Miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển, cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để lấy ý kiến đóng góp từ ngày 2/7/2019 đến 2/9/2019.

Nội dung cơ bản của dự thảo

Luật số 47 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 16/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, sau hơn 04 năm triển khai, Luật đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, cũng đã phát sinh một số vấn đề trong thực tế chưa được điều chỉnh trong Luật; một số quy định của Luật chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan mới được ban hành nên cần phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Ảnh minh hoạ (Nguồn  Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet))

Với mục đích nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật mới ban hành; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên… Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 02 Điều, có các nội dung cơ bản sau:

1. Bổ sung các quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trên cơ sở các quy định hiện hành về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử từ ngày 01/02/2017 đến nay (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4).

2. Luật hóa việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3).

3. Bổ sung quy định cấp thị thực tập thể cho đoàn khách nước ngoài quá cảnh đường biển có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch và thành viên tàu quân sự nước ngoài vào Việt Nam theo chương trình hoạt động chính thức ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu thuyền neo đậu.

4. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc chuyển đổi thị thực cho các trường hợp người nước ngoài có:

– Giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người bảo lãnh;
– Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

5. Bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

6. Sửa đổi quy định về điều kiện nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực theo hướng không quy định lần nhập cảnh sau phải cách lần xuất cảnh trước ít nhất 30 ngày.

7. Bổ sung đối tượng hộ kinh doanh, nhà thầu được mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

8. Sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐT1, ĐT2, ĐT3, ĐT4); cho lao động nước ngoài (LĐ1, LĐ2); cho luật sư nước ngoài (LS, ký hiệu hiện nay là ĐT).

9. Sửa đổi quy định cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn thị thực (kể cả đối với thị thực có thời hạn trên 12 tháng).

10. Giao Chính phủ quy định việc người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh qua Cổng kiểm soát tự động tại cửa khẩu.

Những vấn đề cần xin ý kiến

1. Về quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển

Phương án 1: Quy định các khu kinh tế ven biển phải đáp ứng một số điều kiện nhất định (có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam) và giao Chính phủ quyết định các khu kinh tế ven biển được miễn thị thực.

Phương án 2: Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các khu kinh tế ven biển được áp dụng chính sách này để đảm bảo chặt chẽ, tránh áp lực cho Chính phủ.

Phương án 3: Quy định miễn thị thực cho người nước ngoài với thời hạn tạm trú 30 ngày chỉ áp dụng khi vào đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để Luật hóa Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện từ năm 2013.

Bộ Công an đề nghị thực hiện theo Phương án 3 như tại dự thảo Luật.

2. Về quy định cấp chứng nhận tạm trú

Phương án 1: Tiếp tục quy định việc cấp chứng nhận tạm trú như tại Điều 31 của Luật số 47. Theo đó, thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực còn thời hạn không quá 15 ngày thì cấp tạm trú 15 ngày; trường hợp thị thực có thời hạn trên 12 tháng thì cấp tạm trú không quá 12 tháng.

Phương án 2: Quy định cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn thị thực (kể cả đối với thị thực có thời hạn trên 12 tháng) để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài (không phải đóng nhiều dấu chứng nhận tạm trú vào hộ chiếu, rút ngắn thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu…).

Bộ Công an đề nghị thực hiện theo Phương án 2 như tại dự thảo Luật.

3. Về quy định cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư

Phương án 1: Tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật số 47. Theo đó, thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư có thời hạn không quá 05 năm.

Phương án 2: Quy định thời hạn thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư căn cứ vào giá trị góp vốn để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Theo đó, nhà đầu tư có vốn đầu tư nhỏ thì chỉ cấp thị thực có thời hạn không quá 12 tháng, đồng thời nâng thời hạn thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn lên không quá 10 năm.

Bộ Công an đề nghị thực hiện theo Phương án 2 như tại dự thảo Luật.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/cong-dan-va-phap-luat-2/mien-thi-thuc-cho-nguoi-nuoc-ngoai-vao-khu-kinh-te-ven-bien-the-tam-tru-cho-nha-dau-tu

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin