Hơn 1.300 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết 4 tháng đầu năm có 199 vụ, với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Chiều tối 5-5, bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho hay thời qian qua có 150 nghìn người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó nhập cảnh qua đường bộ khoảng 110 nghìn, nhập cảnh qua đường hàng không khoảng 40 nghìn người.

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an

“Số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam rất đông, bao gồm các chuyên gia, người Việt Nam trở về”- ông Tô Ân Xô nói.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Công an, theo báo cáo của công an 39/63 tỉnh, từ đầu năm đến nay có 199 vụ, với 1.343 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Công an đã xử lý, khởi tố 49 vụ với 141 đối tượng.

Ông Tô Ân Xô cho rằng trách nhiệm để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trước tiên thuộc về lực lượng bảo vệ biên giới. Tiếp đó là trách nhiệm của các đơn vị chức năng, cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, theo ông, để ngăn chặn quyết liệt việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì người nhập cảnh trái pháp vào Việt Nam vi phạm chủ quyền của Việt Nam; mang mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh rất lớn; ảnh hưởng đến công ăn, việc làm của người Việt…

“Vấn đề này đã được xử lý bằng rất nhiều biện pháp. Mới đây nhất, ngày hôm qua (4-5), Bộ trưởng Bộ Công an đã ra công lệnh về tổng rà soát, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc đối để phát hiện người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ví dụ như kiểm tra các nhà nghỉ, khách sạn, nơi lưu trú…”- ông Tô Ân Xô cho biết.

Cạnh đó, lực lượng biên phòng tăng cường kiểm tra khu vực biên giới. Lực lượng công an truy vết, sớm khởi tố và khởi tố kiên quyết đối với người nhập cảnh trái phép, người môi giới… “Người nhập cảnh trái phép nếu không bị COVID sẽ bị đưa trở lại nơi xuất phát”- người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh.

Đáng chú ý, những nhà nghỉ không thực hiện đúng quy chế có thể rút giấy phép hoạt động, xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị áp dụng các biện pháp hình sự.

Ông Xô cũng đánh giá việc qua lại biên giới đường bộ hiện “rất dễ dàng” và việc khoá chặt biên giới là điều rất khó khăn.

“Chúng ta thực hiện tổng rà soát, các nơi báo cáo, từ đó xác định được phương thức, thủ đoạn thế nào để chăn chặn. Phải biết các lỗ hở, từ đó mới có thể bịt lại được”- ông Tô Ân Xô cho biết.

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/hon-1300-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-vao-viet-nam-982999.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin