Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia VN: Doanh nghiệp Việt hạn chế trong vận dụng pháp luật về chống bán phá giá do 4 nguyên nhân chính

01/11/2020 17:26

(Pháp lý) - Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Chống bán phá giá được xem là công cụ hợp pháp và hữu hiệu nhằm duy trì trật tự thương mại một cách công bằng, hợp lý cho các nước thành viên khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Song, dường như việc vận dụng biện pháp này của các doanh nghiệp Việt nhằm bảo vệ chính mình trước những nguy cơ cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Giải pháp nào giúp doanh nghiệp Việt vận dụng hiệu quả biện pháp chống bán phá giá trong thời gian tới? Phóng viên Pháp lý đã có cuộc trao đổi với Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam để giải đáp những câu hỏi trên.

Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam

Biện pháp quan trọng để DN bảo vệ chính mình

Phóng viên: Là một trong những người từng tham gia tư vấn nhiều vụ việc tranh chấp kinh tế thương mại, đặc biệt tranh chấp quốc tế liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM), ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của biện pháp PVTM, trong đó có biệp pháp chống bán phá giá trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Khi tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng một số biện pháp PVTM trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

PVTM có hai vai trò chủ yếu là bảo hộ sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, hai mục tiêu này đặc biệt quan trọng đối với các nước đang phát triển, có các ngành công nghiệp non trẻ. Thông thường, PVTM bao gồm 3 biện pháp cơ bản như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá có vai trò đặc biệt quan trọng trong các biện pháp phòng vệ.

Với bản chất là một công cụ hợp pháp, tôi cho rằng việc tận dụng biện pháp chống bán phá giá kịp thời, đúng thời điểm luôn là điều cần thiết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Phóng viên: Ông có thể lý giải thêm về sự cần thiết này …?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Để xác định nhu cầu PVTM bằng chống bán phá giá của một nước, cần phải trả lời hai nội dung: thứ nhất, nền sản xuất công nghiệp có cần được bảo hộ hay không; thứ hai, tại sao cần sử dụng biện pháp chống bán phá giá mà không phải là các biện pháp khác. Có thể nói, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, cả hai nội dung trên đều cho câu trả lời là cần thiết.

Ở khía cạnh thứ nhất, nhu cầu bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Có thể thấy đây là một nhu cầu hiển nhiên vì Việt Nam chưa có ngành công nghiệp nào có năng lực cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế. Ngay tại thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt cũng đang bị cạnh tranh rất mạnh mẽ. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các Hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang gia tăng và xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài thì việc xây dựng, bảo vệ và phát triển năng lực sản xuất trong nước đang trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững và bảo đảm ổn định xã hội.

Ở khía cạnh còn lại, tại sao cần chú trọng biện pháp chống bán phá giá? Theo tôi, có thể phân tích dưới góc độ sau: Một là, chống bán phá giá có vai trò đặc biệt quan trọng trong các biện pháp phòng vệ. Chống bán phá giá là biện pháp PVTM được sử dụng nhiều nhất, chiếm 90%. Do đó, Việt Nam cần xác định đây là biện pháp trọng tâm trong chiến lược PVTM của mình.

Hai là, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thông qua việc ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA khác, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các FTA đã ký kết sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa ngành sản xuất trong nước với nhà sản xuất có hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia sang Việt Nam. Bởi, theo nội dung của các FTA, các thành viên nhất trí xóa bỏ và cắt giảm theo lộ trình phần lớn thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ. Hàng hóa của các quốc gia thành viên sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn và tăng lên một cách nhanh chóng về số lượng. Thị phần sẽ bị phân chia lại một cách mạnh mẽ với sự cạnh tranh khốc liệt.

Hơn nữa, các rào cản thương mại hợp pháp khác được phép sử dụng như các hàng rào phi thuế quan, vệ sinh dịch tễ, các quy chuẩn chất lượng… đều rất khó khăn để áp dụng với điều kiện của Việt Nam trong tương lai gần. Vì vậy, xét một cách toàn diện thì các biện pháp PVTM trong đó có biện pháp chống bán phá giá là công cụ pháp lý mà mỗi quốc gia khi tham gia vào “sân chơi” thương mại quốc tế đều có trong tay.

Biện pháp chống bán phá giá như là một giải pháp hữu hiệu để các quốc gia bảo vệ nền sản xuất nội địa của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của quốc gia “bạn hàng”. Quyền sử dụng biện pháp chống bán phá giá là như nhau nên doanh nghiệp nước nào bỏ qua thì nền sản xuất nội địa của nước đó chắc chắn sẽ bị bất lợi và đánh mất sức đề kháng trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh ngày càng tinh vi và phức tạp.

Doanh nghiệp Việt hạn chế trong vận dụng pháp luật về chống bán phá giá

Phóng viên: Vậy, thực tế hiện nay, việc áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước ta được các doanh nghiệp vận dụng thế nào, thưa ông…?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Pháp luật về PVTM của Việt Nam đã được xây dựng cách đây hơn 15 năm, trước khi chúng ta chính thức gia nhập WTO. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây chúng ta mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các FTA cho phép. Cho tới nay, số lượng các biện pháp PVTM mà ta áp dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước rất nhỏ trong tương quan với các vụ hàng hóa xuất khẩu bị kiện.

Theo số liệu thống kê của Hội đồng Tư vấn về PVTM của VCCI, tính đến ngày 31/12/2019, Việt Nam mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp PVTM đối với 9 vụ, việc chống bán phá giá. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã và đang “căng mình” gánh chịu hơn 160 biện pháp PVTM, trong đó có gần 100 biện pháp chống bán phá giá.

Qua đó cho thấy mức độ áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu còn thấp so với mức thuế rất cao do nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Rõ ràng, trong khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ ngày khung pháp lý về chống bán phá giá được hình thành, các doanh nghiệp Việt Nam đã ít, thậm chí không thể sử dụng công cụ này một cách hữu hiệu để bảo vệ chính mình một cách hợp pháp.

Chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế (ảnh minh họa)

4 nguyên nhân chủ yếu

Phóng viên: Nguyên nhân là do đâu, thưa ông…?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Việc vận dụng các quy định của pháp luật chống bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhưng, những nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Sự không hoàn thiện của hệ thống pháp luật; Những hạn chế từ phía các cơ quan thực thi, hỗ trợ thực thi biện pháp chống bán phá giá; sự nhận thức, năng lực của doanh nghiệp; Vai trò của Hiệp hội và các bên có liên quan còn mờ nhạt…

Phóng viên: Xin ông phân tích rõ hơn về những nguyên nhân này?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Thứ nhất, trước tháng 6/2017, văn bản pháp lý có giá trị cao nhất trong pháp luật chống bán phá giá của Việt Nam là Pháp lệnh về chống bán phá giá 2004. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Pháp lệnh không phải là một văn bản pháp lý có thang bậc giá trị pháp lý cao như đạo luật do Quốc hội ban hành. Chính vì vậy, lĩnh vực pháp luật về chống bán phá giá thực sự chưa có tầm vóc xứng đáng với vai trò và giá trị của nó.

Mặc dù, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý Ngoại thương vào ngày 12/06/2017 và sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp PVTM đã có nhiều cải sửa những quy định liên quan đến chống bán phá giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Nhưng nhìn chung, các quy định hiện hành vẫn còn chung chung, thiếu những quy định rất quan trọng liên quan đến việc xác định thời kỳ điều tra, xác định phương tiện tính biên độ phá giá. Những quy định về xác định thiệt hại đáng kể vẫn còn mơ hồ vì thiếu những nguyên tắc, phương pháp và cách thức xác định cụ thể…

Một nguyên nhân nữa là về phía các cơ quan thực thi, hỗ trợ thực thi biện pháp chống bán phá giá, theo quy định hiện hành, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng là một cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, vừa là cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh, vừa là cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và được giao phụ trách công tác điều tra và đưa ra kết luận về những vụ kiện chống bán phá giá. Có thể thấy, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng được giao quá nhiều trách nhiệm dẫn đến quá tải và không mang tính chuyên sâu.

PVTM nói chung và chống bán phá giá nói riêng là một lĩnh vực vô cùng phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao và nguồn lực tốt mới có thể đảm trách. Công tác điều tra các vụ kiện chống bán phá giá vượt qua phạm vi nội địa cùng với một hệ thống các nguyên tắc, quy định ràng buộc giữa các quốc gia với nhau. Điều này gây khó khăn trong việc bố trí nhân lực, nguồn lực cho các vụ điều tra.

Bên cạnh đó, với thực tiễn tiến hành các vụ kiện chống bán phá giá quá ít ỏi tại Việt Nam, các cán bộ điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình thực thi pháp luật.
Và nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc chống bán phá giá chưa được chú trọng xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang bị hạn chế rất lớn trong việc nhận thức về các biện pháp chống bán phá giá. Số ít những doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hay các biện pháp PVTM khác thì đa phần doanh nghiệp đang gặp nhiều trở ngại trong nhận thức, khả năng tập hợp nhân lực, vật lực, khả năng kết nối với nhau cũng như việc tập hợp chứng cứ xác đáng để tiến hành một vụ kiện theo yêu cầu.

Kiến nghị giải pháp

Phóng viên: Trong tương lai, với chủ trương hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế quốc tế, để tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các FTA, đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp đặc biệt đối với biện pháp chống bán phá giá để bảo vệ nền sản xuất trong nước, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Để tận dụng tốt các biện pháp PVTM, đặc biệt là chống bán phá giá nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, chúng ta cần tiếp tục bổ sung những quy định chi tiết hơn về cách thức xác định biên độ phá giá, các thiệt hại vật chất mà ngành sản xuất nội địa phải gánh chịu khi xảy ra hiện tượng bán phá giá. Bổ sung thêm các quy định về điều tra chống lẩn tránh thuế cùng những chế tài bắt buộc tham gia đối với các tổ chức, cá nhân bị lựa chọn trong cuộc điều tra.

Bên cạnh đó, một giải pháp rất quan trọng là cần nâng cao vị thế và tiềm lực của cơ quan thực thi pháp luật, chú trọng đào tạo cán bộ trong lĩnh vực chống bán phá giá.

Ngoài ra, tương tự như một vụ kháng kiện chống bán phá giá, trong một vụ kiện chống bán phá giá hàng nhập khẩu thì vai trò của doanh nghiệp và Hiệp hội trong ngành sản xuất là rất quan trọng trong quá trình khởi kiện và phối hợp điều tra. Do đó, phải tăng cường nhận thức và khả năng tham gia các vụ kiện chống bán phá giá của doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành nghề sản xuất trong nước, tập huấn, tuyên truyền những kiến thức về chống bán phá giá và PVTM.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Chiến (ghi)

Bạn đang đọc bài viết "Giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia VN: Doanh nghiệp Việt hạn chế trong vận dụng pháp luật về chống bán phá giá do 4 nguyên nhân chính" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin