Sáng nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng
Luật Cạnh tranh được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2005 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, Luật còn tồn tại những hạn chế, bất cập, chưa bảo đảm sự thích ứng với môi trường kinh doanh, phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới đang làm thay đổi cấu trúc của nhiều thị trường quan trọng, tác động trực tiếp đến các chủ thể trên thị trường; chưa đáp ứng được yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nêu rõ, Luật Cạnh tranh sau 12 năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu quả thực thi, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn tình hình mới.
Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 được xác định là sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện. Dự thảo Luật gồm 121 điều, bố cục trong 9 chương. So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều, bãi bỏ 49 điều.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế để khai thác tốt cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Việc sửa đổi Luật Cạnh tranh cũng là một bước quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp về “hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước” nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh là cần thiết, bởi luật hiện hành có nhiều hạn chế, bất cập không còn phù hợp với tình hình mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Việc hoàn thiện thể chế cạnh tranh là để tăng cường tính minh bạch, không biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.
Tán thành mở rộng phạm vi điều chỉnh
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Cạnh tranh và các luật khác có liên quan như Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Viễn thông, Luật Phí và Lệ phí, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng…, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Ban soạn thảo đã làm việc với các bộ, ngành liên quan, tiếp thu để hoàn hiện dự thảo luật. Đối với một số luật khác có khả năng xung đột với luật này như Luật Quảng cáo, dự thảo đã làm rõ cách thức để xử lý khi có những xung đột pháp luật.
Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành; theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Thẩm tra nội dung này, cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn nhấn mạnh: Việc mở rộng không được chồng chéo, mâu thuẫn với các điều luật khác đã ban hành. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh cả đối với các hành vi xác lập ngoài lãnh thổ Việt Nam thì cần có những cơ chế để bảo đảm sự khả thi của quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh và một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nữa các quy định về cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh. Để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định vẫn mang tính chất liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, khó bao quát hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thực tế; đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định tiêu chí xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh để làm căn cứ xác định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh cụ thể.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá: Dự thảo Luật có sự mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Đồng thời nhận xét dự thảo có bổ sung một nội dung rất rộng, đó là cơ quan quản lý cạnh tranh xử lý cả cơ quan Nhà nước ban hành các văn bản hành chính, các quyết định làm hạn chế cạnh tranh. Theo ông Định, quy định này là rất vướng khi cơ quan cạnh tranh quốc gia chỉ là một đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
"Cái áo này rất là chật để làm nhiệm vụ này, giao cho cơ quan cạnh tranh quốc gia những việc lớn như thế liệu có khả thi không?", ông Định nêu vấn đề và nhấn mạnh trong điều kiện cơ quan quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công Thương, dự thảo Luật cần phải thiết kế khác đi, để làm sao khi cơ quan này phát hiện sai phạm sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương xứ lý. Nếu Bộ trưởng không xử lý được phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ xử lý...
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Ban soạn thảo cần hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Theo Congly