(Pháp lý) - Cuối tháng 1/2018, cơ quan chức năng thông tin vẫn sẽ đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại PVTex dù chưa bắt được Vũ Đình Duy. Từ sự vụ này, LS. Trần Đại Thắng- Giám đốc Công ty Luật TNHH TQA giới thiệu tới độc giả những quy định pháp luật về xét xử vắng mặt bị cáo.
Xét xử vắng mặt bị cáo là một trường hợp đặc biệt trong tố tụng hình sự. Quy định chung của pháp luật nước ta là bị cáo phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa (Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Vậy trường hợp nào bị cáo vắng mặt tại phiên tòa mà phiên tòa xét xử họ vẫn diễn ra?
Pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định, tòa án (cấp sơ thẩm) chỉ có thể xử vắng mặt một người nào đó trong bốn trường hợp: a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử (Khoản 2 Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015).
Đối với trường hợp thứ nhất, có thể thấy rõ là việc một bị cáo nào đó trốn và việc truy nã không có kết quả không ảnh hưởng đến việc xét xử, Tòa án có thể vẫn xét xử vắng mặt bị cáo. Hiện không (chưa) có quy định về thời hạn khi bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả cần thời gian bao lâu thì Tòa án (phải) đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị cáo, cũng có thể là 1 năm, 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn, việc xét xử bị cáo vắng mặt mới có thể diễn ra. Lưu ý là bị cáo khác với người bị tình nghi, tức là khi người đó (bị cáo) đã bị Viện kiểm sát quyết định truy tố về một hành vi vi phạm pháp luật hình sự nào đó và được tòa án quyết định đưa ra xét xử, khi mà hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó đã (tương đối) rõ ràng.
Đối với trường hợp thứ hai, việc xét xử bị cáo vắng mặt có thể diễn ra khi bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Bị cáo đang ở nước ngoài không có nghĩa là bị cáo đó trốn tránh, bỏ trốn không về Việt nam, cũng không có nghĩa họ đang hay đã bị truy nã, mà chỉ đơn giản là họ đang ở nước ngoài và không thể triệu tập họ đến phiên tòa vì các lý do khác nhau. Không đi sâu vào nguồn gốc của quy định này, tại sao lại không truy nã, bắt họ về để xét xử, nhưng có thể hiểu trường hợp này là do lý do khách quan, dù không loại trừ lý do chủ quan, bị cáo đang không có mặt ở Việt Nam và tòa án không thể triệu tập họ đến phiên tòa mà vẫn có thể xét xử vắng mặt họ. Pháp luật cũng không có quy định thời hạn đưa ra xét xử đối với bị cáo đang ở nước ngoài và thời gian triệu tập là bao lâu, cần bao nhiêu lần triệu tập, đã tiến hành các biện pháp ủy thác tư pháp để triệu tập họ chưa, họ có biết về việc bị điều tra, truy tố, bị đưa ra xét xử không, trước khi tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ, mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tuân theo các quy định chung về thời hạn tố tụng. Một số vấn đề có thể phát sinh như bị cáo bị xét xử vắng mặt trong trường hợp này có được yêu cầu, nhờ người bào chữa không nếu họ biết được họ đang bị xét xử hay thân nhân của họ có thể được yêu cầu người bào chữa cho họ, việc giao bản án cho họ để thực hiện quyền kháng cáo, họ có thể kháng cáo bằng một văn bản từ nước ngoài gửi về? Trong thực tiễn tố tụng nước ta, rất hãn hữu xảy ra các trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thuộc trường hợp này.
Đối với trường hợp thứ ba, bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đây là trường hợp mới được bổ sung so với Bộ luật Tố tụng Hình sự trước đây (BLTTHS 2003). Đây là trường hợp bị cáo tự nguyện, đề nghị được xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Như vậy, Hội đồng xét xử sẽ cần phải xem xét về đề nghị, sự tự nguyện của bị cáo và toàn quyền chấp nhận cho bị cáo được xét xử vắng mặt hay không căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến vụ việc. Thực tế thời gian qua xuất hiện không hiếm những vụ án bị cáo đã đề nghị xét xử vắng mặt, kể cả các bị cáo đang bị tạm giam về một tội phạm khác hay bị cáo ốm nặng và có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Chẳng hạn, ngày 12/2/2018 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tiến H. (59 tuổi) về tội Tham ô tài sản XHCN (Điều 133, Bộ Luật hình sự 1985) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ Luật hình sự 1999). Ông H. không có mặt tại tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt do tình trạng bệnh lý. Hội đồng xét xử đã lấy ý kiến đại diện Viện Kiểm sát, thảo luận và chấp nhận xét xử vắng mặt bị cáo.
Vấn đề sẽ phức tạp hơn do pháp luật chưa có quy định rõ trong trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo, qua quá trình xét xử tại phiên tòa, xuất hiện các tình tiết mới có thể bất lợi cho bị cáo thì xử lý thế nào, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể làm xấu hơn tình trạng của bị cáo hay không vì có thể ảnh hưởng đến quyền bào chữa của họ, hoặc sự vắng mặt của họ bị phản đối bởi những người tham gia tố tụng khác.
Đối với trường hợp thứ tư, bị cáo có thể bị xét xử vắng mặt nếu sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử. Đây là trường hợp mới sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự trước đây (BLTTHS 2003). Đó là khi bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan (nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa) và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử (Chẳng hạn: cần đối chất, cần kiểm tra một số tình tiết nào đó của vụ án, thì tòa án sẽ hoãn phiên tòa).
Trường hợp mới bổ sung của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có thể giải quyết được một số vướng mắc trong áp dụng của quy định trước đây: Đó là khi bị cáo cố tình vắng mặt tại phiên tòa gây khó khăn cho công tác xét xử của tòa án, chẳng hạn bị cáo cố ý không nhận văn bản tố tụng (triệu tập), ban đầu tham gia, giữa chừng bỏ dở không tiếp tục tham gia xét xử. Quy định mới này dường như “làm dễ” cho cơ quan tố tụng vì chỉ cần bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, nói cách khác là không có lý do, thì tòa án có thể xét xử vắng mặt họ nếu xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử; trong khi đúng ra là cần ra lệnh áp giải họ đến phiên tòa đúng theo quy định tại khoản 1 điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Hơn nữa, căn cứ để xác định: “sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử” cần phải giải thích là thế nào hoặc quy định rõ Hội đồng xét xử toàn quyền quyết định, để tránh trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư bào chữa, người tham gia tố tụng khác.
Đối với phiên tòa phúc thẩm, sự vắng mặt của bị cáo không được quy định chi tiết rõ ràng các trường hợp như tại phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử (điểm c khoản 1 điều 351 Bộ luật TTHS). Vậy trường hợp bị cáo vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan, trước đó bị cáo có kháng cáo, hay bị kháng nghị, thì Toà án cấp phúc thẩm có thể xét xử vắng mặt họ hay không? Tình huống này cần được quy định hướng dẫn vận dụng quy định tại trường hợp bị cáo có thể bị xét xử vắng mặt nếu sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
LS. Trần Đại Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH TQA