Vinachem đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại của một số dự án như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2...
Tin từ Bộ Công Thương, cuối tháng 1 vừa qua, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn tại của một số dự án thuộc tập đoàn này.
Theo quyết định thành lập này thì Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Hóa chất sẽ là trưởng Ban chỉ đạo. Tổng giám đốc Tập đoàn làm phó trưởng ban. 20 thành viên còn lại thuộc Ban chỉ đạo đang đảm nhận các vị trí, công việc liên quan khác.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Chính phủ và Ban chỉ đạo Bộ Công Thương xử lý các tồn tại ở những dự án cũng như doanh nghiệp thuộc tập đoàn. Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Hội đồng thành viên Tập đoàn.
Các dự án và doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất cần giải quyết các vấn đề tồn tại gồm Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình/Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc/CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2/CTCP DAP số 2- Vinachem và CTCP DAP - Vinachem.
Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của Vinachem năm 2016 cho thấy, doanh thu ước đạt 41.931 tỷ đồng, giảm 8,4% so với năm 2015. Đáng lưu ý, trong năm 2016, Vinachem ước lỗ 627 tỷ đồng ; trong đó lãi phát sinh là 2.745 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 3.372 tỷ đồng.
Lỗ phát sinh của Vinachem bắt nguồn chủ yếu từ các đơn vị nêu trên. Các dự án này cũng là dự án trong “danh sách đen” Thủ tướng Chính phủ trước đó đã yêu cầu xử lý vì trạng thua lỗ kéo dài.
Báo cáo mới đây của chủ đầu tư nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, kết quả tài chính năm 2016 công ty dự kiến lỗ 1.078 tỷ đồng. Năm 2017, phương án tiếp tục sản xuất, công ty dự kiến giảm lỗ khoảng 250 tỷ đồng so với phương án ngừng máy toàn bộ trong năm 2017. Năm 2017 nếu dừng nhà máy dự kiến lỗ 1.200 tỷ đồng.
Với nhà máy Đạm Bắc Hà mở rộng, năm 2015 công ty lỗ 585 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 124,69 tỷ đồng, năm 2017 công ty dự kiến sẽ lãi khoảng 88,3 tỷ đồng. Dù có lãi trở lại từ năm 2017 nhưng phải đến năm 2019 công ty mới hết lỗ luỹ kế. Nợ vay của Đạm Hà Bắc hiện đã lên tới trên 7.000 tỷ đồng…
Theo Bizlive