Các chỉ số đánh giá sự giàu có của một quốc gia có thể khác nhau giữa các bảng xếp hạng do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, các tiêu chí này thường bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GDP bình quân đầu người hoặc tổng thu nhập quốc dân (GNI). Theo bảng xếp hạng năm 2022 của Global Finance công bố hồi tháng 8 năm 2022, vị trí số 1 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu nhất thế giới tính theo GDP đầu người là cái tên có thể xa lạ với nhiều người - Luxembourg. Singapore, Ireland, Qatar, Macao và Thuỵ Sĩ là những cái tên xếp phía sau quán quân. Đặc biệt là sự giàu có với nền kinh tế nhiều điều thú vị của Qatar - nước chủ nhà đăng cai World Cup 2022.
Luxembourg: Trung tâm tài chính và kinh doanh lớn của thế giới, nước giàu nhất năm 2022
Nằm ở Tây Âu, Luxembourg là một quốc gia nhỏ không giáp biển mà giáp với Bỉ, Pháp và Đức. Với dân số 642.371, Luxembourg là Đại công quốc duy nhất trên thế giới. Luxembourg theo chế độ quân chủ: Luxembourg là một trong những quốc gia tại châu Âu vẫn tồn tại chế độ quân chủ lập hiến. Nguyên thủ quốc gia hiện tại là Đại Công tước Henri. Tỷ lệ người dân ủng hộ hoàng gia ở Luxembourg luôn ở mức cao.
GDP của đất nước tí hon này là 140.694 USD (khoảng 3,5 tỷ đồng). Luxembourg có GDP đầu người khoảng 3,5 tỷ/năm và là trung tâm tài chính châu Âu nhưng ít người biết đến. Đây là những con số đã khiến Luxembourg trở thành quốc gia giàu nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ hơn 5% và tuổi thọ trung bình là 82 tuổi. Chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và giao thông công cộng đều miễn phí cho mọi công dân.
Với sự giàu có của Luxembourg, không có gì ngạc nhiên khi đây là quốc gia có mức lương tối thiểu cao nhất toàn châu Âu. Mức lương tối thiểu hàng tháng là con số khổng lồ: 2.141,99 euro (khoảng 52,4 triệu đồng).
Luxembourg là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và áp dụng trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững của các công ty nước ngoài.
Chỉnh phủ Luxembourg hoạt động ổn định và hiệu quả. Đất nước này cũng đang "tận hưởng" sự ổn định về chính trị và kinh tế cũng như mức sống cao. Không chỉ vậy, Luxembourg thực sự là một điểm đến đáng trải nghiệm với những vẻ đẹp cổ kính và đậm chất hoàng gia.
Luxembourg là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu và hơn 150 ngân hàng khác. Tập đoàn RTL (Radio Télévision Luxembourg) của Luxembourg là công ty sản xuất, phát thanh và truyền hình lớn nhất Châu Âu, sở hữu 54 kênh truyền hình và 29 đài phát thanh trên toàn thế giới. Tập đoàn Amazon và Skype đều đặt trụ sở chính ở vương quốc tí hon này.
Theo phân tích của New Financial về mức độ quốc tế hoá của các trung tâm tài chính khác nhau, Luxembourg được xếp hạng là trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất trên thế giới với hoạt động quốc tế chiếm đến 60%. Theo New Financial, Luxembourg còn là trung tâm đầu tư lớn thứ hai thế giới. Đây cũng là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ hai trong lĩnh vực tài chính và là nước xuất khẩu dịch vụ tài chính xếp thứ ba toàn cầu.
Với lợi thế dân số ít, hệ thống chính trị và kinh tế ổn định, hệ thống quy định về thuế được đánh giá là rất dễ chịu, hệ thống ngân hàng bảo đảm tính bảo mật cao... đã giúp quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia. Với 3,7 nghìn tỷ USD tài sản dưới quyền quản lý của ngân hàng và các định chế khác, Luxembourg chỉ kém cạnh Mỹ trong việc hút vốn đầu tư quốc tế.
Hình ảnh vệ tinh SES-14 của Luxembourg được phóng lên không gian tháng 1-2018.
Hiện nay, Chính phủ Luxembourg đang đầu tư vào một dự án thám hiểm Mặt Trăng với tổng số tiền lên tới 80 triệu euro.
Từ một "thiên đường thuế", giờ đây Luxembourg đang trở thành một "thiên đường không gian" nhờ vào sự linh hoạt của các loại thuế ưu đãi cho các công ty nước ngoài.
Không chỉ được biết tới là một trung tâm kinh tế lớn của Châu Âu, Luxembourg còn hấp dẫn du khách bởi hàng loạt những điểm đến du lịch hấp dẫn và nhiều những cánh rừng bạt ngàn và lâu đài có từ thời Trung cổ. Mặc dù là một nước nhỏ ở khu vực châu Âu, Luxembourg tỏ ra không hề kém cạnh với những người láng giềng như Pháp, Đức. Ngược lại, nhịp sống ở nơi đây vừa năng động, lịch lãm lại bình yên một cách kì diệu. Điều làm nên sự năng động đặc trưng của Luxembourg có lẽ là sự đa văn hóa. Nếu đã từng đến Luxembourg du lịch có lẽ đã nghe được rất nhiều ngôn ngữ khác nhau trên cùng một khu phố: từ Anh, Ý, Pháp đến Đức, Tây Ban Nha. Bởi lẽ ở đây có đến 40% dân số là người nhập cư, chủ yếu là người nước ngoài đến đây làm việc và sinh sống, tạo nên môi trường đa văn hóa, không hề kém cạnh New York sôi động và tấp nập.
Du khách tới thăm Luxembourg thì chắc chắn sẽ bị choáng ngợp vì ở đây quá nhiều lâu đài, cung điện. Một số lâu đài nổi tiếng bạn không nên bỏ qua nếu có dịp ghé thăm bao gồm: Lâu đài Vianden, Lâu đài Bourscheid, Lâu đài Ansembourg, Lâu đài Beaufort, Lâu đài Esch-sur-Sûre, Lâu đài Larochette, Lâu đài Walferdange. Kiến trúc các cung điện hầu hết đều theo lối Trung cổ, vô cùng cổ kính, uy nghi và mang đậm giá trị của lịch sử lâu đời.
Phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Luxembourg là tàu điện. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp phương tiện giao thông công cộng miễn phí cho cả nước, bao gồm xe lửa, tàu điện và xe buýt. Khi du khách đến thăm Luxembourg, việc đi lại rất đơn giản và giá cả phải chăng. Thế nhưng vì đời sống người dân quá giàu có, không phải ai cũng thích dùng phương tiện công cộng ngay cả khi được miễn phí. Luxembourg có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất thế giới, trung bình cứ 1.000 dân thì có 647 người sở hữu ô tô.
Những điểm thú vị về nền kinh tế Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022
Sau quán quân Luxembourg - giàu nhất thế giới năm 2022 là Singapore, Ireland, Qatar, Macao và Thuỵ Sĩ. Đặc biệt là sự giàu có với nền kinh tế nhiều điều thú vị của Qatar - nước chủ nhà đăng cai World Cup 2022.
Qatar nằm ở phía đông bán đảo Ả Rập. Đất nước này chỉ có duy nhất đường biên giới ở đất liền với Saudi Arabia ở phía nam, 3 mặt còn lại đều được bao bọc bởi vịnh Ba Tư. Đây là một bán đảo nhỏ, với diện tích khoảng 11.500km2, dân số dưới 3 triệu người trong đó khoảng 10-15% là người Qatar, còn lại là người ngoại quốc. Mặc dù có diện tích nhỏ và dân số ít ỏi, Qatar lại có ảnh hưởng lớn trên trường thế giới với vị thế là một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất toàn cầu.
Qatar, quốc gia nhỏ bé với số dân chưa đến 3 triệu người, trở nên giàu có nhờ dầu mỏ và khí đốt (Ảnh: GF)
Một sự thật thú vị về Qatar là quốc gia này đã được xếp hạng là quốc gia an toàn nhất thế giới lần thứ ba vào năm 2020. Trước đó, Qatar nhận được giải thưởng này vào năm 2017 và một lần nữa vào năm 2019. Xếp hạng trên được đánh giá dựa theo Chỉ số tội phạm Numbeo, và Qatar có điểm thấp nhất trên toàn cầu. Đó là một trong những lý do chính tại sao rất nhiều khách du lịch và người nước ngoài bị thu hút đến Qatar.
Trước khi các mỏ dầu khí được phát hiện, Qatar là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc mò ngọc trai, đánh cá và buôn bán. Dầu được phát hiện lần đầu tiên tại mỏ Dukhan vào năm 1940. Mặc dù việc thăm dò và phát triển thêm đã bị trì hoãn do Chiến tranh thế giới II, nhưng khám phá này là bước đầu tiên trong việc chuyển đổi nền kinh tế của Qatar.
Sau khi các mỏ dầu được khai thác, thu nhập bình quân đầu người của Qatar đạt mức cao nhất thế giới, tăng từ 2.755 USD vào năm 1970 lên 85.000 USD vào giữa những năm 2010. Sau đó, GDP bình quân đầu người đã giảm xuống còn 50.000 USD vào năm 2020.
Mỏ dầu North Field ngoài khơi, được khai thác lần đầu tiên vào năm 1971, tuy không phải là mỏ khí đốt đầu tiên được phát hiện ở Qatar, nhưng là một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới. Trải dài trên một khu vực gần tương đương với diện tích của Qatar, mỏ dầu này ước tính chiếm khoảng 10% trữ lượng của thế giới.
Qatar tích cực theo đuổi chiến lược phát triển trữ lượng khí đốt tự nhiên của mình thông qua các dự án chung với các công ty dầu khí quốc tế lớn, tập trung vào North Field. Hiện, Qatar tự hào có trữ lượng khí đốt tự nhiên đạt khoảng 891.000 tỷ feet khối và sản xuất 16,5 tỷ feet khối/ngày, đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau Nga và Iran.
Ngày nay, chiến lược tập trung vào khí đốt tự nhiên tiếp tục mang lại hiệu quả: Qatargas vận hành 14 đoàn tàu LNG và một đội gồm 25 tàu chở dầu, được sử dụng để xuất khẩu khoảng 70% cho cơ sở khách hàng của hơn 25 quốc gia dưới sự bảo trợ của Qatargas.
Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tăng 2/3 trong nửa đầu năm lên 32 tỷ USD, theo truyền thông nhà nước - một vận may trời cho cho thấy sự giàu có của quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé khi nước này chuẩn bị tổ chức World Cup 2022.
Trong thập kỷ tới, Qatar tạm dừng các hoạt động phát triển mới ở North Field trong khi nước này hoàn thành các dự án hiện có. Đồng thời, nước này sẽ tập trung vào việc trở thành một trong những nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nhất thế giới.
Kể từ đầu thế kỷ này, Qatar đã giành được nhiều chiến thắng về quyền lực mềm, bao gồm đăng cai Đại hội thể thao châu Á 2006, giành quyền đăng cai World Cup 2022 và đóng vai trò trung gian hòa giải trong các tranh chấp cấp cao. Một yếu tố góp phần làm nên thành công này của Qatar là nhờ vào việc tận dụng thành quả kinh tế.
Ở trong nước, khối tài sản khổng lồ được sử dụng rất hiệu quả. Với sự giàu có và phát triển của nền kinh tế, Qatar được phép tổ chức nhiều sự kiện quốc tế có uy tín. Điều đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ các sự kiện này không gặp bất kỳ khó khăn trở ngại nghiêm trọng về tài chính hoặc phản ứng dữ dội từ người dân. Ngược lại, những sự kiện như vậy thu hút sự chú ý của quốc tế và mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Qatar.
Một phần khác của chiến lược này là sự hỗ trợ của Qatar Airways thuộc sở hữu nhà nước, chuyên đưa khách du lịch quốc tế qua trung tâm của họ ở Doha nhằm tăng cường khả năng hiển thị của Qatar.
Qatar đã tận dụng quỹ tài sản có chủ quyền của mình, Cơ quan đầu tư Qatar (QIA), để nâng cao vị thế. Nước này tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế của mình theo cách để duy trì thành công kinh tế và ổn định chính trị xã hội mà không chỉ dựa vào xuất khẩu LNG. QIA cũng đã thực hiện các khoản đầu tư lớn bao gồm các câu lạc bộ bóng đá, ngân hàng và thị trường xe hơi châu Âu, thúc đẩy thương hiệu của đất nước.
Chính phủ Qatar liên tục tìm cách đa dạng hóa tăng trưởng kinh tế và một trong những cách đó là tổ chức các sự kiện và hội nghị quốc tế. World Cup 2022 là một trong những sự kiện toàn cầu quan trọng có tác động đến nền kinh tế của quốc gia đăng cai.
Người ta ước tính rằng Qatar chi 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng để tổ chức World Cup. Một số khác ước tính con số này có thể lên tới gần 300 tỷ USD.
Qatar chưa bao giờ lọt vào chung kết World Cup trong lịch sử. Vậy tại sao quốc gia này lại muốn đăng cai làm chủ nhà? Đó là một phần vì danh tiếng. Qatar sẽ là quốc gia Ả Rập đầu tiên đăng cai tổ chức World Cup. World Cup dự kiến sẽ thu hút 1,5 triệu du khách đến Qatar, tương đương hơn một nửa số dân của nước này.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Qatar dự kiến sẽ tăng trưởng 3% trong trung hạn, nhờ các khoản đầu tư liên tục liên quan đến việc tổ chức cúp bóng đá thế giới. Nước chủ nhà sẽ có thể sản xuất nhiều hơn và tăng GDP, điều đó có nghĩa là tiêu dùng, đầu tư, mua hàng của chính phủ và xuất khẩu ròng cũng tăng. Mức tiêu thụ trung bình cũng tăng vì sẽ có nhiều khách du lịch tham dự sự kiện thể thao lớn bậc nhất hành tinh. Khi số lượng khách du lịch nhiều lên, người ta sẽ nhận thấy rằng số lượng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ tăng tương ứng. Ngoài ra, các khoản đầu tư vào Qatar được dự báo cao lên.
Chính quyền Qatar dự đoán đóng góp cho nền kinh tế quốc gia khoảng 20 tỷ USD và tạo 1,5 triệu việc làm mới trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và khách sạn. Lao động nước ngoài chiếm 9 trong 10 công việc đã có ở Qatar, vì vậy phần lớn công việc được tạo ra sẽ dành cho lao động nước ngoài từ khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA), Nam Á và Đông Nam Á.