Khởi tố nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM và 12 bị can

Trong số 13 bị can vừa bị khởi tố, có nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM – ông Phạm Văn Thông.

Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến ông Tề Trí Dũng, SN 1981, nguyên Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC; Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn -Sadeco và bà Hồ Thị Thanh Phúc, SN 1977, nguyên Tổng Giám đốc Sadeco, cơ quan điều tra Công an TP.HCM tiếp tục khởi tố thêm 13 bị can.

13 bị can bị khởi tố liên quan đến sai phạm tại IPC và Sadeco

Ngày 21/11, phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 13 bị can, gồm: Ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM; Lê Hoàng Minh, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty IPC.

Bị can Vũ Xuân Đức, đảng ủy viên, thành viên chuyên trách hội đồng thành viên IPC; Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc IPC; Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC; Nguyễn Trường Bảo Khánh, thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên Công ty; Phùng Đức Trí, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó tổng giám đốc IPC; Lương Trí Cường, chuyên viên tài chính- kế hoạch IPC.

Đoàn Thị Minh Trang (trưởng phòng tài chính IPC; Trần Mạnh Khôi, nguyên Trưởng ban kiểm soát Công ty Sadeco); Lâm Văn Tuấn, cán bộ Trung tâm cung ứng dịch vụ tổng hợp TP, công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong); Huỳnh Phước Long, nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT công ty Sadeco) và Đoàn Minh Lý.

Tất cả 13 bị can đều bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó, nhóm bị can gồm Phạm Xuân Trung, Trần Mạnh Khôi và Đoàn Minh Lý bị bắt giam, các bị can còn lại được tại ngoại.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với bị can Huỳnh Phước Long - nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT công ty Sadeco.

Trước đó, ông Huỳnh Phước Long bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, nhưng được cho tại ngoại.

13 bị can này được xác định có vai trò liên quan với vụ ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc - nguyên Tổng Giám đốc công ty SADECO vi phạm pháp luật trong việc quản lý vốn Nhà nước tại công ty IPC và SADECO.

Ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc - những bị can đóng vai trò cầm đầu trong các sai phạm tại IPC và Sadeco.

Vào những năm đầu của thập niên 1990, Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu đô thị mới Nam TP (khu đô thị mới quy mô lớn đầu tiên của TP.HCM).

Để triển khai quy hoạch, UBND TP thành lập Sadeco. Sau đó, Sadeco trở thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ khoảng 170 tỷ đồng vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco chiếm khoảng 74%.

Mang trong mình “sứ mệnh đặc biệt”, Sadeco ngày càng phát triển, với quỹ đất ngày càng lớn rải khắp thành phố, trong đó có nhiều bất động sản tại các vị trí đắc địa.

Nhờ kinh doanh lãi lớn, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sadeco là hơn 153 tỷ đồng (trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỷ đồng). Đến năm 2017, doanh thu của công ty này đã tăng lên hơn 265 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 111 tỷ đồng.

Nhưng vào thời điểm làm ăn thịnh vượng nhất, cũng là lúc những sai phạm phát sinh, tài sản Nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân thâu tóm khiến tài sản của nhà nước thất thoát, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, những sai phạm này thuộc trách nhiệm của ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc và nhiều lãnh đạo chủ chốt tại IPC, Sadeco…

IPC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, góp vốn và nắm quyền chi phối tại Sadeco với tỉ lệ 74,8%.

Sau thương vụ IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phiếu tại Sadeco vào năm 2015, tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco còn 44%. Giai đoạn này, Sadeco đang hoạt động kinh doanh hiệu quả, tỷ lệ phân chia cổ tức có thời điểm lên đến 40%.

Cũng trong năm 2015, trong đề án tái cơ cấu, UBND TP.HCM yêu cầu IPC không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn.

Tuy nhiên, IPC đã không thực hiện yêu cầu, giảm tỉ lệ sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống chỉ còn 28,8% thông qua phát hành cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.

Cụ thể, ngày 10/11/2016, công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco và sau đó được dàn lãnh đạo IPC biểu quyết thông qua với tỷ lệ 100%.

Ngày 19/10/2017, công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng là số tiền mà công ty này mua cổ phiếu của Sadeco. Tuy nhiên, số tiền này không được dùng để tăng vốn điều lệ, mà Sadeco đã gửi vào ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng để lấy lãi.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,5%). Trong khi cổ đông chiến lược của Sadeco là công ty Nguyễn Kim chiếm hơn 54% vốn điều lệ.

Trụ sở IPC tại quận 7, TP.HCM.

Phát hiện sai phạm trên và hàng hoạt sai phạm khác tại IPC, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn diện IPC và các doanh nghiệp con, liên doanh, liên kết và những doanh nghiệp có vốn góp của IPC.

Theo Thanh tra TP, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng của Nhà nước.

Số tiền thiệt hại này, theo Thanh tra TP là tiền chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu, còn nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.

Cũng theo kết luận thanh tra, IPC có sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng văn phòng IPC, cho 81 đơn vị thuê 1 phần của tòa nhà, thu về 295 tỷ đồng (chỉ tính 7 năm gần đây).

Ngoài ra, công ty làm ăn có lãi nhưng lại đi vay vốn ngân hàng để nộp cho ngân sách, làm phát sinh lãi vay 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, IPC còn sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài (đi công tác, đi việc riêng) của người lao động theo phạm vi quản lý của công ty.

Các sai phạm, thiếu sót trên thuộc trách nhiệm chính của HĐTV, chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc IPC được phân công phụ trách lĩnh vực và công việc có liên quan, kiểm soát viên, kế toán trưởng, nhóm đại diện vốn Nhà nước tại IPC…

Liên quan đến các sai phạm tại Sadeco và IPC, trong các ngày 14 và 15/5/2019, cơ quan CSĐT quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng, bà Hồ Thị Thanh Phúc để điều tra về các tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Mở rộng điều tra vụ án liên quan đến ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc, cơ quan điều tra Công an TP.HCM tiếp tục khởi tố thêm 13 bị can nói trên.

Nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM sai phạm nghiêm trọng

Trong số 12 bị can bị khới tố lần này, có ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM. Ông Thông khi đó được phân công giúp Chánh văn phòng Thành ủy chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp của Đảng bộ TP, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; vi phạm quy chế làm việc, quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại doanh nghiệp thuộc sở hữu của Đảng bộ TP và vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản, quản lý doanh nghiệp trong việc tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư - xây dựng Tân Thuận thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè).

Nguyên Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM Phạm Văn Thông. (Ảnh: Ngọc Lê)

Điều tra ban đầu cũng xác định, ông Thông còn ký chấp thuận chủ trương cho IPC thực hiện hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng 45% vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất tại Dự án Khu dân cư ven sông, thuộc phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM; Tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng – Kinh doanh nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư, chuyển nhượng dự án Khu nhà ở phường An Phú, quận 2; Tham mưu, đề xuất chấp thuận chủ trương cho nhóm người đại diện vốn của Thành ủy biểu quyết việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ tại công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn không đúng quy định.

Trước đó, vào 6/7/2018, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM quyết định thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy và đề nghị cho thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (SaigonBank).

Tiếp đến, tháng 3/2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quyết định cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Phạm Văn Thông, nguyên Phó chánh Văn phòng Thành ủy, nguyên Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ông Thông đã có những khuyết điểm, vi phạm trong thời gian giữ chức vụ Phó chánh Văn phòng Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Đến nay, PC03 khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với bị can Phạm Văn Thông để điều tra, làm rõ sai phạm.

Cùng liên quan tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, hồi tháng 6/2020, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã khởi tố 3 bị can gồm Trần Công Thiện, nguyên tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Huỳnh Phước Long, nguyên thành viên hội đồng quản trị Công ty SADECO và Đỗ Công Hiệp, nguyên kế toán trưởng Sadeco.

Như vậy, tính đến thời điểm này, liên quan 2 bị can Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm tổng cộng 16 bị can để điều tra các sai phạm liên quan.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/khoi-to-nguyen-pho-chanh-van-phong-thanh-uy-tp-hcm-va-12-bi-can-a497323.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin