Việt Nam vừa kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.
[caption id="attachment_133486" align="aligncenter" width="410"] Cho đến tận Quốc hội khoá 13, vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng.[/caption]
70 năm đã có gần 6.000 đại biểu tham gia Quốc hội qua 13 khóa.
70 năm qua, hoạt động nghị trường cũng để lại dấu ấn sâu đậm của nhiều vị đại diện cho nhân dân, trong lòng nhân dân. Cho dù, cũng có những vị đại biểu đã không hoàn thành nhiệm vụ, buộc phải rời vị trí được nhân dân giao phó.
Vài năm gần đây, các vị đại biểu chuyên trách đã được yêu cầu tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong năm. Song, cho đến tận Quốc hội khóa 13, vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng. Bởi thế, cử tri không thể có được thông tin định lượng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi vị mà mình đã bỏ phiếu bầu làm người đại diện.
Và bởi thế, câu hỏi làm đại biểu Quốc hội dễ hay khó không dễ để có câu trả lời chính xác.
Với góc nhìn của cử tri, nếu một vị đại biểu kiêm nhiệm chỉ tham gia tương đối đầy đủ các kỳ họp, không tham gia phát biểu một lần nào cả ở tổ lẫn ở hội trường vẫn không phải chịu bất cứ “áp lực” nào, thì làm đại biểu quả là không khó.
Còn nếu hoàn thành cả khối lượng công việc rất đồ sộ, từ các kỳ họp của Quốc hội, ủy ban chuyên môn đến giám sát, tiếp dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri… thì không phải khó, mà là rất rất khó.
Nhưng, với người trong cuộc, khó hay dễ cũng còn tùy quan niệm.
Trong một cuộc trao đổi gần đây, một vị đại biểu - doanh nhân của Quốc hội khóa 13 cho rằng nhiệm vụ của một người đại biểu không chuyên trách (70% các vị đại biểu Quốc hội đương nhiệm hoạt động kiêm nhiệm) cũng không hề nặng nề gì.
“Nhiệm vụ đại biểu không nặng nề gì, cái đó phải nói thật, thực chất các nước khác quốc hội làm luật làm luôn thì mới nặng nề, chứ mình thì Chính phủ và bộ, ngành làm hết rồi, mình chỉ đọc rồi góp ý thì đâu có gì khó khăn đâu”, vị doanh nhân nói.
Quan sát ở nghị trường thì có đến một thời gian dài, vị doanh nhân này đến Quốc hội với tâm trạng vô cùng mỏi mệt. Có những phiên họp tổ, ông chỉ ngồi gục đầu gần như hết buổi, và danh tính hoàn toàn biến mất khỏi danh sách đăng ký phát biểu ở nghị trường.
Ông bảo, thời gian đó ông không được khỏe, hoạt động của doanh nghiệp cũng không được tốt, nên ông đã chọn viết thay cho nói.
“Ai cũng có lúc này lúc khác, nếu lúc hình ảnh của mình đang tốt thì phát biểu cũng được lắng nghe hơn, báo chí cũng chú ý hơn. Còn lúc hoat động của doanh nghiệp đang khó mà cứ đăng ký phát biểu, thì có người bảo, ông lo thân ông không xong, còn nói lắm, tự nhiên lại phản tác dụng”, ông tâm tư.
Vì lý do này mà sau hai năm chỉ gửi ý kiến bằng văn bản, đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, ông mới đăng đàn trở lại, khi doanh nghiệp của ông đã làm ăn có lãi, và bản thân cũng đã quen dần với những bỡ ngỡ buổi ban đầu.
“Tôi có đến mười mấy năm làm đại biểu của dân rồi, từ cấp quận, huyện đến cấp thành phố, cũng không thấy ai nói đại biểu Quốc hội là chính trị gia. Cứ ngỡ đơn giản đại biểu của dân thì giống nhau, đến khi làm đại biểu Quốc hội, nhận hộ chiếu ngoại giao thấy tiếng Anh là “Politician” thì mới té ngửa”, ông chia sẻ.
Trong cuộc trao đổi chừng mười phút, trả lời câu hỏi nào ông cũng bắt đầu bằng ba chữ “nói thật là” và hai chữ “sai lầm” cũng đã được ông sử dụng.
Và điều được ông nhấn mạnh, khi có thông tin chưa chính thức rằng trong Quốc hội khóa mới, tỷ lệ doanh nhân được giới thiệu ứng cử sẽ giảm mạnh, là “đã làm đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, còn nếu không tròn trách nhiệm thì nhiều hay ít cũng vô nghĩa”.
Theo VnEconomy