất nhiều mắc xích trong chuỗi hoạt động của doanh nghiệp, việc sử dụng vị thế của mình để đàm phán về các khoản nợ của doanh nghiệp gần như rất khó, bởi họ vẫn còn mối quan hệ phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Đối với các khoản nợ khó đòi, nếu chủ nợ khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài thương mại, thời gian tố tụng kèm theo quá trình thi hành án kéo dài đằng đẵng là thách thức đối với các chủ nợ. Trong khi đó, nếu chủ nợ chuyển quyền đòi nợ cho bên thứ ba, mức độ hao hụt đối với khoản nợ thường khá lớn, tùy thuộc vào độ “khó đòi” của khoản nợ, chưa kể là các rủi ro pháp lý nếu bên thứ ba thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đòi nợ. Như vậy, có thể thấy, không phải lúc nào các phương thức trên cũng là giải pháp hữu hiệu để chủ nợ có thể đòi được nợ từ doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, nhiều chủ nợ hiện nay tìm đến phương án nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nợ quá hạn, đây được xem như một “tuyệt chiêu” đòi nợ mà chủ nợ áp dụng đối với các doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ các quy định của Luật Phá sản 2014, khi mà chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán[1].

2. Hiệu quả thực sự của phương án này?

Việc chủ nợ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp nợ quá hạn không phải là điều mới xảy ra, thực tế cho thấy số lượng các hồ sơ phá sản mà tòa án thụ lý giải quyết trong năm 2023 còn thấp hơn năm 2022. Tuy nhiên, phương án này lại nở rộ trong thời gian gần đây thông qua việc nhiều doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trên thị trường bỗng nhiên vướng vào các yêu cầu phá sản. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng phương án này có thực sự hiệu quả? Chúng tôi xin dẫn chiếu một số ví dụ từ thực tế sau:

Ngày 09/10/2023, Tòa án nhân dân Tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (“Đức Long Gia Lai”), điều này thực sự gây sốc đối với các cổ đông, nhà đầu tư của tập đoàn này, bởi lẽ không ai nghĩ rằng một tập đoàn lớn của Tỉnh Gia Lai, đầu tư đa ngành lại có ngày bị mở thủ tục phá sản. Quyết định này được tòa án đưa ra dựa trên yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3. (“Lilama”). Theo đó, giữa Lilama và Đức Long Gia Lai tồn tại khoản nợ 17 tỷ đồng mà Đức Long Gia Lai phải trả. Khoản nợ này đã được tòa án cấp phúc thẩm tuyên và đang trong quá trình thi hành án, tuy nhiên, vì quá trình thi hành án kéo dài, Lilama đã yêu cầu Tòa án nhân dân Tỉnh Gia Lai mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Ngay sau khi tòa án có quyết định mở thủ tục phá sản, trước sức ép quá lớn, Đức Long Gia Lai đã thanh toán cho Lilama 4 tỷ đồng tính đến ngày 08/11/2023[2]. Mặc dù vậy, Đức Long Gia Lai đã có đơn đề nghị xem xét lại quyết định này lên Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Đà Nẵng. Tòa án cấp cao sau đó đã quyết định hủy Quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai. Có thể thấy, dù không thể mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai, nhưng với hành động trên, Lilama đã thu hồi lại được một phần khoản nợ của mình, cũng như tạo áp lực cho Đức Long Gia Lai trong quá trình thi hành án, bởi giờ đây, việc thi hành án của Đức Long Gia Lai sẽ được chú ý hơn.

Trước đó không lâu, ngày 25/7/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (“Coteccons”) đã công bố thông tin về việc nhận được Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản số 10/TB-TA ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, bên yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (“Ricons”). Thông báo này xuất hiện trong bối cảnh cả Coteccons và Ricons thuộc về hai liên danh đang cạnh tranh gay gắt để đạt được gói thầu xây dựng sân bay Long Thành. Vụ việc này xuất phát từ khoản nợ mà Ricons cho rằng Coteccons vẫn còn nợ mình liên quan đến các hoạt động xây dựng trước đó, tuy nhiên, phía Coteccons cũng phản hồi về việc giữa các bên hiện có tồn tại các khoản nợ lẫn nhau và vẫn chưa được quyết toán rõ ràng. Vào ngày 29/9/2023, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2112/2023/QĐ-KMTTPS về việc không mở thủ tục phá sản đối với Coteccons[3]. Được biết đến hiện tại, phía Ricons vẫn chưa có thêm động thái nào liên quan đến quyết định này, cho thấy vụ việc phá sản này đã chính thức khép lại.

Theo quy định hiện hành của Luật Phá sản, quy trình để thực hiện thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp trải qua khoảng thời gian khá dài, hơn nữa, các khoản nợ của chủ nợ nếu không được bảo đảm sẽ rất khó có cơ hội để thu hồi được theo thứ tự ưu tiên, nếu doanh nghiệp thực sự rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Do đó, nếu hướng đến mục đích phá sản các doanh nghiệp để thu hồi khoản nợ của mình, đây chắc hẳn không phải là phương án tối ưu của các chủ nợ. Mặc dù vậy, xuất phát từ sức ép và hệ quả to lớn tác động đến các doanh nghiệp bị tòa án ban hành quyết định mở thủ tục phá sản, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, các chủ nợ vẫn có lý do để yêu cầu tòa án thực hiện thủ tục này. Trong cả hai trường hợp trên, thủ tục phá sản đều không được mở đối với Đức Long Gia Lai và Coteccons. Tuy nhiên, khó có thể nói Lilama và Ricons không đạt được các mục đích riêng của mình khi yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp này.

 

2-1718257728.jpg

Ảnh minh hoạ

3. Không phải yêu cầu nào cũng được chấp nhận

Mặc dù là phương án được nhiều chủ nợ đang mong muốn áp dụng, nhưng có thể thấy từ vụ việc của Coteccons, không dễ để yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể được tòa án chấp nhận. Theo quy định hiện hành, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Đầu tiên, về khái niệm chủ nợ, nếu như khoản nợ của Đức Long Gia Lai đã rõ ràng vì đã được cơ quan xét xử tuyên án và đang trong quá trình thi hành án thì với vụ việc của Coteccons, chưa có cơ sở để khẳng định Ricons là chủ nợ của Coteccons. Từ những thông tin từ Coteccons, có thể thấy giữa Coteccons và Ricons vẫn chưa có bất kỳ văn bản/ quyết định nào thể hiện việc Ricons là chủ nợ của Coteccons, có thể là quyết định của tòa án hoặc xác nhận công nợ giữa hai bên. Do đó, với quy định còn chưa rõ ràng, việc xác định người yêu cầu mở thủ tục phá sản có phải là chủ nợ của doanh nghiệp không dường như đóng vai trò rất quan trọng, điều này có thể sẽ dẫn đến việc bên yêu cầu phải thực hiện các thủ tục tố tụng để có được bản án/ quyết định từ tòa án trước khi yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tiếp đến, quy định về việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán sau khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn có phần khá khiên cưỡng. Đây đơn thuần chỉ là một thời hạn được pháp luật đặt ra để giới hạn thời gian mà doanh nghiệp phải thanh toán nợ, hoàn toàn không dựa trên bất kỳ đánh giá nào về tình hình tài chính, kinh doanh và các yếu tố khác của doanh nghiệp. Do đó, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, doanh thu đều đặn nhưng vẫn bị mở thủ tục phá sản, đơn cử như trường hợp của Đức Long Gia Lai. Tuy vậy, không nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền chỉ dựa vào quy định trên để mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, vụ việc của Coteccons là một ví dụ.

Chúng tôi cho rằng, việc đánh giá một doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là không hề đơn giản, nếu chỉ dựa vào quy định hiện tại sẽ rất khó để có thể đưa ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với một doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp vướng vào vụ việc phá sản, cách tốt nhất để doanh nghiệp tự bảo vệ mình là cần cung cấp chứng cứ cho tòa án về việc doanh nghiệp vẫn trong tình trạng tài chính tốt, đơn cử như có các khoản thu cố định, dòng tiền ổn định, khối lượng tài sản lớn, bằng chứng về việc doanh nghiệp vẫn trả nợ định kỳ cho các chủ nợ.

Khi việc yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp càng được nhiều chủ nợ hướng đến nhằm mục đích gia tăng áp lực cho doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng các tòa án cần cân nhắc cẩn trọng hơn trong từng vụ việc cụ thể, căn cứ vào thực tế tại mỗi doanh nghiệp để có thể đánh giá chính xác nhất về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Đồng thời, tránh việc áp dụng có phần cứng nhắc, máy móc các quy định pháp luật để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực mà thủ tục này gây ra cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động kinh doanh.

-------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014.

[3] https://s.pro.vn/IgMS, truy cập ngày 08/3/2024.

Luật sư Nguyễn Nhật Dương (Công Ty Luật TNHH HM&P)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin