Hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản

17/04/2024 14:38

(Pháp lý) – Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được các cơ quan chức năng tăng cường, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên thời gian giải quyết một số vụ án vẫn còn dài , công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong một số vụ án chưa cao. Nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản còn hạn chế, bất cập.

Thực tế trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản để góp phần hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới.

1-1711359339.png

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về giám định, định giá tài sản phục vụ công tác PCTN, TC

Theo báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 hồi tháng 11/2023, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí thẳng thắn nhìn nhận công tác giám định, định giá còn kéo dài, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan chủ trì; chậm yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp hồ sơ, thông tin còn thiếu. Thậm chí, một số trường hợp có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, từ chối việc giám định, định giá; kết luận giám định còn chung chung không thể hiện rõ quan điểm.

Trước đó, khi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2023, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đã thẳng thắng chỉ ra công tác giám định tư pháp cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể, một số quy định pháp luật về giám định tư pháp còn bất cập; đội ngũ người làm giám định tư pháp tại một số lĩnh vực, địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhiều lúc chưa tốt; nội dung trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng ở một số trường hợp còn chưa rõ; việc thực hiện yêu cầu giám định trong một số vụ việc còn chậm, chưa sát.

Đặc biệt, phát biểu tại một số Phiên họp của Ban Chỉ đạo TW về PCTN, TC, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu: “Trường hợp không thể giám định, định giá tài sản thì phải làm rõ nguyên nhân; trường hợp cố tình né tránh, đùn đẩy hoặc từ chối giám định thì phải xử lý nghiêm theo quy định”; “Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, kết luận sai lệch trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu; nhẹ thì kiểm điểm, phê bình nghiêm túc, nặng thì kỷ luật, điều chuyển công tác, cách chức, vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cần xem xét xử lý về hình sự để răn đe, khắc phục ngay tình trạng này”.

Pháp luật về giám định tư pháp đã từng bước được hoàn thiện

Có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng các vụ án, các qui định pháp luật về giám định, định giá tài sản trong tố tụng đã từng bước được hoàn thiện.

Theo đó, cùng với việc sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động giám định, định giá tài sản trong các đạo luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính, các luật liên quan khác , … Luật Giám định tư pháp 2012 đã được Quốc hội sửa đổi bổ sung năm 2020.

Cụ thể, BLTTHS 2015 đã dành 1 chương để quy định cụ thể về chế định giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự (Chương XV, BLTTHS). Theo đó, về giám định Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định cụ thể về: Trưng cầu giám định; Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định; Yêu cầu giám định; Thời hạn giám định; Tiến hành giám định; Giám định bổ sung;  Giám định lại; iám định lại trong trường hợp đặc biệt; Kết luận giám định;  Quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định (từ Điều 205 đến Điều 214)

Về định giá tài sản, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng có các quy định cụ thể như: Yêu cầu định giá tài sản; thời hạn định giá tài sản; tiến hành định giá, định giá lại tài sản; định giá tài sản trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn; định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; kết luận định giá tài sản; quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản. (từ Điều 215 đến Điều 222).

Tương tự, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng có những quy định thể hiện trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính phải trưng cầu giám định trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự (Điều 79, Điều 102, Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 89, Điều 90 Luật Tố tụng hành chính 2015).

Đặc biệt, Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi năm 2020 đã có rất nhiều quy định mới về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định; căn cứ, cách thức đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, quy định về thời hạn giám định; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản và Ủy ban nhân dân trong việc phát triển, bảo đảm số lượng, chất lượng của người làm giám định, chỉ định đầu mối phân công, phối hợp trong công tác giám định, bảo đảm điều kiện cho hoạt động giám định được tiến hành hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Đồng thời, Luật Giám định tư pháp năm 2020 đã bổ sung 01 điều (Điều 26a) quy định về thời hạn giám định trong trường hợp trưng cầu giám định. Khoản 3 Điều này quy định thời hạn giám định tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Luật cũng giao trách nhiệm cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.

Ngoài ra, Luật năm 2020 còn quy định cho phép người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định nhưng không được vượt quá thời hạn giám định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này (khoản 4 Điều 26a). Trường hợp không thể hoàn thành đúng thời hạn do có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể đúng thời hạn thì thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định biết và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định (khoản 5 Điều 26a)…

Cùng với đó, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng đã ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp… nhằm tạo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật về giám định, định giá tài sản với quy định của pháp luật về tố tụng, là cơ sở pháp lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng.

2-1711359347.png

Công tác giám định tư pháp trên thực tế còn một số hạn chế, bất cập, vướng mắc (ảnh minh hoạ)

Còn tồn tại và phát sinh hạn chế, bất cập trong công tác giám định tư pháp…

Có thể thấy, mặc dù chính sách pháp luật về giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tiễn hoạt động tố tụng thời gian gần đây, đặc biệt là tố tụng các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng tiêu cực, chúng tôi nhận thấy, chính sách pháp luật liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn hạn chế, bất cập khiến cho công tác PCTN, TC bị ảnh hưởng không nhỏ, gặp không ít khó khăn, vướng mắc .

Thứ nhất, thiếu thống nhất trong quy định Bộ luật TTHS 2015 và Luật giám định tư pháp về thời hạn giám định dẫn đến việc các cơ quan chức năng lúng túng trong việc áp dụng.

Theo đó, mặc dù Luật Giám định tư pháp sửa đổi năm 2020 đã bổ sung Điều 26a quy định về thời hạn giám định: “Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng”.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 208 Bộ luật TTHS 2015 quy định thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp gồm: không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206; Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206; Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206; những trường hợp khác không thuộc các trường hợp bắt buộc phải giám định quy định tại Điều 206 thì thời hạn giám định thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định. 

Về việc xác định thời hạn giám định lại lần thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật giám định tư pháp quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai,...”. Tuy nhiên, BLTTHS, Luật giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể về thời gian để Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định thành lập Hội đồng để thực hiện việc giám định.

Thứ hai, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phương pháp, thời hạn giám định, định giá tài sản đối với các vụ án tham nhũng tiêu cực trong các lĩnh vực đặc thù như chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá,….

Trong khi, việc giám định, định giá tài sản đối với các vụ án thuộc lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá thường phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Cơ quan trưng cầu giám định thường phải còn phải mời các thành viên tham gia Hội đồng có chuyên môn ở các lĩnh vực, ngành nghề tương ứng chuyên sâu (như Tài chính, Ngân hàng, Khoa học công nghệ thông tin....); Đồng thời còn yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu phục vụ cho công tác giám định nên không thể thực hiện việc giám định trong thời hạn quy định của BLTTHS, dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết. 

3-1711359345.jpg

Cơ quan chức năng còn lúng túng và khó khăn trong công tác giám định, xác định thiệt hại xảy ra trong một số ván “Thao túng thị trường chứng khoán” ( Ảnh minh hoạ)

Những hạn chế trên của pháp luật có thể thấy rõ trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Trong quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định trưng cầu giám định để xác định số tiền gây thiệt hại cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu đối với 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, ART và FLC trong các giai đoạn. Tuy nhiên Kết luận giám định ngày 23/10/2023 của Bộ Tài chính xác định không đủ căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư do hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phương pháp, thời hạn giám định, định giá tài sản đối với các vụ án tham nhũng tiêu cực trong các lĩnh vực đặc thù như chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá,…. Trong khi, việc giám định, định giá tài sản đối với các vụ án thuộc lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá thường phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Thứ ba, việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tố tụng.

Trong khi đó, việc xác định giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, là cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt và xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Mặc dù, tháng 12 năm 2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP trong đó có hướng dẫn về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, tài sản nhà nước vẫn còn không ít những quan điểm trái ngược, thiếu thống về xác định thiệt hại.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10, Nghị quyết đã quy định rõ, thời điểm xác định thiệt hại tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự tùy từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

(i) Trường hợp thiệt hại xảy ra tại thời điểm tội phạm được thực hiện thì thiệt hại được xác định tại thời điểm này; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc.

(ii) Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn.

(iii) Trường hợp không thể xác định được thiệt hại theo hướng dẫn tại mục (i), (ii) nêu trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Mặc dù, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP đã được ban hành và áp dụng gần 3 năm, nhưng đến nay, việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Có cơ quan xác định giá trị thiệt hại tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, nhưng cũng có cơ quan xác định là thời điểm khởi tố vụ án.

4-1711359345.jpg

Quang cảnh phiên tòa sơ thẩm (hồi tháng 12.2021) xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại SAGRI

Ví dụ vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ gây thiệt hại tài sản công ở Đà Nẵng và vụ án xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) là những ví dụ. Trong vụ án xảy ra tại Sagri, các tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều xác định thiệt hại tài sản của Nhà nước được xác định tại thời điểm thực hiện tội phạm được hoàn thành, tuy nhiên, Viện KSND tối cao lại xác định mức thiệt hại của vụ án trong cáo trạng được tính vào thời điểm hành vi phạm tội được ngăn chặn (khởi tố vụ án).

Thứ tư, việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2020, hướng dẫn thực hiện định giá tài sản còn chưa kịp thời, dẫn đến việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định còn chưa thống nhất, gây không ít khó khăn cho Cơ quan tố tụng khi xem xét, đánh giá và áp dụng kết luận giám định nào để giải quyết vụ án được chính xác, đúng pháp luật.

Điển hình như, thiếu hướng dẫn về căn cứ trưng cầu giám định, yêu cầu giám định. Cụ thể, khoản 1 Điều 205 Bộ luật TTHS 2015 quy định: “Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định”.

Quá trình điều tra truy tố, xét xử vụ án hình sự, ngoài các trường hợp bắt buộc trưng cầu giám định, giám định theo yêu cầu, giám định lại, giám định bổ sung theo quy định của BLTTHS và Luật giám định tư pháp thì người trưng cầu giám định có thể ra quyết định trưng cầu giám định khi xét thấy cần thiết (khoản 1 Điều 205 BLTTHS).

Tuy nhiên pháp luật hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “khi xét thấy cần thiết” ra quyết định trưng cầu giám định. Thực tiễn có những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết và tiến hành trưng cầu giám định bằng nhận định, đánh giá của mình và cho rằng việc ra quyết định trưng cầu giám định nhằm mục đích: Củng cố chứng cứ hoặc quyết định việc tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo. Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể  nên còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cần hay không cần trưng cầu giám định tư pháp, điều này gây mất thời gian, ảnh hưởng tiến độ, thời hạn tố tụng.

Hay như chưa có hướng dẫn trong việc chấp nhận kết luận giám định của cơ quan giám định nào đối với trường hợp vụ việc có nhiều kết luật giám định của các cơ quan giám định khác nhau.  Hiện nay, việc chấp nhận bản kết luận giám định nào là do cơ quan tố tụng, không lệ thuộc vào Hội đồng giám định của cơ quan giám định cấp cao hơn hay thấp hơn. Điều này dẫn đến việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định còn chưa thống nhất, nhiều quan điểm không giống nhau giữa các cơ quan tố tụng gây ra không ít khó khăn cho Cơ quan tố tụng khi xem xét, đánh giá và áp dụng kết luận giám định nào để giải quyết vụ án được chính xác, đúng pháp luật.

Thứ năm, một hạn chế nữa mà chúng tôi muốn nói đến là, chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giám định tư pháp hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe ..

Vì chế tài nhẹ nên sẽ dẫn đến nhiều trường hợp có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao; một số kết luận giám định, định giá tài sản còn chậm, kéo dài, chất lượng còn hạn chế, chưa rõ ràng, không phản ánh đúng bản chất vụ việc, giá trị tài sản được yêu cầu giám định, định giá; thậm chí một số cơ quan được trưng cầu giám định, yêu cầu định giá từ chối thực hiện giám định, định giá không đúng quy định của pháp luật…

5-1711359346.jpg

Vụ án xảy ra tại Dự án Nha trang Golden Gate, Nha trang, tỉnh Khánh Hòa, phải yêu cầu định giá lại

Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Nha trang Golden Gate 28E Trần Phú, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa định giá không đúng nên phải yêu cầu định giá lại;

Điều 20 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp:

Phạt tiền từ 3 đến 7 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kéo dài thời gian thực hiện giám định mà không có lý do chính đáng; ………..

Phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đánh tráo hoặc có hành vi làm sai lệch đối tượng giám định; Không thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định; Không tuân thủ quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định;…

Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng việc giám định để trục lợi; Từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Kết luận giám định sai sự thật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;…

Một số kiến nghị

Trong tố tụng hình sự, hoạt động giám định, định giá tài sản là hoạt động bổ trợ tư pháp, kết luận giám định là cơ sở quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết của vụ án, chứng minh tội phạm, người phạm tội, xác định giá trị thiệt hại cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc giải quyết các vụ án nói chung và án tham nhũng, kinh tế nói riêng.  Do đó, để thực hiện tốt hơn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, tiêu cực đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định, định giá tài sản. Muốn vậy, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan hoạt động giám định, định giá tài sản, nhất là công tác giám định tư pháp trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế.

Từ những nghiên cứu và phân tích trên, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị sau:

Thứ nhất, cần sửa đổi quy định về thời hạn giám định cho thống nhất giữa Bộ luật TTHS 2015 và Luật giám định tư pháp 2020. Đồng thời, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với thời hạn thực hiện giám định lại lần thứ hai để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng đúng thời hạn, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và bị hại.

Thứ hai, cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn giám định, định giá tài sản trong các vụ án vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực đặc thù

Bởi, thực tế từ khi Luật giám định tư pháp sửa đổi năm 2020 có hiệu lực đến nay, một số bộ, ngành đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực mà mình quản lý như tài chính, xây dựng, giáo dục, y tế...  Tuy nhiên, chưa có một thông tư liên tịch giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện giám định, định giá tài sản trong những vụ án vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Điều này dẫn đến lúng túng, quan điểm thiếu thống nhất khi áp dụng, thậm chí có dấu hiệu né tránh, trách nhiệm chưa cao khi thực hiện giám định, định giá tài sản vụ án vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực đặc thù.

Thứ ba, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thời điểm xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Việc xác định giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, là cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt và xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thời điểm xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Thứ tư, cần sớm ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phương pháp, thời hạn giám định, định giá tài sản đối với các lĩnh vực đặc thù như chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá,…. Đồng thời cần khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp, định giá tài sản trong các lĩnh vực đặc thù như chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá...

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xử lý nghiêm đối với các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận không đúng.

Cuối cùng, cần nghiên cứu sửa đổi tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản theo hướng tăng nặng chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, định giá tài sản có vi phạm về thời hạn giám định, định giá tài sản; từ chối giám định, định giá, từ chối cung cấp tài liệu không có lý do chính đáng hoặc kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc không khách quan, có sai lệch do lỗi chủ quan…

Việc giám định, định giá, xác định giá trị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng, là cơ sở để định tội danh, định khung hình phạt và xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo, góp phần thu hồi tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên việc hiểu và áp dụng thời điểm để xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tố tụng. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thời điểm xác định giá trị thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Đặc biệt cần nghiên cứu sớm ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, phương pháp, thời hạn giám định, định giá tài sản đối với các lĩnh vực đặc thù như chứng khoán, trái phiếu, đấu thầu, đấu giá,….

 

Văn Chiến – Nam Kiên
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin