Khai mạc Phiên họp thứ 27: UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng

Sau Lễ khai mạc phiên họp thứ 27 diễn ra vào sáng nay (10/9), Ủy Ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến lần 3 về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên khai mạc)

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng nay (10/9). Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra tới hết ngày 20/9.

Cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Trong đó có 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật trình Quốc hội lần đầu, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Thứ hai, cho ý kiến về các báo cáo: Công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước năm 2018; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; việc thực hiện nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn kể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 4, các kết luận của UBTVQH về chất vấn tại các phiên họp; việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.

Thứ ba, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các nội dung: Chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Thảo luận, cho ý kiến về 2 đề án, gồm: Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và đề án Thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Thứ tư, xem xét phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017; phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; việc bổ sung kinh phí mua hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp năm 2017.

Thứ năm, xem xét, quyết định thành lập: Phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên; thành lập thành phố Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang; tòa án quân sự khu vực, tòa án quân sự quân khu và tương đương; biên chế, số lượng thẩm phán của tòa án quân sự các cấp; việc bổ sung số lượng thẩm phán sơ cấp cho tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.

Nhấn mạnh, dự kiến chương trình chi tiết của phiên họp đã được gửi đến các thành viên UBTVQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thành viên UBTVQH sắp xếp kế hoạch công tác cho phù hợp để tham dự phiên họp đầy đủ, nghiên cứu kỹ tài liệu, thảo luận sâu các nội dung; các cơ quan hữu quan dự họp đúng thành phần.

2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi))

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ngay sau kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp (UBTP) đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án, các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

UBTP đã có các báo cáo trình UBTVQH tại phiên họp thứ 25 và 26 xin ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được UBTVQH cho ý kiến thống nhất.

Riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH giao cho Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để xây dựng 2 phương án gồm: Thu hồi thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án (phương án 1) và thu thuế thu nhập cá nhân (phương án 2) bảo đảm có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền và xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 7/9/2018 trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu.

Về phương án 1 (xem xét, giải quyết tại tòa án): Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình. Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của các phương án này là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Đồng thời, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Về phương án 2 (thu thuế thu nhập cá nhân): nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Ưu điểm của phương án này là: thể hiện thái độ rõ ràng của Nhà nước khi xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc bằng công cụ kinh tế (thuế) nên thời gian xử lý ngắn hơn, hạn chế được tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là: chưa thể hiện được thái độ thật nghiêm khắc của Nhà nước trong xử lý tài sản, thu nhập có dấu hiệu không minh bạch trong PCTN, có thể dẫn đến việc trùng lặp trong thu thuế hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội trốn thuế. Phương án này chưa bảo đảm đầy đủ quyền được bảo vệ tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua thủ tục tố tụng tư pháp có tranh tụng công khai tại Tòa án…

Sau khi cân nhắc kỹ các ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTP và Cơ quan trình dự án đề nghị lựa chọn phương án 1 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục xem xét, giải quyết tại Tòa án) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các phương án khác.

Băn khoăn tính khả thi

Tại Phiên họp, quan điểm của các Ủy viên UBTVQH vẫn còn khác nhau. Đồng tình với phương án 1, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, đây là phương án hay và cử tri sẽ hoan nghênh. Tuy nhiên, Tổng Thư ký cũng bày tỏ băn khoăn vì tính khả thi của phương án này. Liệu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thực hiện được không? Bởi thực tế, trước các kỳ đại hội, các cuộc bầu cử, đơn thư tố cáo liên quan đến vấn đề tài sản, thu nhập của những người thuộc diện ứng cử, bầu cử… rất nhiều. Trong khi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập hoạt động kiêm nhiệm thì có xử lý được không?

Một lý do khác khiến phương án này khó khả thi, theo Tổng thư ký QH là với người Việt Nam, “cái tình, cái lý khó nói ranh giới lắm”. Cấp dưới chuyển tòa án để xử lý cấp trên thì rất khó chứ không dễ.

Từ thực tế nêu trên, Tổng Thư ký QH đề xuất, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập này nên được tổ chức độc lập và chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng là Tổng cục trưởng trở lên, còn từ Tổng cục phó trở xuống thì giao cho các cơ quan thực hiện như hiện nay.

Ở một góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, để xử lý vấn đề này, cần trở lại gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Khi có quy định về kê khai tài sản, thu nhập thì chúng ta căn cứ vào đó, nếu có vi phạm thì xử lý. Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, Luật này là phòng và chống tham nhũng. Vì vậy, trong Luật này, “phòng” cần làm nổi bật hơn. Cũng theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, với tài sản, thu nhập không chứng minh nguồn gốc hợp lý thì chuyển sang cơ quan thuế. Yêu cầu nộp thuế 1 lần mức nộp là 35%, rồi phạt thêm 3 lần nữa là thêm 115% nữa, như vậy tổng là 145%, nhân với số ngày chậm nộp nữa, nhân với số tiền nộp chậm, nhân với 0,5% nữa. Vi phạm thì cứ theo quy định của Luật Thuế mà xử lý. Nếu làm nghiêm như thế có khi thu vượt quá số tài sản mà “anh” không kê khai. “Chúng ta cứ làm thế thì vừa chắc chắn, vừa nhẹ nhàng. Quy định sang tòa, sang viện thì phức tạp ra. Quan điểm của tôi là xử lý tài sản này theo phương án dùng Thuế thu nhập cá nhân, không phải sửa gì nữa”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đối với tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật chưa có quy định nào để xử lý. Với tài sản này, không loại trừ có nguồn gốc bất hợp pháp. Chính vì thế, cần có quy định để xử lý vấn đề này. Việc xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung, phù hợp với lòng dân. Cũng theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, người dân không quan tâm đến người đó bị phạt bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết là vụ án tham nhũng đó đã thu hồi được chưa và thu hồi được bao nhiêu.

Hiện có 2 phương án, mỗi phương án có ưu có khuyết điểm riêng. Với phương án giải quyết tại Tòa án, đa số các thành viên đồng ý. Đây cũng là kinh nghiệm quốc tế một số nước đã làm. Nếu thu thuế mà có tranh chấp thì ra tòa xử lý. Sau khi cân nhắc ưu điểm, nhược điểm từng phương án, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, UBTVQH sẽ báo cáo Bộ Chính trị hai phương án: phương án xem xét, quyết định tại tòa và phương án thu thuế thu nhập cá nhân…

Theo Ngọc Mai (congly.vn)

Nguồn bài viết: https://congly.vn/thoi-su/khai-mac-phien-hop-thu-27-ubtvqh-cho-y-kien-ve-du-an-luat-phong-chong-tham-nhung-267362.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin