Luật sửa đổi, bổ sung nên thêm một chương mới về thanh tra quốc phòng

Hôm qua - 13/9, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra năm 2010. Tại Hội nghị, đại diện một số quân khu, quân chủng đề nghị Luật Thanh tra năm 2010 sửa đổi, bổ sung nên thêm một chương mới quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra quốc phòng các cấp.

 Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu kết luận hội nghị .
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu kết luận hội nghị .)

Hội nghị trực tuyến tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra năm 2010 được tổ chức tại 92 điểm cầu trong toàn quân, với sự tham dự của hơn 1.300 đại biểu. Đây là dịp để thanh tra quốc phòng đánh giá lại quá trình áp dụng luật, rút kinh nghiệm trong thực thi pháp luật để phát huy những ưu điểm, thành tích đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại, bất cập cả về chính sách, pháp luật về thanh tra và tồn tại, bất cập về tổ chức thực hiện pháp luật. Trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật và chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại.

Khác với các bộ, ngành khác, theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 33/2014/NĐ-CP của Chính phủ, hệ thống các cơ quan, đơn vị thực hiện chức năng thanh tra trong Bộ Quốc phòng bao gồm: Thanh tra Bộ Quốc phòng, thanh tra quốc phòng quân khu, Thanh tra Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các Tổng cục, Thanh tra cơ yếu, Thanh tra quân chủng, Thanh tra Bộ đội Biên phòng, Thanh tra quốc phòng Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội, Thanh tra quốc phòng BTL TP HCM, thanh tra quốc phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thanh tra quân đoàn, binh chủng và tương đương.

Với quân số gồm 551 người, thanh tra quốc phòng được xây dựng thành hệ thống đã phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội. 6 năm qua, ngành Thanh tra quốc phòng đã tổ chức 3.065 cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quân sự, quốc phòng đối với các cơ quan, đơn vị toàn quân và các bộ, ngành, địa phương. Trong đó có 2.732 cuộc thanh tra hành chính, 333 cuộc thanh tra chuyên ngành, 2.773 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 253 cuộc thanh tra đột xuất, 39 cuộc thanh tra liên ngành. Các cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh đều được các đoàn thanh tra thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Các kết luận thanh tra đều khách quan, chính xác, công khai, dân chủ và kiến nghị kịp thời những hạn chế, thiếu sót để xử lý. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị và cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản và công tác quản lý sử dụng đất quốc phòng. Phát hiện sai phạm về quản lý, sử dụng 53.426,5 m2 đất quốc phòng, kiến nghị thu hồi 49.423,5 m2 .

Luật Thanh tra năm 2010 được ban hành là căn cứ, cơ sở pháp lý góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi còn có những bất cập. Luật Thanh tra 2010 không hề có điều khoản cụ thể quy định về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của thanh tra quốc phòng. Do đó, dù có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhưng luật đã có một khoảng trống, thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra quốc phòng. Ngày 26/4/2014, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 33/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra quốc phòng tạo hành lang pháp lý cho thanh tra quốc phòng. Từ bất cập này và do hoạt động đặc thù nên đại diện thanh tra các quân khu, quân chủng đề xuất khi sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010, ban soạn thảo nên xây dựng mới một chương riêng quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của thanh tra quốc phòng các cấp.

Chủ trì Hội nghị, thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã biểu dương các cơ quan, đơn vị và ngành Thanh tra quốc phòng trong việc tổ chức triển khai thực thi Luật Thanh tra, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm pháp luật thanh tra.

Ngành Thanh tra quốc phòng cần tiếp tục kiện toàn tổ chức biên chế, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ, làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực thi pháp luật thanh tra ở các cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành Luật Thanh tra và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác, thực hiện nhiệm vụ của quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin