Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, phòng chống tham nhũng: mối quan tâm đặc biệt của Quốc hội và cử tri

23/05/2022 20:10

( Pháp lý). Kì họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc sáng nay ngày 23/5. Kì họp có nhiệm vụ quan trọng xem xét thông qua 05 luật; 06 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự luật; xem xét quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng. Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, phòng chống tham nhũng…cũng là mối quan tâm đặc biệt của Quốc hội và cử tri tại kì họp này.

anh-1-1653289880.jpg
Quang cảnh ngày làm việc đầu tiên, kì họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Khẩn trương trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013

Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư …là một trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra thời gian tới. 

Sáng 23-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Báo cáo nhấn mạnh:

Về kinh tế, Chính phủ đánh giá kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát...Nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Tính chung 4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Một số dự án chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm được Chính phủ tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu, như nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, 5/12 dự án thua lỗ, kéo dài, hai ngân hàng yếu kém ...

Chính phủ cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

anh-2-1653289906.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp và có chuyển biến tích cực. Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế 16.490 tỉ đồng, 3.069 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 8.900 tỉ đồng và 114 ha đất. Chính phủ cũng kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 418 tập thể và 828 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 65 vụ, 37 đối tượng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay Chính phủ đã thành lập tổ công tác nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa.

 “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho hay trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5% là “thách thức rất lớn”. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển KT-XH.

Phó Thủ tướng sau đó nêu 12 nhiệm vụ, trong đó lưu ý cần khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn. “Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013” - ông Thành nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chính phủ cũng yêu cầu triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả.

“Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả” - Phó Thủ tướng cho biết.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế để theo kịp sự phát triển của KT-XH. Tăng cường cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, gắn với phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao trình độ cán bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội về việc quy định môn học lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục ở cấp trung học phổ thông.

Đặc biệt, hoàn thiện để ban hành quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng, áp dụng từ tháng 7-2022.

Cử tri đặc biệt quan tâm tới  công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Sáng 23/5, trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...

Cử tri và Nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh...

Nhân dân ghi nhận Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án “Nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch Covid-19, vụ án ”Thao túng thị trường chứng khoán” ở Tập đoàn FLC; “đấu giá đất bất bình thường rồi bỏ cọc” và phát hành trái phiếu trái pháp luật của Công ty Tân Hoàng Minh, vụ án xảy ra ở Bộ Tư lệnh cảnh sát Biển Việt Nam; vụ buôn lậu xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi…; xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao đang công tác hoặc đã nghỉ hưu “hạ cánh cũng không an toàn” như ở Học viện Quân y, Bộ Tư lệnh cảnh sát Biển Việt Nam. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" điển hình như các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Nam Định, Khánh Hòa, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai... 

anh-3-1653289906.jpg
Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo trước Quốc hội

Cử tri và Nhân dân bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tránh tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng; kiểm soát thực chất, hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên và quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện hiệu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, giám sát chặt chẽ việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...

Cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đến chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp; liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công.

Đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai cho người dân biết. Rà soát các bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công...

Cử tri và Nhân dân mong muốn cần sớm xem xét, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; lừa đảo qua không gian mạng; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất, mua nhà ở nhưng chưa được giao đất, chưa được cấp giấy chứng nhận nhận quyền sử dụng đất, chưa được xây nhà ở để ổn định cuộc sống  ảnh hưởng xấu đến đời sống của Nhân dân; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất; các tài nguyên, khoáng sản khác...

Ngoài ra, cử tri, nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về giá cả xăng, dầu, vật tư nông, lâm nghiệp tăng cao; tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội chậm; hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản… còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mong nhà nước sớm có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hơn nữa để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định.

Cũng như theo dõi và kiểm soát chặt chẽ lạm phát nếu giá cả tiếp tục tăng lên, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu để tránh đầu cơ trục lợi, gây tổn hại cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân cả nước.

Cơ quan chức năng cần sớm xác minh, điều tra và xử lý nghiêm khắc tổ chức, cá nhân, lấy danh nghĩa hiến đất làm đường, sau đó phân lô, bán nền; hiện tượng chặt, phá rừng diễn ra ở một số tỉnh, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật; các đối tượng giả danh cán bộ, công chức của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, điện lực, bưu điện... gọi điện thoại hoặc thông qua mạng xã hội Zalo, Viber... để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài sản của người dân. Đồng thời có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa, hiệu quả các hiện tượng nêu trên.

Đề nghị mở rộng điều tra các vụ án lợi dụng chống dịch để trục lợi

Trong công tác phòng, chống dịch, cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức lợi dụng các chính sách của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi. Một số vụ án có quy mô, phạm vi lớn, liên quan nhiều bộ, ngành và địa phương, một số cán bộ, đảng viên tiếp tay, bao che cho việc phạm tội làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cử tri, nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.

Kiên quyết không để kéo dài tình trạng dự án treo

Về đất đai, ông Chiến cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng công tác quản lý chưa thực sự minh bạch đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhiều giao dịch về đất đai có hiện tượng làm giá, mua đi bán lại đẩy giá tăng cao bất thường nhằm tạo "cơn sốt đất ảo" để kiếm lời diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Vì thế, Nhà nước cần sớm có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng trên.

Từ đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng, chống vi phạm, tội phạm trong công tác đầu tư, mua sắm, thu chi ngân sách…; rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án đầu tư có sử dụng đất đã quá hạn chưa thực hiện đầu tư hoặc đầu tư kéo dài, có giải pháp xử lý phù hợp, theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để kéo dài tình trạng này, gây bất bình, bức xúc trong nhân dân.

Trong đó, quan tâm giải quyết hiệu quả hơn nữa đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai. Chỉ đạo giải quyết thấu đáo những vấn đề "tồn đọng" về đất đai do lịch sử để lại, nhất là tình trạng nhiều hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất hàng chục năm nhưng chưa được giao đất, chưa được xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống....

Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số lạm phát, giá cả một số mặt hàng chiến lược như xăng, dầu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp; điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng; khẩn trương triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Hà Trang ( T/h)
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, phòng chống tham nhũng: mối quan tâm đặc biệt của Quốc hội và cử tri" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin