Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định số 42/QĐ-BCĐCCHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo này.
Mục tiêu của Kế hoạch là nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) trong công tác cải cách hành chính, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2022.
Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính....
Về công tác chỉ đạo, điều hành, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính; giải quyết các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương liên quan đến cải cách hành chính.
Quý II năm 2022, Bộ Nội vụ triển khai xác định và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, năm 2022, các bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, bảo đảm chỉ tiêu cắt giảm, đơn giản hóa số quy định, chi phí tuân thủ, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đạt ít nhất 10%.
Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước; hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thống kê, rà soát, đơn giản hóa, công bố, công khai thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các bộ, ngành, địa phương dựa trên dữ liệu và theo thời gian thực.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; cho ý kiến về phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành đề xuất; khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức
Về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ Nội vụ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả và gắn kết chặt chẽ với các chính sách tinh giản biên chế; quyết định phê duyệt vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức.
Đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức thực hiện và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả mô hình dịch vụ công trực tuyến; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương, tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng dịch vụ công quốc gia; vận hành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh.
Theo baochinhphu.vn
Nguồn bài viết: https://baochinhphu.vn/kiem-soat-chat-che-viec-ban-hanh-van-ban-qppl-quy-dinh-thu-tuc-hanh-chinh-102220406195730247.htm