Lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trốn thuế, cần chế tài hình sự để xử lý?

(Pháp lý) - Việc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế diễn ra phổ biến và được cảnh báo trong thời gian gần đây. Nó có thể gây ra tình trạng “quýt làm cam chịu”, hàng hóa có xuất xứ thật từ Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực khi muốn xuất khẩu vì bị trừng phạt “đánh thuế cao”. Tuy nhiên hành vi gian lận, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trốn thuế chưa bị những chế tài phù hợp.

Báo động tình trạng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để trốn thuế

Việt Nam đã tham gia ký kết và đang đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); khi thực hiện các Hiệp định FTA này, phần lớn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các đối tác FTA. Trong khi đó, nhiều nước, đối tác trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ… với mức rất cao, gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng xuất khẩu của nước bị áp thuế, dẫn tới việc một số đối tượng doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, lợi thế thương mại hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp.

Ảnh: Gian lận xuất xứ Việt Nam gây hệ lụy nghiêm trọng nhưng chưa có chế tài hình sự để ngăn ngừa và răn đe (Ảnh minh họa).

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết gần đây số lượng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 12/2019, Việt Nam đã bị 20 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu. Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh, sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.

Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp.

Hàng hóa của nước khác (bị áp thuế cao) lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP).

Việc thông qua Việt Nam để lẩn tránh thuế có thể thấy ở nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thép, da giầy, thực phẩm hoặc nông sản.

Hệ lụy của việc “dung dưỡng” cho việc lợi dụng xuất xứ

Khi phát hiện các hành vi lẩn tránh thuế bằng gian luận xuất xứ, pháp luật của WTO cho phép các quốc gia bị ảnh hưởng được áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hàng hóa trong nước của họ. Cụ thể như là áp thuế cực cao cho tất cả các sản phẩm cùng ngành hàng đến từ Việt Nam.

Việc thấy lợi trước mắt của những doanh nghiệp “trung gian” trong xuất khẩu có thể gây ra tình trạng “quýt làm cam chịu”. Hàng hóa có xuất xứ thật từ Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực khi muốn xuất khẩu vì sau đó bị đánh thuế cao.

Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trong thời gian qua, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỉ lệ 30% trong tổng số các vụ kiện.

Theo tìm hiểu, khi Việt Nam bị điều tra và kết luận về nghi lẩn tránh thuế ở ngành thép, Bộ Thương mại Mỹ công bố tạm thời mức thuế cực lớn, lên đến 456% đánh vào nguyên liệu thép cán nguội và không gỉ từ VN vì nghi lẩn tránh thuế.

Còn nhớ, ngành da giày cũng từng bị áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu sang thị trường EU hồi năm 2005. Dù mức thuế suất chỉ 10%, nhưng mãi đến năm 2011 khi được dỡ bỏ thuế các doanh nghiệp gần như phải gầy dựng lại từ đầu cho việc tiếp cận các đơn hàng mới.

Hành vi gian lận xuất xứ để tránh thuế sẽ khiến nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài "trừng phạt" rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ "mất" toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Điều đó dẫn tới việc ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cần chế tài hình sự để xử lý

Việc để xảy ra tình trạng trên, có nguyên do từ nhiều doanh nghiệp Việt “làm tắt”, gian lận để hưởng lợi. Mặt khác là do hạn chế trong kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Khi hai hiệp định thương mại vô cùng quan trọng với VN là EVFTA và CPTPP đều đang dần đi vào quỹ đạo vận hành thì việc đòi hỏi một nguyên tắc xuất xứ hàng hóa hết sức minh bạch, đúng quy chuẩn, "sạch" từ nguồn nguyên liệu gốc để hưởng được mức thuế tốt từ các nước không còn là chuyện của riêng một ngành hay một doanh nghiệp. Đó còn là bộ mặt của quốc gia, của đất nước thật sự hội nhập với thương trường quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của thương mại quốc tế, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, cùng sự điều chỉnh chính sách của một số đối tác thương mại lớn trong thời gian qua.

Nghị quyết nhấn mạnh các bộ, ngành tăng cường năng lực bộ máy giám sát, kiểm tra để triển khai có hiệu quả các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Chủ động kiểm tra, điều tra, xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, xử lý nghiêm minh các vụ việc được phát hiện.
Theo tìm hiểu, hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Trong hoạt động xuất khẩu, việc lợi dụng khai sai xuất xứ hàng hóa bị xử phạt hành chính với mức phạt thấp. Theo đó: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: Hàng hóa từ nước ngoài vào khu phi thuế quan hoặc từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, hàng hóa từ nước ngoài vào cảng trung chuyển hoặc từ cảng trung chuyển ra nước ngoài; Hàng hóa sử dụng, tiêu hủy trong khu phi thuế quan.
Đồng thời phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, đối tượng không chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp gian lận có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa về nơi xuất xứ thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính Phủ, theo đó hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa có mức xử phạt cao nhất 40.000.000 đồng; ngoài ra còn thể có hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả như thu hồi tang vật vi phạm.

Ngoài các chế tài hành chính trên, với những hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa xuất khẩu gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng nhưng trong Bộ Luật hình sự 2015, chưa có những quy định cụ thể để xử lý và ngăn ngừa.

Đến nay, sự thiết sót trong các quy định pháp luật hình sự khi có hành vi gian lận xuất xứ không chỉ khiến pháp luật “bất lực” với những vi phạm của các doanh nghiệp buôn bán trong nước như Khải Silk, Asanzo mà còn “bó tay” với những doanh nghiệp gian lận về xuất xứ hàng hóa trong xuất khẩu.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin