Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tội cho vay lãi nặng

12/05/2021 09:18

(Pháp Lý) - Thời gian qua hoạt động cho vay nặng lãi của các nhóm tội phạm có những diễn biến phức tạp. Số vụ án được phát hiện có quy mô ngày càng lớn, diễn ra trên phạm vi rộng với những thủ đoạn tinh vi, đa dạng như thành lập các “công ty tài chính” trá hình, ứng dụng internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin để quảng bá và lôi kéo ‘‘khách hàng’’ (người vay), kéo theo hoạt động tội phạm khác nhằm mục đích thu hồi nợ như: Cố ý gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng… khi người vay không trả được nợ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực trạng này đòi hỏi quy định của pháp luật cần phải tiếp tục hoàn thiện để làm cơ sở xử lý hành vi phạm tội cho vay lãi nặng một cách triệt để, đảm bảo yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

Quy định của luật

Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (1). Quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã khắc phục những hạn chế, bất cập khi xử lý tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 Bộ luật Hình sự năm 1999 như: Chứng minh dấu hiệu có tính chất chuyên bóc lột của người cho vay; trong việc tính mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định; xác định dấu hiệu định khung thu lợi bất chính lớn như thế nào. Quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng phù hợp, thống nhất với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập có những quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như: Áp dụng tình tiết định tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng, tính khả thi của quy định này khi văn bản về xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định; cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để làm căn cứ định tội tại khoản 1 và áp dụng tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2; xử lý khoản tiền gốc, khoản tiền thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng.

Vướng mắc, khó khăn khi xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Để giải quyết vướng mắc trên, ngày 13/9/2019 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 212/TANDTC- PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có nội dung giải đáp Vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (viết tắt Công văn số 212). Nội dung giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự để xử lý tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần được hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Cụ thể:

Thứ nhất, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội mới ‘‘đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm’’. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản để xem xét xử lý hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng, đây là một hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay lãi nặng. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ: ‘‘quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình’’chỉ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản mà không có quy định xử phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng không có cầm cố tài sản. Điều này dẫn đến xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng không cầm cố tài sản khó thực hiện, không thể xem xét định tội, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

Các bị cáo trong một vụ án cho vay nặng lãi

Thứ hai, việc vay tài sản trong thực tế có thể là vay tiền, vàng, bạc, đá quý hoặc các tài sản có giá trị khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 làm căn cứ tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với tài sản là vàng, bạc, đá quý và các tài sản có giá trị khác khác dẫn đến khó khăn khi giải quyết các vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng.

Thứ ba, vướng mắc xử lý đối với pháp nhân thực hiện hành vi cho vay lãi nặng. Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tổ chức tín dụng được thực hiện hoạt động ngân hàng, bao gồm cả hoạt động cho vay. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự dù có thực hiện hoạt động cho vay với lãi suất rất cao. Trên thực tế pháp nhân, tổ chức có thể bị các đối tượng lợi dụng, núp bóng để thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng và các giao dịch cho vay lãi nặng của pháp nhân, tổ chức sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự vì pháp luật không quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Thứ tư, cách xác định khoản tiền thu lợi bất chính để xử lý trách nhiệm hình sự. Công văn 212 đã hướng dẫn cụ thể: ‘‘khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi xuất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015’’ mà không phải là tổng số tiền lãi thu được từ khoản cho vay. Tác giả đồng tình với quan điểm trên, đề nghị bổ sung thêm: Đối với hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng, pháp luật cho phép các chủ thể tham gia hợp đồng vay được thỏa thuận mức lãi suất tối đa là 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Thứ năm, tuyên tịch thu số tiền gốc. Công văn số 212 hướng dẫn: “… Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước ” mà không nêu rõ Tòa án tuyên tịch thu của ai. Mục 2.1 Công văn số 4688/VKSTC- V14 ngày 09/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn giải đáp vướng mắc trong quá trình áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Về xử lý khoản tiền gốc và lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm: Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự. Trường hợp người vay chưa trả tiền gốc thì buộc người vay phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước”. Như vậy, khi Tòa án xét xử, khoản tiền gốc đang do ai quản lý thì Tòa án tuyên người đó phải giao nộp để tịch thu sung quỹ nhà nước, nghĩa là nếu người vay đã trả tiền gốc cho người phạm tội thì tịch thu của người phạm tội sung quỹ nhà nước, nếu người vay chưa trả thì tuyên người vay nộp sung quỹ nhà nước. Thực tế, nhiều trường hợp người vay không chứng minh được số tiền gốc đã trả, người cho vay lại cho rằng người vay chưa trả gốc, hoặc có trả thì đó là tiền lãi không phải tiền gốc. Chứng minh số tiền gốc đã khó, chứng minh số tiền gốc đó đang ở đâu còn khó hơn. Khi đó người vay đã là nạn nhân của việc cho vay lãi nặng có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý khi không giao nộp số tiền gốc cho Nhà nước.

Quan điểm của tác giả: Cần xem xét lại vấn đề coi số tiền gốc là “công cụ, phương tiện” phạm tội, bởi vì khoản tiền lãi trong giới hạn lãi suất 20% phát sinh từ việc cho vay lãi nặng đã không tính để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người cho vay. Vậy trong trường hợp truy thu số tiền gốc, người cho vay phải giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng không phụ thuộc vào số tiền gốc đó đang ở đâu.

Ngoài ra theo Công văn số 212: “…tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp”, trường hợp không trưng cầu giám định, Cơ quan tiến hành tố tụng phải tự chứng minh từng khoản tiền: Số tiền gốc, số tiền lãi tương ứng với lãi suất 20% và số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20% (khoản tiền thu lợi bất chính). Trong nhiều trường hợp, việc chứng minh số tiền gốc với số tiền lãi tương ứng lãi suất 20% và khoản tiền thu lợi bất chính gặp phải những khó khăn nhất định.

Đề xuất, kiến nghị

Qua nghiên cứu tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 và thực tế tội phạm này hiện nay, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính hành vi cho vay lãi nặng theo hướng sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ cho phù hợp với quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 11. Vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

….3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Sửa chữa, tẩy xóa giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

c) Không duy trì đúng và đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh;

d) Cho vay tiền nhưng lãi suất cho vay vượt quá mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay”.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể vấn đề lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản không phải là tiền như vay vàng, bạc, đá quý và các tài sản có giá trị khác làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng. Hướng dẫn trường hợp truy thu số tiền gốc, người cho vay phải giao nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng không phụ thuộc vào số tiền gốc đó đang ở đâu.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, để đảm bảo xử lý triệt để, kịp thời đối với loại tội phạm này. Cụ thể, Điều 76. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại:

‘‘Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188,189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 201, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này’’.

Tóm lại: Cùng với quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, Công văn số 212/TANDTC – PC ngày 13/09/2019 của Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết được cơ bản những vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong thực tế việc xử lý tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn còn vướng mắc, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện, đảm bảo xử lý triệt để, kịp thời đối với loại tội phạm này, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được thống nhất.

Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Thạc sĩ Lê Đình Nghĩa(TAQS Khu vực 1 Quân khu 5)

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tội cho vay lãi nặng" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin