Ngày 29 tháng 6 năm 2018, tại Trụ sở Đài tiếng nói Việt Nam (số 58, phố Quán Sứ, thành phố Hà Nội), Hội Luật gia Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Đài tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Báo An ninh tiền tệ phối hợp tổ chức Chương trình giao lưu chính luận: Thông tin, truyền thông với an ninh tài chính, tiền tệ”. Nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương, Hà Nội; Các chuyên, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã đến dự.
Phát biểu khai mạc Chương trình giao lưu đầy ý nghĩa này, TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam , Trưởng ban chỉ đạo nêu rõ: “Tài chính, Tiền tệ là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước và là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Chúng ta đã từng chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra trên thế giới và những cuộc khủng hoảng này hầu hết đều có nguồn gốc từ những bất ổn trong hệ thống Tài chính – Tiền tệ. Điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á những năm 1997-1998 có nguồn gốc từ hệ thống tiền tệ tại các quốc gia Đông Nam Á và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới những năm 2007-2009 có nguồn gốc từ hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Hoa Kỳ. Trong các cuộc khủng hoảng nói trên có nguyên nhân do công tác truyền thông đã không được thực hiện hiệu quả và có thiếu sót trong việc minh bạch thông tin của các thành viên trên thị trường. Ở nước ta, có thời điểm, những tin đồn thất thiệt về lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã làm cho thị trường Tài chính, Tiền tệ có lúc chao đảo, như tin đồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp đổi tiền (vào cuối năm 2016) hoặc tin đồn cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) bị bắt…Tình hình đó cho thấy, công tác thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh Tài chính, Tiền tệ”.
Để cung cấp luận cứ cho việc đề ra các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao và phát huy vai trò công tác thông tin, truyền thông trong việc bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ, các vị khách mời, các chuyên gia, các nhà quản lý trong từng lĩnh vực thông tin, truyền thông và tài chính, tiền tệ đã tập trung thảo luận, làm rõ năm chủ đề cơ bản sau đây: Một là, vấn đề về bảo mật, an ninh thông tin Tài chính, Tiền tệ trong nền kinh tế số;Hai là, nâng cao khả năng nhận diện, ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro, nguy cơ từ tin đồn thất thiệt trong hệ thống, bảo đảm chất lượng thông tin gắn với an ninh Tài chính, Tiền tệ;Ba là, nâng cao kiến thức và nhận thức của công chúng, doanh nghiệp trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Tài chính, Tiền tệ nhằm tăng hiệu quả phân bổ vốn;Bốn là, vai trò của truyền thông, báo chí với an ninh tài chính, tiền tệ;Năm là, Nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý và ứng phó với khủng hoảng truyền thông khi xảy ra các biến cố trên hệ thống Tài chính, Tiền tệ.
Qua thảo luận cho thấy,Thông tin, Truyền thông có tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ và hành vi của công chúng, có khả năng hình thành và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy, thông tin, truyền thông đối với việc bảo đảm an ninh Tài chính, Tiền tệgóp phần nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực này, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, làm tăng tính an toàn, hiệu quả của hệ thống Tài chính, Tiền tệ.
Theo Noichinh