(Pháp lý) - Ngày 30/10/2020 tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên ( thuộc Hội Luật gia VN) đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Bảo vệ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục”.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện lãnh đạo Ban Chính sách – Luật pháp Hội LHPNVN, Hội LHPN TP. Hà Nội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao và lãnh đạo Hội luật gia của thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hòa Bình và Quảng Bình… và nhiều Luật sư .
Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận về hiện trạng, nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị bạo hành và xâm hại tình dục trong giai đoạn hiện nay, từ đó kiến nghị các giải pháp để bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Gia tăng các vụ bạo hành xâm hại tình dục trẻ em
Tại hội thảo, bà Trần Thị Lịch-Thẩm tra viên chính Vụ pháp chế và quản lý khoa học TAND Tối cao cho biết, theo số liệu thống kê do Unicef tổng kết thì ở Việt Nam 68,4% trẻ em từng bị cha, mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, sếp thứ 27 trên 75 quốc gia, bình quân mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 ngàn trẻ em bị bạo hành.
Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cho thấy số vụ trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục không có dấu hiện giảm trong những năm qua, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, năm 2018, số liệu đã thống kê được có hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ, trong đó gần 1.300 trẻ bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, có tới 1.400 trẻ em bị xâm hại.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Đoàn-nguyên Thẩm phán, Phó chánh toà phúc thẩm TAND Tối cao, cung cấp số liệu thống kê của bộ Công an cho thấy, riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, số vụ hiếp dâm người dứoi 16 tuổi tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 61% tổng số vụ hiếp dâm, gây bức xúc lớn trong xã hội.
Theo bà Lịch, con số trên chỉ là số vụ được thống kê, trên thực tế số vụ còn cao hơn do chưa bị phát hiện. Bởi, những nơi an toàn lại chính là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao như ngay tại nhà, nhà trường, thậm chí nhà chùa. Đối tượng xâm hại trẻ thường là người quen thân như: bố mẹ kế, thầy cô giáo, người có địa vị…nên người xung quanh không đề phòng, bản thân trẻ nhỏ không dám lên tiếng.
Không chỉ dừng lại ở số vụ gia tăng, tính chất nghiêm trọng của nhiều vụ bạo hành được báo chí đăng tải cũng gia tăng. Mới đây, dư luận bàng hoàng, bức xúc vụ bé gái ở Đông Anh bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành đến chết. Khi Tòa án đưa ra xét xử, chính bà ngoại phải đứng ra đề nghị xử con gái khung hình phạt cao nhất.
Bảo vệ chứng cứ: mấu chốt quan trọng khi trẻ em bị xâm hại tình dục
Bà Lê Thị Kim Oanh - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ an ninh - Viện KSND Tối cao cho biết, phụ huynh cần trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ em tự bảo vệ. Đặc biệt, thường xuyên quan tâm, tâm sự để các cháu nhỏ dũng cảm nói ra khi bị xâm hại.
Trong khi đó kỹ năng xử lý của phụ huynh khi trẻ báo về việc xâm hại tình dục là rất quan trọng. Cụ thể, người nhà cần thu thập chứng cứ về vụ việc trước khi loan thông tin ra ngoài vì vụ việc vỡ lở , thủ phạm sẽ tìm cách che dấu, tiêu hủy bằng chứng phạm tội.
Bên cạnh đó, điều đơn giản nhưng rất quan trọng đó là, phụ huynh không được tắm cho con. Việc tắm rửa, giặt đồ của con sẽ làm mất chứng lưu giữ trên cơ thể và quần áo của con đã mặc. Trường hợp cần thiết sẽ giao nộp cho cơ quan điều tra.
Hỏi và ghi âm con kể về quá trình hoạt động của con hôm đó: chơi gì, với ai, có - Truy tìm các dấu vết tinh trùng, dấu vết vân tay, sợi lông tóc của thủ phạm trên cơ thể, quần áo và đồ đạc của trẻ. Đưa trẻ đi khám, xét nghiệm vết thương tại cơ sở y tế có chuyên môn ngay khi phát hiện; nếu bệnh viện cho biết nghi ngờ con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục thì đề nghị bệnh viện cung cấp hồ sơ bệnh án và giữ lại các giấy khám, đơn thuốc. Hỏi và ghi âm lời kể của thầy cô giáo, nhà trường, các bạn…Bí mật tìm cách lấy được dữ liệu camera an ninh trước khi thủ phạm kịp xóa. Gia đình cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên môn đề nghị khám, xét nghiệm vết thương, thu thập mẫu (tinh dịch, tinh trùng. AND…).
Cùng với đó, phụ huynh cần đến cơ quan công an làm đơn tố cáo tội phạm đồng thời đề nghị cơ quan công an có công văn đề nghị bệnh viện chuyển giao kết luận giám định về mẫu đã thu thập do gia đình cung cấp. Đặc biệt, khi cần thiết phải liên hệ với các số điện đường dây nóng như: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111); Cục chăm sóc bảo vệ trẻ em (1800 1567); Cảnh sát phản ứng nhanh (113) để được trợ giúp kịp thời.
Về kinh nghiệm trong việc thu thập chứng cứ là hết sức quan trọng, trước hết khi được trẻ báo việc xâm hại, người nhà cần âm thầm thu thập chứng cứ về vụ việc trước khi loan báo thông tin ra ngoài vì khi vụ việc đã vỡ lở thủ phạm sẽ tìm cách che giấu, lấp liếm hành vi phạm tội, có thể tiêu hủy mọi bằng chứng, dấu vết khi đó việc chứng minh tội phạm sẽ khó khăn hơn nhiều.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em bằng kỹ năng phòng tránh
Để bảo đảm an toàn cho trẻ em trước thực trạng gia tăng tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục hiện nay, TS. Trần Thị Lịch cho rằng cần tìm hiểu rõ về các nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục: Về tâm lý trẻ em là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên tư tưởng và suy nghĩ chưa ổn định, không tự bảo vệ bản thân, dễ bị rủ rê lôi kéo, không phân biệt được chuẩn và lệch chuẩn. Môi trường cơ bản ảnh hưởng đến trẻ em đó là gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình là nền tảng, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Yếu tố gia đình là yếu tố đầu tiên quyết định hình thành nhân cách trẻ còn các yếu tố khác cũng có tác động ảnh hưởng tuy nhiên gia đình là quan trọng nhất. Bên cạnh đó các nguyên nhân khác do hạn chế về nhận thức, pháp luật và bình đảng giới …
Bà Lê Thị Kim Oanh, nguyên phó vụ trưởng Vụ an ninh Viện KSND Tối cao đã chia sẻ kỹ năng đối với trẻ em phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục bằng quy tắc 4 vòng tròn, Trong đó, Bố mẹ ôm trong vòng tay, ông bà khoác tay, người thân thì bắt tay còn người lại thì phải xua tay …
Trước tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường xảy ra không ít trong thời gian qua làm cho dư luận nhức nhối, ông Vũ Thế Đoàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh án Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao đã chia sẻ về tầm quan trọng đặc biệt trong thu thập và bảo vệ chứng cứ trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Đối với chứng cứ là vật chứng thì việc thu thập phải kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sư vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật (Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự).
Có thể nói, việc giáo dục kỹ năng phòng tránh các nguy cơ xảy ra bạo hành và xâm hại tình dục là việc làm cấp bách và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, có trách nhiệm của gia đinh, nhà trường và xã hội, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định Gia đình – Nhà trường và xã hội có vai trò quyết định trong giáo dục đức – trí – thể - mỹ - giáo dục nhân cách, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội là mối quan hệ tam giác trong phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định pháp luật về phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm các quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em thì chắc chắn nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của trẻ em sẽ ngày càng được nâng cao.
“Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai”, trẻ em là tương lai của đất nước. Để ngăn chặn không cho tội ác xâm hại đến trẻ em cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục đến toàn dân, đầu tư thích đáng về con người, tăng cường nguồn lực cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hơn bao giờ chúng ta phải cùng chung tay, chung sức bảo vệ trẻ em, đem lại cho trẻ em cuộc sống bình yên, hạnh phúc và một xã hội trong sạch lành mạnh.
Thành Chung