Hoàn thiện pháp luật về hình sự: Bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân

Sáng 13/12, Bộ Công an tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (THAHS) lần thứ nhất. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo hai Dự án Luật chủ trì cuộc họp.

Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn Internet))

Phải đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn

Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và xác định THAHS là công tác lớn, quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội nên ngày 17/6/2010, Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật THAHS, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Việc ban hành Luật đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực THAHS nói riêng, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người chấp hành án, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN và bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.

Trên cơ sở đó, hoạt động THAHS đã được tổ chức thực hiện có hiệu quả, bảo đảm sự nghiêm minh và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi mới của thực tiễn, công tác THAHS đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, tình hình tội phạm thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu xã hội đen, tội phạm về ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của công dân, chống người thi hành công vụ, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội… có xu hướng gia tăng, với tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến số người phải chấp hành hình phạt tù và các hình phạt khác tăng lên làm cho nhiệm vụ quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo các đối tượng này cũng ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn.

Mặt khác, một bước tiến quan trọng trong tiến trình lập pháp hình sự của Nhà nước ta với nhiều quy định mới quan trọng cũng đã được Quốc hội thông qua là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Để bảo đảm điều kiện cho việc thi hành, nhất là thi hành các quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật THAHS năm 2010.

Sẽ bổ sung 2 vấn đề lớn

Báo cáo tại cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1183/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá. Riêng với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS, ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định trong Luật năm 2010, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung đồng thời sẽ mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh đối với việc xác định nội dung, trình tự, thủ tục xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện và thi hành hình phạt với pháp nhân thương mại phạm tội.

Các thành viên Ban soạn thảo đánh giá cao sự chuẩn bị chủ động, tích cực của cơ quan thường trực xây dựng Dự án Luật và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đề nghị nghiên cứu thêm một số vấn đề khác như án treo, thi hành án tử hình vì thực tế thi hành hình phạt tử hình rất phức tạp, “nhiều vụ lộn đi lộn lại rồi xin ân giảm, kêu oan”.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nhận định Luật THAHS có nội dung phức tạp, dung lượng lớn hơn nhiều so với Luật Đặc xá. Cũng đề nghị làm rõ 2 vấn đề liên quan đến án treo và các hình phạt khác ngoài phạt tù cùng vấn đề hình phạt tử hình, ông Thể còn mong muốn quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ làm nhiệm vụ THAHS và lưu ý thi hành án đối với pháp nhân cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo thi hành được trong thực tế.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung hai Dự án Luật là để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật cho công tác đặc xá, hoạt động THAHS, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Do thời gian vật chất không còn nhiều nên Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ sửa những vấn đề rất cấp bách để bảo đảm tiến độ và chất lượng của hai Dự án Luật. Cảm ơn sự quan tâm của ông Thể, Bộ trưởng cũng rất chia sẻ với hoàn cảnh vất vả của cán bộ làm nhiệm vụ THAHS nhưng ông cho rằng trong điều kiện hiện nay chưa thể có cách nào để đặc thù, riêng biệt ngay được bởi còn nhiều việc khó khăn hơn thế.

Theo Bao Phapluat

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin