Loạt chính sách kinh tế, xã hội mới có hiệu lực từ tháng 8

(Pháp lý). Đó là Quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; Quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh; Quy định mới về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Sửa quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Nâng thời hạn visa điện tử (EV) lên 90 ngày; Cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe ; ....
1-1690342137.jpg

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng  từ ngày 14/8/2023

Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Thực hiện Nghị định số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Cụ thể, Thông tư 06 nêu rõ mức điều chỉnh tăng thêm 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp của tháng 6/2023 với người hưởng chế độ tính đến trước 1/1/2022. Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ tháng 7/2023 sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 6/2023 x 1,125.

Điều chỉnh tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2022 đến trước ngày 1/8/2022.Với đối tượng này, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ tháng 7/2023 sẽ bằng bảo hiểm xã hội, trợ cấp tháng 6 x 1,208.

Những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng trước ngày 1/1/1995 theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 42, sau khi thực hiện điều chỉnh nếu có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.

Đối với người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng dưới 2.700.000 đồng/tháng tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng. Những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng được tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng.

Bộ LĐTB&XH yêu cầu UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo Sở LĐTB&XH và các cơ quan chức năng có liên quan tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tại Thông tư này. Thông tư có hiệu lực từ ngày 14/8.

Quy định mới về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới

Từ ngày 1/8/2023, các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới của cá nhân bằng tiền mặt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đây là qui định mới trong Thông tư 04/2023/TT-NHNN ngày 16/6/2023 của NHNN VN quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.

2-1690342144.jpg

Ảnh minh họa

Thông tư cũng qui định rõ: Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt lấy đồng Việt Nam cho cá nhân theo quy định.

Tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng ủy quyền trong hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ở một hoặc nhiều địa điểm tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt cho cá nhân nước ngoài đã làm xong thủ tục xuất cảnh.

Trường hợp bán tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương từ 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) trở xuống, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình các giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài.

Trường hợp bán lại tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương trên 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) cho cá nhân đã đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài, hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền có đóng dấu của tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền chỉ có giá trị cho cá nhân sử dụng để mua lại tiền của nước có chung biên giới trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ghi trên hóa đơn (biên lai). Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thu hồi hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền của cá nhân trước đây.

Hạn mức tiền của nước có chung biên giới cá nhân được mua lại tối đa không quá số tiền đã đổi ghi trên hóa đơn (biên lai).

Những quy định mới đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng

 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Cụ thể, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng:

1. Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

3. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, cổ đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Mang quốc tịch Việt Nam; không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức.

3-1690342144.jpg

Ảnh minh họa

4. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;  b) Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; c) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

d) Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam):  Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;   Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Đối với ngân hàng thương mại Việt Nam:  Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;  Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;  Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;  Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2023.

Những quy định mới về vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

Theo qui định tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước VN nêu rõ các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).

Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Nâng thời hạn visa điện tử (EV) lên 90 ngày

Ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.

Trong đó có sửa đổi quy định về thời hạn của một số loại thị thực như sau: Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày; Thị thực ký hiệu HN, DL, EV có thời hạn không quá 90 ngày; Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 180 ngày; Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, ĐT4, DN1, DN2, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2, TT có thời hạn không quá 01 năm

Như vậy kể từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử (hay visa điện tử) đã được nâng lên từ không quá 30 ngày thành 90 ngày và có giá trị 01 lần hoặc nhiều lần so với hiện hành tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

Ngoài ra, Luật sửa đổi này còn quy định về việc cấp thị thực điện tử được áp dụng trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BCA quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới …

4-1690342144.jpg

Từ ngày 15/8/2023 biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe

Theo đó, Thông tư quy định về hồ sơ, thủ tục cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, bao gồm: Đăng ký xe lần đầu; đăng ký sang tên, di chuyển xe; cấp đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; cấp lại chứng nhận đăng ký xe, …

Đáng chú ý, Thông tư này quy định biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (sau đây gọi là biển số định danh). Theo đó, Biển số định danh là biển số có ký hiệu, seri biển số, kích thước của chữ và số, màu biển số theo quy định tại Thông tư này.

Cụ thể, đối với chủ xe là công dân Việt Nam thì biển số xe được quản lý theo số định danh cá nhân. Chủ xe là người nước ngoài thì biển số xe được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập hoặc số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú hoặc số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với chủ xe là tổ chức thì biển số xe được quản lý theo mã định danh điện tử của tổ chức do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập; trường hợp chưa có mã định danh điện tử của tổ chức thì quản lý theo mã số thuế hoặc quyết định thành lập.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về thủ tục đăng ký, quản lý biển số xe trúng đấu giá như sau:

Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá biển số xe ô tô thực hiện đăng ký xe kê khai giấy khai đăng ký xe theo quy định, đưa xe đến Phòng Cảnh sát giao thông nơi có trụ sở, cư trú hoặc Phòng Cảnh sát giao thông nơi quản lý biển số xe trúng đấu giá để kiểm tra xe; cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến và nộp hồ sơ xe theo quy định. Sau khi cán bộ đăng ký xe kiểm tra hồ sơ xe, thực tế xe bảo đảm hợp lệ thì được cơ quan đăng ký xe cấp biển số xe trúng đấu giá.

Trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá: Chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi, chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định, được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá). Tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.

Quy định mới về phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

Theo Thông tư số 38/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/8/2023, mức thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định được quy định tại Biểu mức thu phí ban hành kèm theo Thông tư này, Trong đó, nhóm dự án được quy định như sau: Nhóm 1. Dự án công trình dân dụng; Nhóm 2. Dự án hạ tầng kỹ thuật (trừ dự án giao thông); Nhóm 3. Dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; Nhóm 4. Dự án giao thông. Nhóm 5. Dự án công nghiệp; Nhóm 6. Dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các Dự án khác (không thuộc nhóm 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên).

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan nhà nước thuộc 03 Bộ được giao thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là tổ chức thu phí.

Người nộp phí thực hiện nộp phí cho tổ chức thu phí trong thời gian từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định đến trước khi tổ chức họp Hội đồng thẩm định, phí nộp theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.

Về quản lý và sử dụng phí, tổ chức thu phí nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương). Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được để lại 65% số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí; nộp 35% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Thành Chung (Tổng hợp)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin