Kiến nghị 3 giải pháp pháp luật để ngăn chặn “biến thể Việt Á” trong tương lai …

06/06/2022 13:37

(Pháp lý) – Đến thời điểm này vụ án thổi giá kít test Việt Á vẫn đang rất "nóng" , đến cuối tháng 5 đã có 58 người liên quan bị khởi tố, trong đó có hàng chục bị can là lãnh đạo CDC các tỉnh thành bị khởi tố, với nhiều tội danh khác nhau. Những hệ lụy từ vụ án là không thể đo đếm được…Vì vậy việc mổ xẻ những kẽ hở của luật và kiến nghị những giải pháp hoàn thiện để góp phần ngăn chặn “biến thể Việt Á” trong tương lai là vấn đề cần được quan tâm.

phan-quoc-viet-1648449157.jpg
Phan Quốc Việt (ảnh lớn) cùng hàng loạt bị can bị khởi tố trong vụ án

Tóm tắt diễn biến vụ án:

+ Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

+ Ngày 30/12/2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có chủ trương chỉ đạo xử lý đối với vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

+ Trước đó, ngày 22/12, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 9373/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

+ Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã “bắt tay” chỉ định thầu, xây dựng giá gói thầu, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kít, cao gần gấp đôi so với giá thành sản xuất.

+ Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, từ hành vi thổi giá, Phan Quốc Việt đã thu về Công ty Việt Á số tiền hơn 500 tỉ đồng. Đặc biệt, số tiền mà Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” (lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm) lên tới gần 800 tỉ đồng. 

anh-2-1648449157.jpg
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Minh Tuân – cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình (Bộ Y tế); ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN). Cả 3 cùng bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

“Thổi” giá thành sản phẩm từ việc lợi dụng kẽ hở  của Luật Giá

Lợi dụng pháp luật cho phép chỉ định thầu, xây dựng giá gói thầu khủng trong trường hợp cấp bách để bắt tay nhau trục lợi theo kiểu CDC Hà Nội là thủ đoạn của Việt Á. Thế nhưng diễn biến của quá trình phạm tội còn cho thấy, bị can Phan Quốc Việt - TGĐ Công ty CP Công nghệ Việt Á cùng các đồng phạm đã lách luật từ ngay công đoạn xây dựng giá thành sản phẩm. Tại các khoản 11 và 12 Điều 4 Luật Giá giải thích: “Yếu tố hình thành giá là giá thành toàn bộ thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ; lợi nhuận (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luậtgiá trị vô hình của thương hiệu”.

Như vậy, giá thành sản phẩm phụ thuộc vào 4 yếu tố. Trong đó yếu tố “nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật” thì quá rõ, nhưng 3 yếu tố còn lại có thể vận dụng tùy nghi. Giá thành toàn bộ của hàng hoá, dịch vụ (theo quy định tại khoản 12 Điều 4) “là giá thành tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; giá mua hàng hoá, dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại; và chi phí lưu thông để đưa hàng hoá, dịch vụ đến người tiêu dùng”. Được hiểu là bao gồm chi phí sản xuất thực tế hợp lý để làm ra sản phẩm và đưa đến tận tay người tiêu dùng. Tuy nhiên làm cách nào để giám sát giá thành thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ là quá khó. Đặc biệt là yếu tố lợi nhuận, bao nhiêu là đủ để cấu thành giá thành sản phẩm. Cửa lách càng rộng  nếu Việt Á vận dụng đến yếu tố “giá trị vô hình của thương hiệu”…

Trong khi đó tại Điều 11 Luật Giá quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; và quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu; được quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Có nghĩa hàng hóa, dịch vụ do tư nhân sản xuất ra phụ thuộc vào quyết định của tổ chức, cá nhân đó. Nhìn từ góc độ tích cực, quy định này là hợp lý vì thị trường chính là “vị quan liêm khiết” giám sát khách quan nhất. Bởi giá thành đưa ra hợp lý, người tiêu dùng chấp nhận thì sản phẩm sẽ bán chạy, doanh thu tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển và ngược lại.

Với mặt hàng “trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm”, Bộ Y tế khẳng định “không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá”. Như vậy Công ty Việt Á có quyền tự mình quyết định giá kít test do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Vấn đề ở đây là, thay vì thượng tôn pháp luật, để sản phẩm kít test đến với khách hàng bằng con đường “hữu xạ tự nhiên hương” thì Việt Á lại lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thổi giá cao gấp nhiều lần giá thành sản xuất, kinh doanh sản phẩm theo kiểu chụp giật, ăn xổi. Đặc biệt lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Nếu như không có C03 Bộ Công an vào cuộc làm lộ diện hành vi hối lộ của Việt Á cho CDC Hải Dương (thông qua thủ đoạn chiết khấu hoa hồng khủng: 30 tỷ/ 151 tỷ mua kít test), thì mặt trái của cơ cấu giá thành 470.000 đồng/ bộ kít test Việt Á sẽ mãi mãi là bí mật. Nếu như không có sự lộ diện giá thành của các bộ kit test đang lưu hành trên thị trường tại thời điểm thấp hơn nhiều lần (của hãng Roche Molecular Systems (Mỹ) 286.500 đồng/test, Solgen Co.Ltd (Hàn Quốc) 280 – 390.000 đồng/ test, thậm chí sản phẩm nhập khẩu của Công ty CP Dược phẩm Ampharco U.S.A có giá chỉ 179.000 đ/ test…), thì không thể so sách được sự chênh lệch giá đến khó ngờ…

Càng khủng hơn khi Tổng cục Hải quan cho biết, từ tháng 9-12/2021, Công ty Việt Á nhập 3 triệu test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc với tổng trị giá 64,68 tỉ đồng, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test). Thông tin của Tổng cục Hải quan không khác gáo nước lạnh làm lộ diện việc Bộ KHCN công bố thành tựu khoa học bộ kít xét nghiệm COVID-19 của Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu sản xuất đã được WHO đã công nhận (25/4/2021) là ngụy khoa học, “dấu trên, lừa dưới”. Đến đây, câu chuyện không dừng lại ở việc thổi giá thành mà còn là số tiền gần 19 tỷ đồng của Nhà nước rót cho Học viện Quân y để nghiên cứu vào việc gì (?)

 

anh3-1648449157.jpg

Ba trong số 5 bị can là Giám đốc CDC dính vào vòng lao lý. Trong ảnh (từ trái qua phải): Bị can Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương; bị can Nguyễn Văn Định – Giám đốc CDC Nghệ An; bị can Nguyễn Thành Danh – Giám đốc CDC Bình Dương.

Nhận diện những thủ đoạn nhằm hợp thức hóa 80% lợi nhuận

Quy trình sản xuất và kinh doanh kít test của Việt Á được xây dựng khép kín từ việc thổi giá thành đến tiêu thụ sản phẩm, hay nói cách khác thực hiện từ A đến Z. Để thực hiện quy trình đó trót lọt thu về số tiền lãi 500 tỷ đồng, ông chủ Việt Á thiết kế mối quan hệ “đặc biệt” với các cán bộ có chức có quyền của Bộ KH&CN, Bộ Y tế và Học viện Quân y.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Công ty CP công nghệ Việt Á được thành lập năm 2007, có trụ sở chính tại TP.HCM, với vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ 80 triệu đồng. Trong đó, ông Phan Quốc Việt - TGĐ (giữ 10,2%), hai cổ đông sáng lập công ty còn lại là ông Đồng Sỹ Huy (giữ 5%) và bà Hồ Thị Thanh Thủy (giữ 4,8%). Tháng 10/2017, Công ty Việt Á đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp lần 6, có vốn điều lệ đột ngột nâng lên tới 1.000 tỉ đồng. Mặc dù vậy, tỷ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập không thay đổi, vẫn giữ 20% trong tổng vốn điều lệ điều chỉnh.

Như vậy có khoảng 800 tỉ đồng (tức 80%) đã được các cổ đông khác bơm vào doanh nghiệp. Những cổ đông đó là ai đến thời điểm này vẫn còn lẩn khuất nhưng chắc chắn phải là những “nhân vật đặc biệt” có sức ảnh hưởng rất lớn đến Việt Á, khiến cho Phan Quốc Việt phải nhượng bộ quyền lợi đến 80%. Pháp luật điều chỉnh (Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật PCTN) không cho phép cán bộ, công chức, viên chức thành lập doanh nghiệp và trực tiếp quản lý điều hành doanh nghiệp; nhưng không cấm họ có quyền được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh.

Quy định này của pháp luật là “điều kiện tốt” để những cán bộ, công chức, viên chức lạm dụng để thực hiện “chân trong, chân ngoài” mà không sợ vi phạm pháp luật. Các chức danh nằm trong HĐQT, HĐTV hay tham gia bộ máy điều hành, quản lý công ty mà pháp luật cấm đoán không có giá trị để những công bộc “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về’ bận tâm. Cái mà họ cần đó chính là quyền lợi thu được từ công ty tư nhân thông qua việc góp vốn, mua cổ phần. Rắc rối với họ là ở chỗ, Luật PCTN 2018 (Điều 33 – Điều 40) bắt buộc người có chức vụ, quyền hạn phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập tăng thêm. Mà kê khai thì phải trung thực, không được giấu diếm nguồn gốc…

Vậy nên không có gì lạ khi mà các doanh nghiệp “sân sau” không bao giờ lộ diện danh tính các quan tham gia cổ phần, vốn góp nhưng lợi tức phân phối chảy về túi họ không thiếu một đồng. Họ cũng không dại gì để vợ hoặc con đứng tên, vì làm như vậy có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Đối tượng an toàn nhất mà các công bộc nhắm đến đó là người ngoài mà không sợ rủi ro. Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 và theo Điều 15 của Luật Doanh nghiệp 2020, cho phép họ được quyền xác lập người đại diện ủy quyền phần vốn góp của mình trong công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Phân tích như vậy để thấy kẽ hở của pháp luật, nhưng tin rằng không khó để C03 làm rõ danh tính những kẻ “tai to mặt lớn” đang nắm giữ đến 80% vốn điều lệ của Công ty Việt Á.

Nhìn từ diễn biến của vụ án, nếu loại ra khỏi sự “tiếp sức” của một số quan chức Bộ Y tế trong việc công bố giá và của Bộ KH&CN trong việc khẳng định sản phẩm đã được WHO công nhận thì chắc chắn sản phẩm kít test của Việt Á sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường tại thời điểm, thậm chí bị “giết chết” ngay từ mới ra lò vì giá thành sản phẩm cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại. Không phải ngẫu nhiên mà một số cán bộ thuộc 2 Bộ (KHCN và Y tế) tích cực tiếp sức cho sản phẩm kit test Việt Á mở rộng thị trường đến 62 tỉnh, thành.

 

anh4-1648449157.jpg
Từ trái qua phải: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học vien viện Quân y; Trung tướng Đỗ Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học quân sự… cùng chịu trách nhiệm về những sai phạm xảy ra tại Học viện Quân y liên quan đến việc nghiên cứu đề tài kit test chuyển giao cho Công ty Việt Á, theo kết luận của UBKT Trung ương tại kỳ họp thứ 12

Cũng không phải ngẫu nhiên mà các cán bộ của Học viện Quân y lại chuyển giao công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước cho một doanh nghiệp tư nhân. Phía sau sự nhiệt tình bất thường đó mặc dù đến thời điểm này chưa lộ rõ động cơ trục lợi (chưa có bị can nào thuộc 2 Bộ và kể cả Học viện Quân y bị khởi tố về tội nhận hối lộ), song từ tình tiết vụ án lộ diện có thể khẳng định sự hoài nghi của dư luận là có cơ sở…

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Phó Chánh án Toà án quân sự Trung ương cho rằng: “Đây là một vụ án phạm tội có tổ chức, các đối tượng đã bị khởi tố trong vụ án này mới chỉ là những kẻ thực hành, giúp sức, còn kẻ chủ mưu vẫn đang lẩn khuất…Những thông tin ban đầu về vụ việc này cũng chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm của tình trạng tham nhũng từ chính sách”

Để không còn “biến thể Việt Á” trong tương lai…

Trong bối cảnh cả nước đương đầu với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, hàng triệu người nhiễm bệnh, rất nhiều người đã tử vong, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thì những hành vi trục lợi từ việc thổi giá các sinh phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch của một nhóm người là không thể chấp nhận được, có thể xem đây là một tội ác. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một vụ tham nhũng chính sách điển hình, những bị can ở Công ty Việt Á, CDC Hải Dương, Nghệ An, đến một số cán bộ cấp vụ ở Bộ KHCN, Bộ Y tế và Học viện Quân y đã bị khởi tố mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm của nhóm lợi ích.

1. Việc tìm ra giải pháp hữu hiệu từ gốc để ngăn chặn một “biến thể Việt Á” trong tương lai là rất cần thiết. Từ phân tích của bài viết, để khắc phục những kẽ hở trong thiết kế giá thành sản phẩm (tại khoản 11 và 12 Điều 4 của Luật Giá), tức là hướng đến việc triệt tiêu sự tùy nghi trong 3 yếu tố dễ bị lạm dụng thổi giá. Luật sư Lưu Bá Khiết – (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải làm rõ từng khái niệm: Thế nào là chi phí hợp lý tương ứng với chất lượng hàng hóa ? Lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý ? Đặc biệt là yếu tố về giá trị thương hiệu rất khó để tìm được mẫu số chung ? “Càng cụ thể trong các khái niệm sẽ càng tiết chế được sự vận dụng theo cảm tính, hay nói cách khác sẽ hạn chế được tiêu cực, khi đó giá thành sản phẩm sẽ quay đầu theo sát chi phí thực tế mà nhà sản xuất đã đầu tư”, Luật sư Khiết nói.

2. Đến thời điểm này, trong số 28 bị can đã bị khởi tố chưa có bị can nào thuộc 2 Bộ (KHCN và Y tế) và kể cả một số quân nhân thuộc Học viện Quân y bị khởi tố với tội danh nhận hối lộ, đặc biệt là chưa lộ diện danh tính những cá nhân “nặng ký” chiếm 80% tỷ lệ vốn góp trong Công ty Việt Á. Song đó chỉ là vấn đề thời gian khi mà vụ án đã và đang nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC và của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó có nghĩa những kẻ tham nhũng trong đại án này không chóng thì chầy sẽ bị bóc trần và phải trả giá cho hành vi của mình.

3. Từ phân tích của bài viết, lật lại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 15 của Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền xác lập người đại diện ủy quyền phần vốn góp của cá nhân trong công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, là quyền dân sự cần phải được tôn trọng. Trong khi đó, Điều 33 – Điều 40 Luật PCTN 2018 cũng quy định người có chức vụ, quyền hạn phải có nghĩa vụ kê khai trung thực. Như vậy vấn đề nằm ở chế tài Luật PCTN hiện hành cần phải sửa đổi, bổ sung đảm bảo “đủ nặng ký” để khiến các công bộc phải tự giác tuân thủ hành lang pháp lý, không được giấu diếm nguồn gốc tài sản hoặc thu nhập tăng thêm trong kê khai tài sản.

“Hình sự hóa hành vi kê khai tài sản không trung thực của cán bộ có chức, có quyền, tại sao không ?”, Luật sư Lưu Bá Khiết đặt vấn đề. Nếu làm được vấn đề này, ông Khiết cho rằng sẽ hạn chế được các “biến thể Việt Á” trong tương lai. Vì kê khai trung thực nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm (đối với phát sinh từ các nguồn lợi khủng kiểu như Việt Á), là đồng nghĩa với cán bộ có chức, có quyền công khai “sân sau” làm ăn phi pháp.

Nhìn lại diễn biến chính của vụ án Việt Á, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu- chuyên gia Tội phạm học nhận định, hành vi của Công ty Việt Á với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các tỉnh, thành khác trong cả nước là hình thức móc nối với người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chỉ định đầu tư, đấu thầu, đưa và nhận hối lộ…Nếu chỉ với những cá nhân hay doanh nghiệp đơn lẻ không thể tự mình “thổi giá” như vậy, nếu không có sự giúp sức của các cơ quan quản lý mà trước hết là Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế và có thể là một số cơ quản quản lý khác nữa.  

Đánh giá ở khía cạnh pháp lý, chuyên gia Đào Trung Hiếu nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rất nhiều đối tượng. Theo ông Hiếu, dư luận hiện đang có 3 câu hỏi rất lớn đặt ra xung quanh vụ vệc này. Thứ nhất, đó là chất lượng kit test của Việt Á, có đảm bảo chất lượng không. Thứ 2, có phải hàng nhập lậu không. Nếu nhập lậu về nó đi vào đường nào, mà tại sao nó qua các chốt chặn của chúng ta. Cuối cùng, nếu hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi có phải là nguyên nhân gây ra bùng phát trở lại đợt dịch covid - 19 lần thứ 4 tại Việt Nam hay không? Tại sao lại tiêu thụ được ở  63 tỉnh thành trong toàn quốc? Có một khoản lời không hề nhỏ ở đây. Chắc không phải có những nhân vật khác trong câu chuyện này…

VŨ LÊ MINH
Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị 3 giải pháp pháp luật để ngăn chặn “biến thể Việt Á” trong tương lai …" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin