Liệu Trump có thể đảo ngược phán quyết ở Tòa tối cao?

Tòa án Tối cao có thể thụ lý đơn kiện của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đội ngũ Trump sẽ cần đến “điều thần kỳ”, nếu muốn khôi phục sắc lệnh cấm nhập cảnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó sau phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang số 9.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó sau phán quyết của tòa phúc thẩm liên bang số 9.)

Đa số các chuyên gia pháp lý trả lời trên La Times đều cho rằng, chính quyền Trump khó có khả năng chiến thắng, khi nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao.

Chuyên gia Erwin Chemerinsky tại trường Luật Irvine, thuộc Đại học California (Mỹ) nhận định, Tòa án Tối cao chưa chắc đã nhận đơn kiện của chính quyền Trump.

“Họ không muốn phải phân xử khi kịch bản "4-4" có thể xảy ra. Nhưng họ có thể sẽ muốn đưa ra phán quyết cuối cùng trong một vụ kiện quan trọng”, chuyên gia về luật hiến pháp nói.

Kịch bản "4-4" mà ông Chemerinsky đề cập là khả năng 8 thẩm phán tối cao chia rẽ về phán quyết. Tòa án tối cao Mỹ hiện vẫn đang khuyết vị trí thứ 9 sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái.

Giáo sư luật nói tòa phúc thẩm liên bang số 9 đã tái khẳng định quan điểm, “không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống. Tòa án liên bang luôn xem xét tính hợp hiến trước các hành động của chính phủ”.

John Yoo, giáo sư luật tại trường Đại học Berkeley, người từng làm việc trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W Bush cho rằng, Tòa án Tối cao có thể từ chối tham gia xét xử.

 

 Giáo sư luật Erwin Chemerinsky không cho rằng Tóa án Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện của chính quyền Trump.
Giáo sư luật Erwin Chemerinsky không cho rằng Tóa án Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện của chính quyền Trump.)

Sắc lệnh mà ông Trump ban hành, cấm cả người có thẻ xanh ở 7 quốc gia Hồi giáo đến Mỹ đã vi phạm quy định pháp lý ngay từ đầu. Tòa án Tối cao cũng rất ít khi phân xử một vụ việc trong tình trạng khẩn cấp, ông Yoo nói.

Giáo sư luật Jessica Levinson đến từ trường Luật Loyola ở Los Angeles (Mỹ) bày tỏ quan điểm rằng, Tòa án Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện về việc khôi phục lệnh cấm nhập cảnh.

“Vụ kiện sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao nhưng tôi nghĩ nó sẽ không dẫn đến tin tốt với ông Trump”, bà Levinson nói. ”Ba thẩm phán tòa phúc thẩm là người do chính quyền Tổng thống đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bổ nhiệm đã đi đến cùng một quyết định trong vụ kiện này”.

Ngay cả khi Tòa án Tối cao bế tắc trong việc ra quyết định, phán quyết của tòa cấp dưới, ở đây là tòa phúc thẩm vẫn được bảo lưu, bà Levinson nói thêm.

Ngoài khả năng nộp đơn kiện lên Tòa án Tối cao, chính quyền Trump cũng có thể yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang số 9 xem xét lại phán quyết. Margo Schlanger, giáo sư luật tại Đại học Michigan, người từng làm việc trong chính quyền Barack Obama nói.

Trong khi đó, Alan Dershowitz, giáo sư luật tại trường Luật của Đại học Havard lại đưa ra quan điểm trái ngược. Dershowitz tin rằng, ông Trump sẽ chiến thắng tại Tòa án Tối cao.

“Tôi không nghĩ rằng sắc lệnh này vi phạm các điều khoản trong Hiến pháp. Ông Trump lựa chọn 7 quốc gia Hồi giáo, những nơi đang có tỷ lệ khủng bố ở mức cao”, ông Dershowitz nói.

Có thể nói, tòa phúc thẩm liên bang số 9 hoàn toàn thống nhất về phán quyết ngày 9.2. Do đó, ông Trump đang rơi vào thế khó trong nỗ lực khôi phục sắc lệnh, theo La Times.

Trong phiên điều trần tại tòa phúc thẩm số 9, chính quyền Trump chỉ tập trung vào luận điểm cho rằng, bang Washington “không có quyền đâm đơn kiện”. Nhưng khi thẩm phán hỏi ngươc lại về những hậu quả của sắc lệnh cấm nhập cảnh, chính quyền Trump lại không đưa ra câu trả lời hợp lý.

"Chúng tôi cho rằng chính phủ không cho thấy khả năng thành công của đơn kháng cáo cũng như không nêu ra được những thiệt hại không thể khắc phục nếu thất bại", tòa phúc thẩm liên bang số 9 ra tuyên bố.

“Thay vì trình bày bằng chứng giải thích cho việc cần thực thi sắc lệnh, chính phủ lại nói rằng chúng tôi không nên xem xét đơn kiện này”, thẩm phán tòa phúc thẩm số 9 nói. “Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận luận điểm như vậy”.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin