Không thể vô can

Gần đây, dư luận râm ran một số vị khi đương chức thì nhà cửa, xe cộ cũng thường thường, đến lúc về hưu lại phình ra cơ ngơi đồ sộ, đi xe sang tiền tỉ, ở biệt thự triệu đô hoặc lập những cơ sở làm ăn bề thế tại địa phương…

Đó là của nổi, còn của chìm thì dĩ nhiên chỉ có các vị ấy và trời mới biết. Tiền của ở đâu ra khi các vị sống bằng lương, dù bậc lương cao ngất cũng không thể tạo ra được sản nghiệp khổng lồ như vậy?

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong cuộc họp ngày 21-9, báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2015 có hơn 1 triệu người kê khai tài sản, có 414 trường hợp xác minh tài sản nhưng không phát hiện ra vi phạm. Dù ai cũng biết có những khoản thu nhập không được kê khai nhưng không có chế tài xử lý và lâu nay có tình trạng gần như mặc định rằng quan quyền thì phải giàu sang, việc kiểm tra nguồn gốc tài sản rất ít được thực thi.

Anh minh họa
Anh minh họa)

Nhìn cách sinh hoạt của không ít người vừa nghỉ hưu, có vẻ như họ vô can, vô cảm với những việc mình đã làm, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức. Thậm chí, đến tận lúc họ cầm cây gậy chơi golf đánh những đường đẹp mắt với sức khỏe của người được tẩm bổ đủ thứ sơn hào hải vị và thuốc thang tốt nhất thì hậu quả họ gây ra chưa hẳn đã dứt. Trong phiên họp về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), TAND Tối cao cho biết chưa thể kiểm điểm những người gây ra oan sai trong 2 vụ án oan gây chấn động dư luận xảy ra ở Bắc Ninh và Bình Thuận vì người liên quan nghỉ hưu hoặc đang bệnh. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, người dân bức xúc vì số tiền nhà nước bỏ ra bồi thường quá lớn, vậy trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai như thế nào?

Dư luận xã hội đều mong luật này sớm đi vào cuộc sống, chậm trễ sẽ thiệt thòi thêm cho người từng bị oan sai. Trước mắt, phải lượng định khoản tiền bồi thường, buộc công chức, viên chức làm sai phải bỏ tiền túi ra bồi thường; nếu họ đã về hưu thì cũng phải truy cứu trách nhiệm, không du di. Dư luận cũng mong muốn có chế tài với những trường hợp cố ý làm sai trước khi nghỉ hưu. Điển hình như ông Hoàng Sỹ Bình, trong thời gian làm giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã bổ nhiệm 877 viên chức, tuyển dụng 3.721 lao động không được phép của chủ tịch tỉnh. Đến nay, nhiều nhân viên trạm y tế xã không có lương, nội bộ trong ngành xào xáo, các cơ sở y tế phải chịu nhiều hậu quả do ông Bình gây ra thì ông đã nghỉ hưu.

Đã đến lúc phải xóa bỏ lối nghĩ về hưu là hạ cánh an toàn, bình an vô sự, bất chấp hậu quả đã gây ra tác hại thế nào. Phải xử lý như Bộ Luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm những trường hợp sai phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Những trường hợp khác, khi đã phát hiện sai phạm thì dù nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và nhân dân. Mặt khác, phải có chế tài để ngăn ngừa, như trước lúc về hưu bao nhiêu tháng thì không được ký quyết định bổ nhiệm nhân sự hay ký dự án có vốn ngân sách lớn. Người Việt ta quen lối tư duy “ơn đền oán trả”, ghét cay đắng những kẻ làm điều xấu mà không phục thiện. Đó cũng là sự sòng phẳng tất yếu, là lẽ công bằng cần có.

Theo NLD

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin