Luật chưa đồng nhất, Công đoàn “gặp khó” trong bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của NLĐ về BHXH

(Pháp lý) - Khởi kiện tranh chấp về bảo hiểm xã hội (BHXH) là một nội dung mới đối với tổ chức công đoàn. Trong thời gian qua, việc Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân.

Xung quanh nội dung này, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Ủy viên BCH Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về thực trạng và những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi pháp luật để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của NLĐ về BHXH.

 Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN, Ủy viên BCH Hội Luật gia VN trao đổi trong diễn đàn Quốc hội về quyền lợi NLĐ tham gia BHXH
Ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN, Ủy viên BCH Hội Luật gia VN trao đổi trong diễn đàn Quốc hội về quyền lợi NLĐ tham gia BHXH)

Phóng viên: Hiến pháp quy định rõ Công đoàn là tổ chức đại diện NLĐ, ông có thể phân tích rõ nội dung đại diện về quyền, lợi ích của NLĐ trong lĩnh vực BHXH?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Quy định về tổ chức Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp đã có từ các bản Hiến pháp trước đây. Ngay từ Hiến pháp năm 1959, khi mà chưa có bất cứ tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nào được quy định trong Hiến pháp thì đã có quy định về Công đoàn Việt Nam tại Ðiều 10 Hiến pháp năm 1959. Khi đó Công đoàn chưa được quy định thành một điều riêng, nhưng cũng đã thể hiện rất rõ vai trò và vị trí của tổ chức Công đoàn trong xã hội.

Ðiều 10 của Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII với nội dung như sau: "Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Với chức năng đại diện hợp pháp, quyền tham gia quản lý Nhà nước và quản lý xã hội, tham gia thanh tra kiểm tra giám sát … thời gian qua, Công đoàn đã phối hợp cùng BHXH Việt Nam để tham gia kiểm tra chính sách BHXH, thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích về BHXH cho NLĐ. Các cấp Công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho Công đoàn cơ sở và NLĐ. Các Công đoàn cơ sở luôn quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của NLĐ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao đổi với Phóng viên về “Vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trao đổi với Phóng viên về “Vai trò của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ”)

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật về BHXH, Công đoàn đã vào cuộc như thế nào để bảo vệ NLĐ?

Trước tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến, trong đó nổi bật là nợ đóng, chậm đóng BHXH, thực hiện chức năng giám sát, các cấp Công đoàn đã phối hợp cùng liên ngành thực hiện giám sát tại 5 địa phương và phát hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỉ đồng. Trong đó, có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1-3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỉ đồng. Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Qua giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỉ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, trong những năm qua đã luôn chủ động trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; huy động và phối hợp nhiều nguồn lực khác nhau để cùng thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN để đoàn viên, NLĐ tham gia BHXH, BHYT, BHTN được hưởng đúng, đủ, kịp thời chế độ, quyền lợi của mình. Tổ chức Công đoàn đã có nhiều nỗ lực trong việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo Luật BHXH có hiệu lực từ năm 2016, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thực hiện quyền hạn được giao trong Luật BHXH, 3 năm qua, trên cả nước, tổ chức Công đoàn đã gửi 3.000 hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN sang Tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc.

Luật BHXH quy định về việc Công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, tuy nhiên đã 3 năm triển khai thực hiện nhưng đến nay vẫn “ách tắc”, vậy vướng mắc ở đâu?

Từ phản hồi ở phía Tòa án, chúng tôi rất tiếc đến nay nhiều vụ việc chưa được chính thức thụ lý. Theo giải thích của Tòa án thì quy định của pháp luật hiện còn nhiều bất cập. Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chịu chi phối của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

Vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, thiếu thống nhất trong các quy định của pháp luật. Hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 Bộ luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng 4 Luật này đang quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Trong đó có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện; có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ trong khởi kiện.

Ở góc độ là tổ chức đại diện cho NLĐ, chúng tôi cho rằng Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ, do vậy việc yêu cầu ủy quyền là không cần thiết. Ngoài ra, do chưa có sự đồng nhất của các luật trên, bởi có luật quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, luật thì quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ - trong khi có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động nên khi công đoàn tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ thì nhiều nơi tòa án từ chối thụ lý. Bên cạnh đó, rất ít cán bộ Công đoàn cơ sở "dám" đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Điều này khiến những vụ nợ BHXH bị kéo dài và lan rộng ra các doanh nghiệp nợ BHXH vì họ cho rằng pháp luật hình như đang bó tay trước hành vi vi phạm nợ BHXH. Ngoài ra, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự nhưng cũng chưa xử lý được doanh nghiệp nào do những vướng mắc mà chưa có hướng dẫn. Những yếu tố chưa thống nhất về mặt pháp luật là lý do dẫn đến việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH chưa được thụ lý, giải quyết như mong muốn của tổ chức Công đoàn.

Để việc khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH được thực hiện thuận lợi trong thời gian tới, ông Hiểu chia sẻ: Khi các quy định pháp luật còn chưa thống nhất, thì các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, thảo luận để sửa đổi cho đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiệm vụ khởi kiện cần được giao cho tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; như vậy có thể tránh được “thế khó” của cán bộ Công đoàn cơ sở.

Trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mong muốn được làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh những vướng mắc hiện nay; có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Công đoàn đại diện NLĐ khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, để các cấp Công đoàn khi chuyển hồ sơ sang, Tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đang có đề án xây dựng lực lượng Luật sư Công đoàn để chuyên xử lý những vụ việc liên quan đến pháp luật lao động để bảo vệ thiết thực quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thành Chung (thực hiện)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin