(Pháp lý) - Luật sư Lê Đức Tiết được nhiều người gọi với danh xưng thân thương “vị luật sư – người mặt trận” bởi lẽ sau khi rời quân đội với quân hàm Đại tá, ông đã sôi nổi hoạt động ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật. Được sự kết nối của Giáo sư Lê Minh Tâm (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Luật gia Việt Nam), Phóng viên Pháp lý đã có dịp trò chuyện với Luật sư Lê Đức Tiết. Chúng tôi nhận thấy dù ở cương vị nào, danh xưng nào thì Luật sư Tiết cũng đã và đang làm việc hết mình để cống hiến...
Kỉ niệm cùng Bác Hồ xây dựng pháp luật
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chàng thanh niên Lê Đức Tiết chỉ mới 16 tuổi đã vào làm liên lạc, chiến đấu ở tiểu đoàn quân địa phương bộ đội Quảng Trị. Đến năm 1954, Lê Đức Tiết từ một chiến sĩ đã lên đến Chính trị phó tiểu đoàn. Hết kháng chiến, ông là 1 trong 100 sĩ quan chọn lọc toàn quân được cử đi học ở Liên Xô, với mục đích về làm khung để xây dựng quân đội chính quy. Trong khi hầu hết các sĩ quan Việt Nam sang Liên Xô được đào tạo về lĩnh vực quân sự thì ông cùng một người nữa được chọn để học Luật. Với thành tích học tập xuất sắc, ông tốt nghiệp hạng ưu của trường Học viện chính trị Quân chính Lê Nin.
Trở về nước với trái tim sôi nổi, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng ông đã có những đóng góp quan trọng với công tác lập pháp. Một trong những kỉ niệm còn in đậm trong tâm trí của Luật sư Lê Đức Tiết là kỉ niệm ông cùng Bác Hồ đóng góp, xây dựng Hiến pháp. Trước đó, trong khi xây dựng dự thảo Hiến Pháp, có nội dung viết: Chủ tịch nước là người đứng đầu đất nước. Nhóm soạn dự thảo mang đến trình Bác xin ý kiến, khi đọc đến đây, Bác Hồ nói: Tôi không đứng trên đầu trên cổ ai cả. Các chú về sửa đi...
Về thảo luận mãi, ông cũng không thể tìm ra cách thức thể hiện cho thỏa đáng. Sau một thời gian, ông đánh liều đến trình bày lại với Bác. Ông nói: Luật của Liên Xô nói Chủ tịch nước là người đứng đầu nước, người đứng đầu Đảng. Vậy thì ta nên làm thế nào thưa Bác? Sau khi nghe ông trình bày, Bác Hồ đã nói: Bác đã sửa thế này, các chú xem có được không: Chủ tịch Nước là người thay mặt cho Nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang. Ông Tiết vừa kể lại kỉ niệm với Bác Hồ, vừa tấm tắc khen cách dùng chữ trong luật của Bác. Ông cười hào sảng rồi nói: Thời đó tôi chỉ là một cán bộ nhỏ, địa vị nhỏ. Một vài lần được làm việc với Bác, kỉ niệm im đậm trong tâm trí tôi. Tôi học được ở Bác tính cẩn thận, tỉ mỉ, kĩ lưỡng và ngắn gọn khi góp ý và thể hiện một quy định pháp luật.
Trong giai đoạn đầu công tác, ông Tiết cũng là người đưa nhiều ý kiến tiến bộ, đóng góp vào công tác lập pháp. Ông dẫn chứng: Hồi đó tôi đưa ra quan điểm Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và bằng pháp luật. Tôi đưa ra ý kiến theo pháp luật và bằng pháp luật là thế nào. Chữ theo pháp luật và bằng pháp luật có nghĩa khác nhau. Sau này quá trình xây dựng pháp luật bớt đi theo pháp luật mà chỉ ghi là quản lý xã hội bằng pháp luật. Chính vì đó mới sinh ra chuyện nhờn luật, không theo pháp luật. Tôi mãi trăn trở về những vấn đề này. Ông Tiết cho rằng, khi làm nhiệm vụ của mình, ông luôn trăn trở nhưng không phải ý kiến nào của mình cũng được lắng nghe.
Là một cán bộ được học hành bài bản ở nước ngoài, ông Lê Đức Tiết không chỉ tham gia đóng góp cho bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi những năm 59 mà trong quá trình làm việc ở ngành Quốc phòng, ông cũng có những đóng góp quan trọng vào xây dựng quân đội chính quy hiện đại; xây dựng các luật điều lệnh tác chiến xây dựng quân đội chính quy, giúp cho Quân ủy Trung ương tham gia xây dựng Luật Quốc phòng cũng như các luật khác về kinh tế, xã hội...
Tham gia giải quyết nhiều vụ việc khó
Không chỉ đóng góp cho xây dựng pháp luật, trong quá trình làm việc trong quân đội ông Tiết còn đóng góp giải quyết nhiều vụ việc khó trong tình hình pháp chế quân đội còn non trẻ. Vào những năm cuối thập kỷ 50 thế kỷ XX, chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên bị lung lay đến tận gốc. Để cứu vãn, một trong biện pháp mà Mỹ đề ra và tiến hành là thực hiện chiến tranh gián điệp biệt kích (GĐBK). Vào đêm ngày 1/7/1963 một máy bay chở GĐBK của Mỹ và chính quyền Sài gòn bị bộ đội phòng không Việt Nam bắn rơi tại Ninh bình. Chính phủ Việt Nam quyết định đưa vụ việc ra xét xử công khai để tố cáo hành động của Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 trước dư luận quốc tế. Mở mặt trận đấu tranh pháp lý chống lại chiến tranh gián điệp biệt kích là điều chưa từng xẩy ra ở Việt Nam. Luật sư Lê Đức Tiết là người được cấp trên giao cho nhiệm vụ viết bản cáo trạng về vụ máy bay biệt kích C-47 của Mỹ. Đây là một vụ khó bởi Tổng cục Chính trị yêu cầu phải tổ chức phiên tòa đúng với công pháp quốc tế, trong khi đó, lâu nay các phiên tòa xét xử theo kiểu cũ. Để giải bài toán khó, LS Lê Đức Tiết đã lấy vụ xét xử gián điệp Mỹ lái máy bay U-2 do thám ở Nga để áp dụng trong trường hợp này.
Công việc chuẩn bị xét xử bao gồm nhiều việc như tiến hành hỏi cung, thu thập, tổ chức triển lãm trưng bày chứng cứ của vụ án, dự kiến thành phần của Hội đồng xét xử, mời luật sư bào chữa cho các bị cáo, chuẩn bị nội dung thẩm vấn các bị cáo, nhân chứng trước Tòa, dự thảo văn bản luận tội, bản án v.v…Nhờ những đóng góp của ông Tiết về quan điểm cũng như cách thức tiến hành, phiên tòa diễn ra rất dân chủ. Sau phiên tòa đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nhiều nước phản ánh về là dư luận thế giới rất phẫn nộ và lên án Mỹ vi phạm cam kết tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Dư luận cho rằng phiên tòa đã được tiến hành theo trình tự thủ tục của nền công lý thời đại. Việc xét xử các toán GĐBK đã góp phấn làm thất bại hoàn toàn chiến tranh GĐBK của Mỹ và chính quyền Sài Gòn... Để có được thành công đó, một trong những điều được ông Tiết triệt để áp dụng là thực hiện chính sách nhân đạo đối với tù binh, tôn trọng nhân phẩm của họ. Không đánh đập xỉ vả, không phân biệt tôn giáo, lấy chính nghĩa khơi gợi dòng giống đồng bào, lấy chí nhân để thu phục lòng người.
Không chỉ trong giai đoạn chiến tranh, dấu ấn của Luật sư Lê Đức Tiết còn thể hiện trong những “vụ án” đòi công lý trong thời bình. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia vụ kiện đầy gian nan đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Năm 1996, có 2 Luật sư người Mỹ tìm đến Hà Nội với mong muốn giúp đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam (Trước đó các CCB Mỹ đã tiến hành vụ kiện nhưng chưa được xã hội quan tâm, công lý chưa được thực thi).
Người đầu tiên họ gặp là Luật sư Lê Đức Tiết. Sau khi nghe họ trao đổi, từ bỡ ngỡ, luật sư Tiết đã đến gặp và trao đổi với bà Ngô Bá Thành – khi đó là Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội tìm hướng tốt nhất để tiến hành vụ kiện. Tuy nhiên, thời điểm đó vụ kiện là một vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc. Ông xác định, để có thể tiến hành vụ kiện và đòi công lý cho các nạn nhân da cam cần có một quá trình dài nghiên cứu và đánh giá tình hình, các chứng cứ của vụ kiện.
Trong suốt quá trình sau đó, ông đã cùng rất nhiều chuyên gia lập thành một nhóm cùng quan tâm đến vấn đề chất da cam tìm phương cách đấu tranh cho nạn nhân da cam. Nhóm gồm có: Giáo sư, bác sĩ Lê Cao Đài; Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự; Phó Giáo sư, bác sĩ, Trưởng khoa sản bệnh viện 108 - đại tá Nguyễn Thị Ngọc Toản; Giáo sư, bác sĩ, Giáo viên trường Đại học Y Hà Nội - Phan Thị Phi Phi; Giáo sư Võ Quý - nhà khoa học môi trường nổi tiếng trong và ngoài nước của Việt Nam và ông là một thành viên nòng cốt... Họ xác định: Kiện đòi công lý cho nạn nhân da cam là việc không ai giao nhiệm vụ, không có người tài trợ... Nhưng vì tình nghĩa đồng chí, đồng đội, đồng bào, họ tự nguyện làm việc.
Qua một giai đoạn dài chuẩn bị bài bản, vào khoảng giữa năm 2003, các câu hỏi được đặt ra trước khi tiến hành vụ kiện, về cơ bản đã được giải đáp. Đồng thời, xác định rõ vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam chống các Công ty Hóa chất Hoa kỳ là vụ kiện thuộc phạm vi tranh chấp dân sự. Tính chất của vụ kiện được xác định là vụ kiện dân sự được tiến hành nhằm mục đích đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Ông Tiết và nhiều người chủ trương tiến hành vụ kiện cho rằng đây không đơn thuần là một cuộc đấu tranh pháp lý. Trong quá trình tiến hành vụ kiện nhất thiết phải kết hợp đấu tranh tại tòa với đấu tranh ngoài tòa, đấu tranh pháp lý để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, ngoại giao…và ngược lại. Đây là phương châm, đồng thời là quan điểm đấu tranh đã được chấp nhận và kiên trì thực hiện trong suốt quá trình tiến hành vụ kiện da cam của các nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ. Tuy nhiên, con đường đến với công lý của nạn nhân Việt Nam khá gập ghềnh. Vụ kiện trải qua 5 năm 3 tháng, qua hai cấp xét xử nhưng cuối cùng Tòa án Phúc thẩm lưu động số 2 TA Liên bang Hoa Kỳ từ chối thụ lý vụ kiện chỉ với lý do duy nhất rằng chất da cam không phải là chất độc (!). Tuy công lý còn bỏ ngỏ, nhưng vụ kiện đã giúp thế giới hiểu rõ hơn về tác hại của chất da cam với nạn nhân Việt Nam, hiểu hơn về nỗi đau chiến tranh mà người Việt phải gánh.
“Tôi làm được ít quá....”
Ở vào tuổi "xưa nay hiếm”, LS. Lê Đức Tiết chưa bao giờ ngơi nghỉ làm việc. Ông luôn có mặt và phát biểu những ý kiến tâm huyết trong các cuộc họp xây dựng pháp luật của Mặt trận, Hội, Tổ chức đoàn thể. Ông đã xuất bản 18 cuốn sách, chủ yếu là về đề tài pháp luật. Một số cuốn tiêu biểu như: Pháp luật, Pháp chế, NXB Quân đội nhân dân (1984). Chiến sĩ với pháp luật, NXB Quân đội nhân dân (1987); Lê Thánh Tông - Vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại. NXB Quân đội nhân dân (1997); Văn hóa pháp lý Việt Nam. NXB Tư pháp (2005); Bộ Luật Hồng Đức - Di sản văn hóa pháp lý đặc sắc của Việt Nam của NXB Tư pháp (2010); Thảm họa chất da cam của NXB Công an nhân dân (2011); Là đàn bà nhưng không thuộc phái yếu của NXB CAND (2013); Vấn đề còn lại trong quan hệ Mỹ Việt của NXB CAND (2013)...
Là thế hệ sau, tôi từng tham gia đưa tin viết bài ở nhiều hội thảo, chứng kiến những lần luật sư Lê Đức Tiết góp ý. Bao giờ tôi cũng thấy ông trình bày những ý kiến mạch lạc, thu hút mọi người. Là “người mặt trận”, nhưng ông không quá “gai góc”. Hầu hết các ý kiến ông đưa ra đều dựa trên các quan điểm khoa học, góc nhìn pháp lý sâu sắc và tiến bộ... Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Tiết vẫn rất ham mê làm việc. Khi được hỏi điều gì ông còn trăn trở khi bước vào ngưỡng tuổi, xưa nay hiếm, ông nói: “Tôi có may mắn được tiếp xúc những quan điểm và học thuyết tiến bộ. Tôi cố gắng các ý kiến đó được thể chế trong các văn bản, hoạt động pháp lý ở Việt Nam. Thế nhưng tôi vẫn thấy mình làm được ít quá....”, Luật sư Lê Đức Tiết bộc bạch.
Phan Minh