Thông qua các chương trình nộp tiền mua đơn hàng vào công ty, để được hưởng tiền thưởng gấp nhiều lần: mua đơn hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần) Lê Văn Quang và đồng phạm đã chiếm đoạt được hàng trăm tỷ đồng của gần 1.600 người.
Hàng nghìn người gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi
Trước khi Lê Văn Quang (SN 1973, Chủ tịch Thăng Long Group) và 7 đồng phạm khác là nhân viên của Quang “sa lưới”, Báo PLVN đã nhận được đơn “cầu cứu” của nhiều người dân. Trong đơn, họ tố “bộ sậu” Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (hay còn gọi là Công ty Thăng Long Group, trụ sở chính: M2-12 ô số 3, khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy – TP Hà Nội) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
Cụ thể, chị N.T.H (Vĩnh Phúc) đại diện cho nhiều người gửi đơn tố cáo Công ty Thăng Long Group lừa đảo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền “khẩn cầu” điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo và trốn tránh trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây không phải lần đầu tiên chị H. gửi đơn. “Chúng tôi đại diện cho gần 40 nghìn người dân bị Công ty Thăng Long Group lừa đảo, làm ảnh hưởng tới kinh tế, mạng sống và sự bình an của hàng nghìn gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng” – chị H bức xúc.
Cùng cảnh ngộ, bà D.H.H (ở Sơn La) thay mặt cho các nhà phân phối của 6 thị trường trên toàn quốc cũng gửi đơn tố cáo Công ty Thăng Long Group. Người phụ nữ này phẫn nộ cho biết hệ lụy mà Công ty trên gây ra đối với họ vô cùng lớn. Nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, ly tán…
Và sau rất nhiều lá đơn ấy, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Cuối tháng 5/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Quang và nhiều đồng phạm khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 1.599 người. Theo dự kiến, trong tháng 4 này, Quang và đồng phạm sẽ được đưa ra xét xử để nhận những phán quyết tương xứng với hành vi đã gây ra. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, phiên tòa phải tạm dừng. Theo chia sẻ của thẩm phán được phân công xét xử vụ án trên, khi nào hết dịch sẽ mở lại phiên tòa.
Chiếm đoạt hơn trăm tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, ngày 24/8/2012, Lê Văn Quang thành lập Cty TNHH Tầm Nhìn Việt, xin giấy phép kinh doanh để bán hàng đa cấp. Khi hoạt động bán hàng đa cấp bị quản lý chặt chẽ hơn, Lê Văn Quang mua lại Cty TNHH Secret (có giấy phép kinh doanh đa cấp), đổi tên thành Cty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (Cty nhượng quyền Thăng Long) do Phạm Ngọc Tuân làm Giám đốc.
Đồng thời, Quang chuyển toàn bộ hệ thống bán hàng đa cấp của Cty Tầm Nhìn Việt sang Cty nhượng quyền Thăng Long. Cùng thời điểm này, Lê Văn Quang lập ra 1 hệ thống các công ty có trụ sở tại Hà Nội, lấy tên là Thăng Long Group để xây dựng hình ảnh 1 tập đoàn gồm nhiều công ty. Mục đích của Quang là để bị hại tin tưởng Thăng Long Group là 1 tập đoàn lớn mạnh, gồm nhiều công ty để đầu tư.
Quang và đồng phạm xin giấy phép kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương để tạo vỏ bọc hợp pháp. Sau đó, nhóm người trên thu hút người nộp tiền để chiếm đoạt tài sản thông qua các chương trình nộp tiền mua đơn hàng vào công ty để được hưởng tiền thưởng gấp nhiều lần mà không có tính khả thi: mua đơn hàng trị giá 31 triệu đồng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua đơn hàng trị giá 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng… Hàng hóa mà Quang cùng các đồng phạm bán hàng đa cấp là các loại sản phẩm làm đẹp da, các loại thực phẩm chức năng…
Ngoài ra, họ còn tổ chức tuyên dương người được nhận hàng tỷ đồng/tháng và lên bục vinh danh trước sự chứng kiến của hàng nghìn người tại Hội nghị chi thưởng thù lao nhằm thúc đẩy tâm lý ham làm giàu, mong kiếm tiền nhanh chóng, không cần kinh doanh của nhiều người.
Do tin tưởng Quang và đồng bọn, hàng chục nghìn người đã tham gia đóng tiền và nhận mã số mà không quan tâm hàng hóa, chỉ quan tâm giá trị lợi ích số tiền sẽ nhận được. Kết quả điều tra đến nay xác định có 36.000 bị hại tin và nộp tiền cho Quang và đồng bọn. Tổng số tiền nhóm của Quang đã thu của bị hại là hơn 736 tỷ đồng. Số tiền này, nhóm của Quang chi phí thực tế cho hoạt động mua hàng gần 30 tỷ đồng, còn lại là các khoản chi phí bất hợp pháp cho nhà đầu tư để lôi kéo người khác tiếp tục nộp tiền.
Đến nay đã có 1.599 bị hại trình báo và yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền bị chiếm đoạt là hơn 122 tỷ đồng. Bị hại đề nghị xử lý nghiêm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Quang và đồng phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo baophapluat.vn
Nguồn bài viết: https://baophapluat.vn/ho-so/gan-1600-nguoi-sap-bay-lua-dao-cua-trum-so-thang-long-group-508078.html