“Mạnh dạn” trả lại các dự án luật không đảm bảo chất lượng

13/09/2017 09:16

Nhiều Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, không thực hiện đúng tiến độ soạn thảo, trình dự án luật. Ở một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong chuẩn bị, kỹ thuật văn bản còn nhiều điểm chưa thống nhất. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý có lúc còn hình thức…

Công khai danh sách cơ quan không bảo đảm chất lượng, tiến độ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, trong thời gian qua, nhìn chung các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, coi việc xây dựng pháp luật là quan trọng và đã dành nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh có nhiều cải tiến và chất lượng hơn. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, coi công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn còn không ít bất cập, hạn chế và đây cũng là những hạn chế đã tồn tại nhiều năm, chưa được khắc phục. Đó là nhiều Bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đề nghị chưa đủ căn cứ khoa học, thực tiễn; không thực hiện đúng tiến độ soạn thảo, trình dự án luật. Ở một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong chuẩn bị, kỹ thuật văn bản còn nhiều điểm chưa thống nhất. Việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án có lúc còn hình thức; công tác thẩm định chưa được quan tâm đúng mức; thời gian Chính phủ dành cho việc thảo luận, thông qua các dự án luật vẫn còn ít…

Để khắc phục những bất cập, hạn chế này, Ủy ban Pháp luật đưa ra 6 kiến nghị cụ thể với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; 3 kiến nghị với Chính phủ; 4 kiến nghị với các cơ quan chủ trì soạn thảo và các kiến nghị cụ thể với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Đáng chú ý, Ủy ban Pháp luật kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, UBTVQH trước mỗi kỳ họp của Quốc hội và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2018.

 Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị Quốc hội mạnh dạn trả lại các dự án luật không đảm bảo chất lượng. ẢNH: P.THẢO
Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị Quốc hội mạnh dạn trả lại các dự án luật không đảm bảo chất lượng. ẢNH: P.THẢO)

“Mạnh dạn” trả lại các dự án không đảm bảo chất lượng

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ nhận định, qua những lần thẩm tra thấy nhiều dự án luật chất lượng không bảo đảm, mâu thuẫn với các luật khác, nội dung sơ sài, nhưng UBTVQH, Quốc hội lại không mạnh dạn trả lại. Ông Nguyễn Mai Bộ đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp chất lượng dự án luật không bảo đảm thì các cơ quan của Quốc hội trả lại cơ quan soạn thảo để hoàn thiện theo đúng quy định.

Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, có nhiều bất cập khiến nhiều văn bản luật chất lượng kém bị “lọt” đến tận Quốc hội. Các cơ quan Bộ, ngành không tiếp thu hoặc tiếp thu hời hợt ý kiến của đại biểu góp ý; hay tình trạng cơ quan soạn thảo thường đứng trên ý kiến của ngành mình mà không tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm định… Vì vậy, ông Nhưỡng cho rằng cần phải sửa đổi Luật Ban hành văn bản để xác định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành, tránh có lợi ích nhóm khi ban hành chính sách.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng Chính phủ phải có trách nhiệm đến cùng với dự án luật đến khi Quốc hội thông qua, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm, sự tham gia của Chính phủ trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.

Nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, phải thảo luận tập thể về mỗi dự án luật, thảo luận kỹ nội dung mà Bộ, ngành chuyên môn có ý kiến. Đồng thời, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình UBTVQH, Quốc hội những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung chất lượng đến tiến độ trình dự án, dự thảo luật do cơ quan mình chủ trì, chuẩn bị.

Năm 2017, Quốc hội thông qua 18 dự án luật và cho ý kiến 12 dự án luật khác

Theo chương trình ban đầu, năm 2017 Quốc hội sẽ thông qua 23 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác. Tuy nhiên, theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, UBTVQH đã 2 lần ban hành nghị quyết điều chỉnh. Theo đó, năm 2017, Quốc hội thông qua 18 dự án luật và cho ý kiến 12 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, một dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội và cho ý kiến về 12 dự án luật khác.

Theo  PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "“Mạnh dạn” trả lại các dự án luật không đảm bảo chất lượng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin