“Bản thân hoạt động kiểm toán đã là một loại hoạt động mang tính kết luận chuyên môn giám định về một vụ việc cụ thể nên không cần bổ sung quyền trưng cầu giám định tư pháp (GĐTP) cho Kiểm toán Nhà nước”. Đây là ý kiến của đơn vị tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước đề xuất bổ sung quyền trưng cầu GĐTP cho Kiểm toán Nhà nước trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP tại cuộc họp diễn ra sáng 18/9.
Ý kiến của cơ quan Kiểm toán không thống nhất
Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước, Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: Trong thực tiễn hoạt động giải quyết án tham nhũng, kinh tế, khi có vụ việc cần giám định thì cơ quan điều tra thường hướng đến trưng cầu chính bộ, ngành chuyên môn chuyên quản về vấn đề đó. Tuy nhiên, có trường hợp vụ việc cần giám định lại liên quan trực tiếp đến bộ, ngành, cơ quan chuyên môn đó nên cũng xuất hiện nghi ngại về việc bảo đảm tính độc lập, khách quan trong các vụ giám định này.
Trước bối cảnh như vậy, với tư cách “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” (khoản 1 Điều 118 Hiến pháp năm 2013), Kiểm toán Nhà nước có vị trí độc lập khi thực hiện GĐTP những vụ việc có liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Điều này góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy giải quyết có hiệu quả hơn các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là khi cần phải có cơ quan chuyên môn làm GĐTP độc lập với các bộ, ngành chuyên môn.
Theo tinh thần trên và theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các cuộc họp Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động GĐTP. Nhưng tại cuộc họp đầu tháng 9 vừa qua của Ủy ban Tư pháp, đại diện Kiểm toán Nhà nước lại đề nghị không bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước về GĐTP. Hiện Kiểm toán Nhà nước có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị không bổ sung nhiệm vụ trên nhưng lại đề nghị bổ sung quyền trưng cầu giám định chuyên môn của cơ quan Kiểm toán.
Bộ Tư pháp nhận thấy ý kiến của Kiểm toán Nhà nước có sự không thống nhất tại các văn bản về cùng một vấn đề. Không những thế, việc đề nghị bỏ trách nhiệm thực hiện giám định vụ việc trong dự thảo Luật và bổ sung thẩm quyền trưng cầu giám định là vấn đề chưa được Chính phủ thảo luận.
Vì thế, Cục Bổ trợ tư pháp cho rằng, không nên bổ sung quyền trưng cầu GĐTP cho Kiểm toán Nhà nước. Bởi hoạt động kiểm toán bản thân đã là một loại hoạt dộng mang tính kết luận chuyên môn giám định về một vụ việc cụ thể, do đó nếu phù hợp thì chỉ giữ nguyên như Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình.
Khắc phục ngay các vướng mắc thực tiễn
Cũng liên quan đến quyền trưng cầu giám định, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định về trưng cầu giám định của cơ quan Thanh tra. Theo đó, trường hợp tổ chức GĐTP, cơ quan, tổ chức chuyên môn quy định tại Luật GĐTP được cơ quan Thanh tra trưng cầu giám định theo quy định của Luật Thanh tra thì áp dụng các quy định về tiếp nhận, thực hiện giám định và các quy định khác có liên quan của Luật GĐTP để thực hiện giám định. Kết luận giám định trong trường hợp này không phải là kết luận GĐTP.
Lý giải nội dung bổ sung trên, bà Yến phân tích, do pháp luật về thanh tra chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trưng cầu và thực hiện giám định, cá nhân hay tổ chức nào thực hiện giám định… nên giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra thời gian qua gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì thế, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng cấp bách hiện nay, Chính phủ có ý kiến bổ sung quy định mang tính áp dụng tương tự, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định theo trưng cầu của cơ quan Thanh tra.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định trên không phù hợp với nội dung điều luật và phạm vi điều chỉnh của Luật mà nên quy định trình tự, thủ tục thực hiện giám định tại các điều khoản liên quan khác. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban, Cục sẽ nghiên cứu chỉnh lý theo hướng tách riêng quy định này thành một điều khoản mang tính nguyên tắc về đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc yêu cầu tổ chức GĐTP thực hiện việc giám định (không phải là GĐTP) trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề cần bổ sung.
Nhắc lại quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật, Bộ trưởng khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung chỉ nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn công tác GĐTP, đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Đi vào các vấn đề cụ thể, Bộ trưởng nêu lên nhiều chỉ đạo cụ thể về phạm vi trưng cầu giám định, về trưng cầu giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, về thời hạn giám định…
Riêng vấn đề thẩm quyền của cơ quan Kiểm toán thì Bộ trưởng yêu cầu đơn vị chuyên môn làm việc, trao đổi thống nhất với Kiểm toán Nhà nước, rà soát xác định rõ phạm vi thẩm quyền phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Còn đối với trưng cầu giám định của cơ quan Thanh tra, Bộ trưởng nhấn mạnh điểm quan trọng rằng kết luận giám định trong trường hợp này không phải là kết luận GĐTP.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/tu-phap/khong-nen-bo-sung-quyen-trung-cau-giam-dinh-cho-kiem-toan-nha-nuoc-471415.html