Luật Viên chức – những bất cập cần sửa đổi

Sau một thời gian triển khai thực hiện, một số quy định của Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn .. Do vậy, Bộ Nội vụ đã việc tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.

3

Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được ban hành với mục tiêu nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền hành chính phục vụ và chủ trương xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng. Sau một thời gian triển khai thực hiện, một số quy định của Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn .. Do vậy, Bộ Nội vụ đã việc tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.

1.Về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tổng thể về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức quản lý hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và chính sách xây dựng, phát triển đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại Điều 9, Điều 10 Luật Viên chức.

2.Vấn đề hợp đồng đối với viên chức

Khoản 2 Điều 24 Luật Viên chức quy định: Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển vào viên chức. Hiện nay, các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức được quy định tại Mục 2 Chương III Luật Viên chức,theo đó, đối với viên chức được tuyển dụng sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn (từ 12 đến 36 tháng); sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn thì viên chức được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Cách thức quy định như vậy là tương tự với quy định về hợp đồng lao động trong Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đã xác định: Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn). Đây cũng là nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi trong Luật để bảo đảm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tránh tâm lý “biên chế suốt đời” trong đội ngũ viên chức sự nghiệp.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung để thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 2 Điều 24).

Sửa đổi, bổ sung để khắc phục tình trạng viên chức chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc vẫn được chi trả trợ cấp (Điều 45).

3.Quản lý viên chức

3.1.Về chế độ thôi việc đối với viên chức

Theo quy định tại Điều 45 Luật Viên chức thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp do bị buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm). Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức thì khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác sẽ chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh bất hợp lý trong việc giải quyết chế độ thôi việc đối với trường hợp viên chức chuyển từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền (ví dụ như như việc điều chuyển giáo viên, bác sỹ trong từng địa phương) hoặc do viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc (không phải do mất việc). Việc chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc trong các trường hợp này là không hợp lý, không bảo đảm công bằng so với trường hợp viên chức nghỉ hưu theo quy định (vì khi nghỉ hưu thì không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc). Mặt khác, quy định này còn dẫn đến việc “lách” chính sách khi viên chức chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu xin thôi việc để được hưởng chính sách thôi việc. Do vậy, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức liên quan đến chế độ thôi việc là cần thiết.

3.2.Về phân cấp một số nội dung quản lý viên chức

Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra về việc đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Viên chức về nội dung “quản lý nhà nước về viên chức” và “quản lý viên chức” là cần thiết.

Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về viên chức, quản lý viên chức theo hướng phân cấp, phân quyền rõ cho các bộ, ngành, địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chú trọng vào công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức (các điều 31, 33, 47, 48, 49,50);

3.3.Về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức hiện nay thì viên chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 19-NQ/TW đã xác định không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Điều 58 Luật Viên chức cho phù hợp, đồng thời bảo đảm tính liên thông giữa đội ngũ viên chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

4.Về vấn đề kỷ luật đối với viên chức

Tương tự như nội dung kỷ luật đối với cán bộ, công chức, các quy định liên quan đến xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực đơn vị sự nghiệp công lập, hình thức xử lý kỷ luật và thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức cũng cần được sửa đổi để bảo đảm đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật của Nhà nước.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định kỷ luật viên chức theo kết luận của Trung ương (Điều 53 và Điều 56).

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/luat-vien-chuc-nhung-bat-cap-can-sua-doi

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin