Có một số lãnh đạo doanh nghiệp nhận lương hàng tỷ đồng/năm không kê khai cũng không ai biết.
Sẽ khởi kiện chủ tài sản bất minh
Tham gia góp ý cho Luật phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương nhận định một số chủ trương, định hướng của Đảng về minh bạch, tài sản, thu nhập còn chậm được thể chế hoá; chính sách, pháp luật về kê khai, kiểm soát và xử lý vi phạm về kê khai tài sản còn nặng tính hình thức, chồng chéo và tính khả thi chưa cao.
[caption id="attachment_149340" align="aligncenter" width="410"]
Cơ quan điều tra phát hiện Giang Kim Đạt trong vụ án tại Vinashin nhờ nhiều người thân đứng tên tài sản tham nhũng[/caption]
Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Nhiều khoản như chi phí sinh hoạt, học tập ở nước ngoài cũng như các khoản hiến, tặng, cho đối với những người phải kê khai là không kiểm soát được. Nhiều trường hợp tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức được chuyển dịch sang con cái đã thành niên (không thuộc đối tượng kê khai) để tránh kiểm soát.
"Thời gian qua, có một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích nhận lương hàng tỷ đồng/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập không phát hiện được", Ban Nội chính Trung ương đánh giá.
Theo đó, Ban Nội chính Trung ương đề nghị làm rõ nguyên nhân cơ bản của hạn chế trong việc quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập.
Đối với quy định xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý thì truy thu thuế phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu…, Ban Nội chính Trung ương lưu ý, cần chỉ rõ căn cứ khi nào thì áp dụng biện pháp truy thu thuế, khi nào khởi kiện dân sự.
Tham nhũng trốn trong tài sản bất minh
Liên quan tới câu chuyện chống tham nhũng, LS Nguyễn Công Hùng nguyên Thẩm phán TAND Tối cao đã có nguyên một bài viết bhnh luận về vấn đề này.
Theo ông Hùng, để trả lời được câu hỏi "tham nhũng trốn ở nơi nào" chỉ cần phân tích từ cơ sở thực tiễn.
"Thứ nhất, tham nhũng có ở khắp nơi, trong mọi ngõ ngách cuộc sống và trở thành thói quen được “một bộ phận không nhỏ nhân dân” chấp nhận như chấp nhận sống chung với lũ.
Ví dụ, ra đường gặp CSGT là đưa tiền, đến viện gặp bác sĩ là phong bì...
Thứ hai, đội ngũ công chức là những người có quyền nhân danh Nhà nước để ban hành các quyết định hoặc thực hiện các hành vi quản lý xã hội.
Tuy nhiên, không hiếm trường hợp năng lực, phẩm chất của họ không đáp ứng nhưng do họ có “thế” và “lực” nên họ được cất nhắc, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng, tạo cơ hội cho họ sử dụng quyền lực để trục lợi, đi ngược với lợi ích của nhân dân.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về chống tham nhũng cần khắc phục ngay hình thức trong việc kê khai tài sản của cán bộ chủ chốt.
Tình trạng lợi dụng vị thế của người thân giữ quyền lực trong bộ máy nhà nước để trục lợi khá phổ biến nhưng vẫn không có thuốc đặc trị.
Các quy định của pháp luật về kê khai tài sản hiện nay không quy định việc kê khai tài sản người thân của người có chức vụ quan trọng.
Điều này đã tạo ra một vùng trống khổng lồ cho người thân (vợ, con và cháu) của người có quyền lực, từ đó họ thỏa sức nhận hoặc tạo lập tài sản từ người có quyền lực (cha hoặc người thân của họ) mang lại.
Đồng thời kéo theo tình trạng không thể kiểm soát được việc kê khai hoặc xử lý được tài sản của người có quyền lực một cách thực sự".
Ông Hùng cho biết, ở nước ngoài, nếu không chứng minh được nguồn gốc của tài sản bất minh thì tài sản ấy sẽ bị tịch thu và tùy trường hợp, quan chức ấy sẽ bị xử lý tương xứng. Mà dù không bị xử tù thì sự nghiệp chính trị của người đó coi như đặt dấu chấm hết.
Theo Báo Dâtviet