Lạm phát tại Việt Nam ‘đang tăng tốc’

Chỉ số đo lạm phát tăng liên tục trong 5 tháng tại Việt Nam và khó đạt chỉ tiêu. CPI, hay chỉ số giá tiêu dùng, tăng liên tục từ tháng Hai năm nay được mô tả là "hiện tượng hiếm thấy suốt 20 năm".

[caption id="attachment_144100" align="aligncenter" width="410"] Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.[/caption]

Nhận định này được đưa ra tại hội thảo diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm hôm 07/07 tại Hà Nội.

Giá cả khu vực dịch vụ y tế (tăng 25%) và lương thực thực phẩm, giáo dục là những khu vực được cho là tác động mạnh nhất tới CPI trong 6 tháng qua.

Một số chuyên gia được dẫn lời nói lạm phát khó đạt chỉ tiêu dưới 5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao, truyền thông trong nước đưa tin.

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp, Bộ Công thương dự báo mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 7% so với chỉ tiêu 10%.

Ông Phương cũng dự đoán GDP, với xuất khẩu là lực đẩy chính, sẽ tăng 6,2- 6,3% trong năm nay, dưới chỉ tiêu 6,7% chính phủ đề ra cho năm 2016 và cũng thấp hơn mức 6,68% đạt được trong năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Công thương vào đầu tuần này nói sự sụt giảm về giá xuất khẩu và tăng trưởng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chậm lại là một số nguyên nhân chính.

"Nếu chúng ta quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm chỉ đạt 8%, đó là dự báo của Bộ Công Thương," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói tại buổi họp Chính phủ diễn ra hôm 1/7.

Lãnh đạo Bộ Công Thương dự báo tình trạng “không mấy khả quan” do tình hình kinh tế và thương mại thế giới có tác động gián tiếp và “không nhỏ” tới cán cân thương mại của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói xuất khẩu là kênh quan trọng nhất cho tăng trưởng và yêu cầu Bộ Công Thương có chuyên đề riêng để xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm, theo truyền thông trong nước.

"Bộ Công Thương đang quản lý nhiều ngành hàng, lĩnh vực quan trọng, nếu không chấn chỉnh lại, phát triển mạnh mẽ thì rất khó đạt kế hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo bị sụt giảm như vậy thì phải tính toán lại bài bản, hệ thống hơn, bộ máy phải rất giỏi để xốc lại," ông Phúc nói.

Hàng nông sản Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Trong năm tháng đầu năm 2016, 11% nguồn thu xuất khẩu là từ thị trường Trung Quốc.

Vào cuối tháng trước, Tổng cục Thống kê cho biết GDP sáu tháng đầu năm 2016 ước tính tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2015.

Mục tiêu Quốc hội Việt Nam đề ra cho cả năm 2016 là 6,7%.

Các nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế gồm "Thương mại và đầu tư chậm lại trên toàn cầu... các biến động khó lường tại các thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới đã ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế của chúng ta," AFP dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê.

Các yếu tố khác là nạn hạn hán trầm trọng nhất trong nhiều thập niên nay trong khu vực, gây thiệt hại tới 681 triệu USD cho Việt Nam.

Vụ cá chết ở miền Trung cũng được coi là một nguyên nhân.

Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị báo cáo Quốc hội về vụ cá chết để mang ra bàn thảo trong phiên họp Quốc hội vào tháng Bảy.

Theo Bizlive

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin