Hiện tượng đầu tư, kinh doanh năm 2019 và những vấn đề pháp lý đặt ra

(Pháp lý) - Năm 2019 đi qua đánh dấu một năm phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng GDP đạt 7,02% cao hơn mục tiêu 6,8% của chính phủ đề ra, kéo theo đó là những dự báo đầy lạc quan về triển vọng phát triển trong năm 2020.

Tuy nhiên, nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế Việt Nam 2019, không khó để nhận ra những hiện tượng liên quan đến đầu tư, kinh doanh nổi cộm mà pháp luật điều chỉnh còn “ lúng túng” . Từ đó đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh và đầu tư.

Nhập nhằng “made in VietNam” do thiếu quy định pháp lý

Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ trong cả hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá tiêu thụ trong nước.

Đối với hàng hoá xuất khẩu, phát hiện nhiều vụ việc giả mạo xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, điển hình như vụ kho nhôm 4,3 tỷ USD xuất xứ Trung Quốc đội lốt thương hiệu Việt chờ xuất đi Mỹ.
Còn đối với thị trường nội địa, nhiều vụ việc hàng hoá "Made in Vietnam" đã gây tranh cãi trong thời gian vừa qua, như vụ chuỗi cửa hàng thời trang Seven.Am tại Hà Nội đã đóng cửa hàng loạt sau nghi vấn hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam.

Trước đó, một vụ việc được cho là ầm ĩ nhất 2019, liên quan đến những nghi vấn quanh vụ Asanzo gắn mác "made in VietNam" và xuất xứ hàng hóa. Tranh cãi không chỉ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý mà cả giữa các cơ quan nhà nước về quy định xuất xứ, nhãn mác.

Qua vụ Asanzo nhiều chuyên gia chỉ ra rằng Việt Nam chưa hề có quy định nào rõ ràng về việc xác định thế nào là sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện tại Việt Nam đã có Nghị định 43/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành năm 2017 về xuất xứ hàng hoá. Nghị định này đã nêu quy định về nhãn hàng hoá, trong đó, một yêu cầu bắt buộc là các sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam hay xuất khẩu đều phải dán nhãn. Trên nhãn đó có 1 số thông tin bắt buộc như tên nhà sản xuất, tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu thông hàng hoá, xuất xứ hàng hoá…

Điều 15 của nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận: "Chúng ta đã chứng kiến vụ Khaisilk trước đây và sau này có chuyện chưa rõ ràng trong hướng dẫn về ghi nhãn xuất xứ hàng hoá với hàm lượng giá trị nội địa, gây vướng mắc cho doanh nghiệp, nên có câu chuyện Asanzo"

Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có qui định như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Từ đây, đặt ra yêu cầu bức thiết cần có một văn bản quy phạm pháp luật để xác định thế nào là sản phẩm của Việt Nam, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam một cách rõ ràng và phù hợp nhất.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 7,02% (ảnh minh họa)

Từ vụ nước sông Đà nhiễm dầu, đòi hỏi cần có đạo luật chuyên biệt điều chỉnh lĩnh vực hoạt động cung ứng dịch vụ công

Qua sự cố ô nhiễm nước nguồn nước sông Đà vào đầu tháng 10/2019, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, đặc biệt đối với nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Đặc biệt là công tác bảo vệ, giám sát an ninh, an toàn nguồn nước còn rất lỏng lẻo.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng đây là cơ hội để nhà nước nhìn lại dịch vụ công cung cấp cho người dân và việc ủy thác cho các doanh nghiệp tư nhân thực hiện các dịch vụ công cùng những vấn đề phát sinh từ đó.

Theo TS. Dũng, doanh nghiệp tư nhân có nhiều thế mạnh nếu được tạo điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, vì tư nhân thường chạy theo lợi nhuận nên họ thường bỏ qua những giá trị khác. Nếu trong thị trường dịch vụ công không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của việc chất lượng không đảm bảo sẽ rất lớn. Doanh nghiệp sẽ đặt tiêu chí chất lượng xuống dưới lợi nhuận và vụ việc sông Đà có thể lại xảy ra một lần nữa.

Luật Sư Nguyễn Tiến Lập: “Tôi cho rằng, cái chúng ta đang rất cần chính là một đạo Luật chuyên biệt về cung cấp dịch vụ công, hướng tới trách nhiệm của chính quyền và bảo vệ quyền của người dân, đặc biệt sức khoẻ và an toàn cuộc sống của họ”

Ông Dũng khuyến cáo: Thực tế đặt ra nếu có sự tham gia của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công thì bắt buộc phải có sự tham gia giám sát chặt chẽ của Nhà nước. Nhà nước là chủ thể áp đặt các quy chế pháp lý của dịch vụ công, các chuẩn mực, quy định chất lượng mà đơn vị cung cấp dịch vụ tuân thủ. Cung cấp dịch vụ công bắt buộc phải đảm bảo 3 quy chế pháp lý. Thứ nhất là tính liên tục, ổn định của dịch vụ công, thứ hai là quyền tiếp cận bình đẳng cho mọi người dân và thứ ba là mức giá rẻ để mọi người dân tiếp cận.

Từ sự cố trên cho thấy việc xác lập các nguyên tắc dịch vụ công và tuân thủ là rất quan trọng. Hiện Việt Nam chưa có đạo luật mang tính khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ công. Ở các nước, ngoài pháp luật để điều chỉnh dịch vụ công thì còn có cơ quan quản lý tổng thể về dịch vụ công.

Lừa đảo trong kinh doanh bất động sản có một phần nguyên nhân từ kẽ hở của pháp luật về Hợp đồng.

Hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến kinh doanh các dự án bất động sản (BĐS) “ma” với con số thiệt hại lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng được phanh phui năm 2019. Công an TP HCM liên tiếp bắt lãnh đạo các công ty bất động sản lập dự án ma lừa bán cho người dân, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát…

Cuối tháng 9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố, bắt giam Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba). Theo cơ quan công an TP HCM, Luyện giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh thành lập các công ty thành viên (có quy mô hơn 2.600 nhân viên) để thu gom hơn 600 ha đất nông nghiệp.
Anh em Luyện tự vẽ 40 dự án không có thật, bao gồm 29 dự án tại Đồng Nai; 9 cái tại Bà Rịa – Vũng Tàu, 2 cái tại Bình Thuận. Tất cả đất đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… Tính đến ngày 30/6 Công ty Alibaba đã ký hợp đồng với hơn 6.700 người, thu được 2.500 tỷ đồng. Hơn 900 người tố cáo Công ty Alibaba lừa đảo, chiếm đoạt hơn 500 tỷ đồng bằng mồi nhử là dự án ma, huy động vốn theo phương thức đa cấp.

Tiếp đó, đầu tháng 11/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt giam Phạm Thị Tuyết Nhung (38 tuổi, ngụ Q.4), Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Angel Lina, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Nhung dùng pháp nhân hai công ty vẽ 9 dự án "ảo" tại quận 9, 12, Bình Tân… bán cho hàng trăm người thu về gần 300 tỷ đồng…

Đằng sau những vụ lừa đảo chấn động trên, dư luận vẫn không hết bàng hoàng và đặt ra những câu hỏi: Vì sao các công ty BĐS này lại có thể lừa được nhiều người, nhiều tiền đến vây?; vì sao chúng có thể trong một thời gian dài công khai quảng cáo, rao bán, ký kết hợp đồng…?

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến các vụ việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài những nguyên nhân chủ quan như: từ sự nhẹ dạ cả tin, hám lợi, tham rẻ của một số người dân; thiếu sự giám sát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… còn xuất phát từ những nguyên nhân khách quan khác.

Đó chính là những hạn chế bất cập của các quy định pháp luật. Sự thiếu chặt chẽ của pháp luật tạo ra những lỗ hổng, tạo điều kiện cho những kẻ lừa đảo có “đất diễn”. Pháp luật quy định khi các dự án có đủ điều kiện huy động vốn thì chủ đầy tư mới được quyền ký các hợp đồng mua bán với khách hàng. Tuy nhiên, các chủ đầu tư lách luật bằng cánh ký các thỏa thuận dân sự nhằm huy động 1 phần vốn hoặc 95% phần vốn dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng góp vốn… Từ vấn nạn này, cho thấy cần nghiên cứu và xiết lại các quy định về hình thức trong hợp tác, đầu tư kinh doanh bất động sản.

Thiếu hành lang pháp lý cho loại hình Codotel

Theo số liệu được Bộ Xây dựng, ở Việt Nam hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Trong giai đoạn 2017 – 2019 có khoảng 27.000 – 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Đây cũng được cho là một trong những hiện tượng đáng chú ý trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Loại hình condotel đang nở rộ tại các địa phương ven biển

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, hiện tượng condotel đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn:

Thứ nhất: Cùng với sự xuất hiện và cạnh tranh gay gắt của các dự án trong phân khúc này, những cam kết về lợi nhuận ngày càng được các nhà phát triển địa ốc đưa ra thường xuyên hơn, với những con số hấp dẫn hơn. Và thực tế sau 2-3 năm đi vào vận hành, bên cạnh các chủ đầu tư đang chật vật để duy trì việc chi trả cam kết lợi nhuận thì ở một số dự án đã xảy ra tình trạng "vỡ trận" như dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây.

Thứ hai: Hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về tên gọi tiếng Việt của condotel trong hệ thống pháp luật (chỉ có luật Du lịch có quy định về căn hộ du lịch), các pháp luật khác chưa có quy định về các loại hình công trình này, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn căn hộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng các công trình này gặp vướng mắc về thời hạn sở hữu, chế độ sử dụng đất. Quy định về quản lý vận hành condotel còn thiếu đồng bộ khi chưa có quy định cụ thể.

Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị để thúc đẩy loại hình Codotel phát triển, đảm bảo an toàn cho cho nhà đầu tư các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng.

Bất cập cơ chế pháp lý về bồi thường của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Vào tháng 8/2019, vụ cháy kho chứa hàng của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông gây rúng động dư luận. Tổng diện tích nhà kho, xưởng xảy ra cháy rộng khoảng 6.000 m2. Trong đó làm cháy toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang có sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng có độc tính cao làm khối lượng thủy ngân phát tán ra môi trường là 27,2 kg. Vụ cháy ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Vụ cháy khiến 58 hộ dân với 213 nhân khẩu ở dọc phố Hạ Đình phải di dời…

Theo đơn kiến nghị, khu đô thị 54 Hạ Đình là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy. Sau vụ cháy, 95% hộ dân đã phải di tản, hiện nay 80% hộ dân đã quay về. Các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân. Theo đó, các hộ dân yêu cầu công ty bồi thường tiền khám chữa bệnh cho mỗi người là 4 triệu đồng, bồi thường tiền thuê nhà ở là 60 triệu đồng/hộ, bồi thường mất thu nhập 6-8 triệu đồng/người. Ngoài ra, Công ty Rạng Đông bị yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần với số tiền 60 triệu đồng/người, bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân. Tuy nhiên Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông từ chối chi trả các khoản bồi thường mà người dân yêu cầu sau khi chịu ảnh hưởng từ vụ cháy nhà xưởng hôm 28/8. Các bên cũng không thể tìm được tiếng nói chung từ vấn đề bồi thường của vụ việc.

Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định về trách nhiệm bồi thường do ô nhiễm môi trường gây ra. Về nguyên tắc, để được bồi thường, người bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường buộc phải chứng minh được thiệt hại do hành vi sai phạm gây ra. Điều này đặt ra rào cản cho việc thực thi trách nhiệm bồi thường. Bao gồm: Bên yêu cầu bồi thường phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, bao gồm hành vi vi phạm, thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra; Để bồi thường thiệt hại thì bên yêu cầu bồi thường phải chỉ ra mức thiệt hại thực tế. Vấn đề này thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn đối với các thiệt hại về kinh tế, người dân rất khó để chứng minh do không có hoá đơn, chứng từ; Các chứng cứ chứng minh thiệt hại sẽ cần tiến hành một loạt hoạt động kỹ thuật phức tạp mà chỉ những tổ chức chuyên môn, có đủ thiết bị và đội ngũ chuyên gia có trình độ và kỹ năng mới có thể đảm nhận. Công việc này đòi hỏi chi phí lớn… từ đó tạo ra rào cản cho người đi đòi bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường.

Đinh Chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin