Lý do sâu xa sau việc Trung Quốc tăng cường can dự vào Syria

Khi cuộc chiến Syria đang đi vào giai đoạn kết thúc, viễn cảnh tái thiết đất nước Trung Đông này được nhiều quốc gia quan tâm đến, trong đó có Trung Quốc. Lý do nào khiến Trung Quốc quan tâm đến vấn đề tái xây dựng Syria? Để làm rõ hơn vấn đề này báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD).

Thời gian gần đây, Trung Quốc có nhiều động thái bày tỏ mong muốn tăng cường can dự vào Syria, đất nước đã trải qua nhiều năm nội chiến. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Trung Quốc hiển nhiên phải tính toán rất kỹ khi công khai một quyết định trong quan hệ với các nước khác. Tôi cho rằng Trung Quốc có thể sẽ có hành động về vấn đề Syria nhưng nước này sẽ theo dõi lúc thích hợp để hành động.

Trên thực tế, Trung Quốc hoàn toàn có điều kiện để tham gia vào các trận chiến ở Syria bởi hiện tại Trung Quốc rất mạnh về nhiều lĩnh vực. Với Syria, Trung Quốc có thể sử dụng không quân, pháo binh hoặc tên lửa.

Tuy nhiên, tôi thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân đội sang Syria vào lúc này. Bởi việc đưa quân vào nước khác là rất phức tạp. Việc đưa quân đội, nhất là lục quân sang một nước khác chưa bao giờ là chuyện giản đơn với bất cứ nước nào.

 Ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD)
Ông Nguyễn Vinh Quang, cố vấn cao cấp của trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD))

Trung Quốc có thể tham gia vào tiến trình hoà bình ở Syria vì nhiều lý do vì lợi ích mà Trung Quốc có được ở đất nước Trung Đông này là rất lớn...

Như ta đã thấy, tham gia cuộc chiến Syria có cả Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó quan hệ Nga và Trung Quốc khá tốt nên Trung Quốc có thể phối hợp với Nga để tham gia tiến trình hoà bình ở Syria.

Lý do thứ hai để tin rằng Trung Quốc sẽ tham gia vào vấn đề Syria đó là tính toán sau này khi chiến tranh Syria kết thúc thì Trung Quốc cũng có thể muốn giành phần nào đó như chuyện hợp tác kinh tế với Syria. Trung Quốc nếu có điều kiện, chốt được cơ hội xây dựng, tái thiết Syria là điều quá tốt.

Trung Quốc thường tính những bước đi dài. Cuộc chiến Syria chưa biết bao giờ kết thúc nhưng có thể Trung Quốc đã đón trước những cơ hội. Giống như việc cách đây 60 năm, Trung Quốc đã tính chuyện làm ăn với châu Phi, bây giờ thấy họ rất thành công.

Thêm nữa, Syria có vị thế quan trọng ở Trung Đông và đây cũng là vị trí địa chiến lược trong vấn đề an ninh của Trung Quốc về lâu về dài.

 Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm khiến nhiều vùng ở Syria rơi vào cảnh đổ nát cần phải tái thiết lại.
Cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm khiến nhiều vùng ở Syria rơi vào cảnh đổ nát cần phải tái thiết lại.)

Có quan điểm cho rằng chiến trường Syria là cơ hội vàng để thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh liên quan đến tái xây dựng và Trung Quốc kỳ vọng sẽ thực hiện được hoài bão này nhờ sự hỗ trợ của Nga? Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Lực lượng Trung Quốc có sẵn rồi. Đặc biệt là về năng lực xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc làm mạnh nhất thế giới. Trung Quốc có tiền, có kinh nghiệm, có cơ sở vật chất, cơ sở kỹ thuật cũng có. Vậy nên với những vùng như Syria cần tái thiết thì chắc chắn Trung Quốc sẽ có ưu thế. Và điều này cũng nhiều khả năng mang lại lợi nhuận lớn cho Trung Quốc.

Khi tham gia vào các cuộc chiến ở trên thế giới, Trung QUốc chắc hẳn đều có tính toán nhưng tôi cho rằng chủ yếu đó là các lợi ích về mặt chính trị, an ninh.

Nếu Trung Quốc tham gia vào cuộc chiến Syria, thì nước này hẳn phải tính tình thế của cuộc chiến tranh như thế nào. Nếu ở cuộc chiến tranh này, ông Assad ở thế thắng, Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Assad và sau này Trung Quốc sẽ được hưởng lợi ích từ công đó. Vị thế của Trung Quốc với các nước ở Trung Đông sẽ tăng lên thông qua việc tham gia vào tiến trình ở Syria.

Chương trình tái thiết của Syria phù hợp với sáng kiến hội nhập kinh tế Vành đai con đường của nước này. Ông có thể phân tích cụ thể hơn về khía cạnh này?

Syria là một điểm đến trong chương trình Vành đai Con đường của Trung Quốc. Và hiện nay, đường đi của chiến lược này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình an ninh không ổn định.

Trung Quốc cũng đã mở nhiều lối thoát nhưng vẫn gặp nhiều trắc trở. Chẳng hạn như với Pakistan, một nơi Trung Quốc có kế hoạch đầu tư hơn 40 tỷ USD nhưng cho đến nay còn rất nhiều trở ngại.

Sáng kiến Vành đai Con đường giờ không phải là đường độc đạo mà có nhiều con đường mở ra như một hành lang để đi từ châu Á sang châu Phi, châu Âu. Nếu Syria ổn và Trung Quốc đặt được cơ sở, thì đó là đường đi tiện lợi cho Trung Quốc.

Xin cảm ơn ông !

Theo Đào Vũ (nguoiduatin.vn)

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/ly-do-sau-xa-sau-viec-trung-quoc-tang-cuong-can-du-vao-syria-a402011.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin