Sáng nay, với 92% tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch.
Trước khi Quốc hội thông qua Dự thảo luật này, đa số các ý kiến đều tán thành với các nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật Quy hoạch, cho rằng dự thảo Luật trình tại kỳ họp lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, làm rõ nhiều vấn đề vướng mắc, quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi để thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, Chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.
Dự thảo Luật Quy hoạch gồm 6 Chương, 59 Điều và 3 Phụ lục. Luật Quy hoạch quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch. Luật sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch được xác định trong Luật này là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bảo đảm tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất…
Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2018.
Theo Bao Phapluat