Đua Công thức 1: Rắc rối xung quanh việc cách li tại F1

Việc các nhà tổ chức Bahrain Grand Prix tuyên bố rằng, để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, họ sẽ tổ chức chặng đua mà không có khán giả thực sự là một tin chấn động giải Công thức 1 (F1).

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm F1, một chặng đua không có khán giả.

Cách li hay không?

Như nhiều môn thể thao khác, F1 đang bị virus Covid-19 đe dọa. Chẳng gì thì F1 cũng kiếm tiền từ các sự kiện diễn ra trên toàn thế giới trong khoảng thời gian 8 tháng, trong khi hiện có nhiều quốc gia đang hạn chế tụ tập đông người nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Kể từ khi xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, virus corona đã lây nhiễm 110.108 người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm chết 3.831 người. Italy đứng thứ 3 trong danh sách lây nhiễm và trong tuần qua, việc hạn chế đi lại đã được nhiều nước đặt ra đối với du khách đến từ quốc gia này. Thậm chí, như báo chí nước ngoài cho biết, Việt Nam cũng tuyên bố rằng, bất kỳ ai đi từ Italy sẽ bị cách li trong 14 ngày trước khi nhập cảnh và biện pháp tương tự đã được đưa ra ở Bahrain ngay sau đó.

Những yêu cầu đó đã đẩy F1 vào vòng xoáy hỗn loạn khi đội đua nổi tiếng nhất, Ferrari, cũng như nhà cung cấp lốp xe Pirelli đều có trụ sở tại Italy. Đây là một vấn đề cấp bách khi Bahrain và Việt Nam chuẩn bị tổ chức các chặng đua thứ 2 và thứ 3 của mùa giải sau chặng mở màn ở Australia, nơi đã quyết định không cách li hành khách đến từ Italy.

Với việc Bahrain Grand Prix diễn ra sau Australian Grand Prix, chặng đua này đã trở thành tâm điểm chú ý của F1. Các nhà chức trách ở Bahrain đã đồng ý áp dụng một quy trình miễn trừ nhân viên F1 khỏi sự hạn chế. Thay vì bị cách li, họ sẽ được kiểm tra khi đến nơi và được phép nhập cảnh với điều kiện là họ không có virus. Tuy vậy, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

Để đảm bảo rằng nhân sự không nhiễm virus ở một quốc gia trên đường từ Australia đến Bahrain, F1 đã thuê một máy bay bay thẳng đến đó mà không có ai rời đi trong bất kỳ điểm dừng tiếp nhiên liệu nào. Vấn đề là rất ít hãng hàng không bay tuyến đó mà không dừng và nếu nhân sự F1 thay đổi máy bay trên hành trình, họ có có thể bị cách ly ở quốc gia đó.

Tại vòng đua Bahrain, lần đầu tiên trong lịch sử giải F1, sẽ không có khán giả trên các khán đài

Thế nhưng, hiện F1 cũng chưa có kế hoạch giải quyết vấn đề này, khi họ cũng phải thực hiện quy trình tương tự để đảm bảo rằng Vietnam Grand Prix diễn ra vào ngày 5/4. Điều đáng nói là người phát ngôn viên của Pirelli mới cho biết, họ đã không được thông báo đầy đủ thông tin. "Cho đến nay, chúng tôi vẫn tuân theo các chỉ dẫn do F1 đưa ra. Nghĩa là ở Australia và ở Bahrain, người Italy (và nhiều quốc gia khác) sẽ được kiểm tra y tế khi hạ cánh ở đó. Đối với Việt Nam, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào, ngoại trừ việc chặng đua vẫn sẽ được tổ chức theo kế hoạch và chúng tôi sẽ có mặt".

Một rào cản lớn nữa là Chinese Grand Prix dự kiến ​​sẽ diễn ra 2 tuần sau Việt Nam. Việc chặng đua tại Thượng Hải bị hoãn lại khiến F1 không thể sắp xếp được thời gian tổ chức do lịch đua dày đặc và vì họ cũng không biết rõ thời điểm Trung Quốc sẽ giải quyết được dịch Covid-19. Nếu Chinese Grand Prix không diễn ra, F1 sẽ mất đi một khoản phí lớn từ nhà tổ chức.

Nhìn rộng ra, cuối tuần qua, chính phủ Italy thông báo sẽ cách li ngay lập tức 16 triệu người tại 15 tỉnh trong gần 4 tuần. Khu vực cách li gồm trụ sở chính của Ferrari, nhưng rất may, đội đua cho biết họ đã gửi thiết bị đến Australia từ sớm. Tuy nhiên, ngoài việc cách li, tất cả các sự kiện thể thao ở Italy sẽ diễn ra mà không có khán giả cho đến ít nhất là ngày 3/4. Còn tại Pháp, nước này đã cấm các sự kiện liên quan đến hơn 1.000 người. Và cả Italy và Pháp đều tổ chức những chặng đua F1.

Tác động về tài chính

Thống kê cho biết, năm 2019, tổng số khán giả tham dự F1 lên tới 4,2 triệu người, tức trung bình 198.330 khán giả ở mỗi chặng trong số 21 chặng đua. Nếu một chính phủ cấm các cuộc tụ họp đông người tại F1, chắc chắn chặng đua tại quốc gia này sẽ không còn hấp dẫn nữa.

Để so sánh, mới đây, trận đấu giữa Inter Milan và Ludogorets của Bulgaria tại Europa League đã diễn ra trong một San Siro, một trong những sân vận động lớn nhất của Italy, trống rỗng. Tuy nhiên, bóng đá không có khán giả là một chuyện, còn đua xe không có khán giả khó có thể làm các tay đua “máu” lên được.

Mùa đua 2019, số khán giả theo dõi trực tiếp trên khán đài đạt con số kỉ lục 4 triệu

Không có gì ngạc nhiên khi thông báo từ Bahrain Grand Prix đã làm chấn động làng đua F1. Điều đáng nói là ban tổ chức đưa thông tin trên các kênh truyền thông xã hội của mình, trong khi F1 chưa đưa ra bất kỳ đề cập nào trên các trang Twitter, Facebook hoặc Instagram của giải. Đó là chưa kể trên trang web chính thức của F1, vé được thông báo đã "bán hết" và điều này không khỏi khiến người hâm mộ bức xúc.

Nên nói thêm, trong khi F1 thu tiền phí từ nước chủ nhà, các nhà tổ chức lại không nhận được gì ngoài tiền vé để trang trải cho chi phí hoạt động, tiền phí trả cho việc quảng bá hình ảnh đến 471 triệu khán giả truyền hình. Được biết, phí tổ chức trung bình mỗi chặng đua là 28,7 triệu USD vào năm ngoái, tương đương với tổng số tiền 602,1 triệu USD mà F1 thu về. Và tiền thưởng là một phần trong lợi nhuận của F1, nếu doanh thu từ phí tổ chức càng thấp, các đội nhận được càng ít tiền thưởng. Tiền thưởng chiếm khoảng 35% doanh thu của một đội và lên đến hơn 50% ở các đội nhỏ. Họ sẽ gặp rủi ro cao nhất nếu tiền thưởng ít và điều này có thể xảy ra nếu các chặng đua diễn ra mà không có khán giả.

Không có khán giả đồng nghĩa không bán vé và các nhà tổ chức chặng đua sẽ phải sử dụng ngân sách của chính phủ để trang trải chi phí hoạt động của họ. Nếu họ không làm điều này, họ sẽ phá sản bởi rất ít chặng đua như Bahrain Grand Prix được chính phủ hỗ trợ, trong khi các nhà đầu tư không thể chấp nhận thua lỗ kéo dài. Tuy vậy, nếu các nhà tổ chức cuộc đua sử dụng ngân sách của chính phủ để trang trải chi phí hoạt động, họ sẽ không còn đủ để trả phí tổ chức cho F1 và khi đó, tiền thưởng mà các đội nhận được sẽ ít đi. Nói tóm lại, về mặt tài chính thì chặng đua không có khán giả cũng chẳng khác gì chặng đua không thực sự diễn ra.

Và các đội đua khủng hoảng tài chính sẽ là mối đe dọa đối với sự tồn tại của F1. Vì vậy mà thật khó tin rằng, một chặng đua diễn ra mà không có khán giả.

Hơn 4 triệu khán giả trong năm 2019 F1 có lí do để hài lòng về sự hâm mộ của người xem khi thống kê cho thấy, năm 2019 đã có gần 4,2 triệu khán giả theo dõi 21 chặng đua. Cụ thể thì có 3 chặng có hơn 300.000 khán giả là Anh (351.000 người), Mexico (345.694) và Australia (324.100); có 8 chặng có hơn 200.000 người, trong đó có Singapore và Mỹ (268.000), Bỉ (251.864), Hungary (230.000) và Áo (203.000). Vì thế, F1 kì vọng sẽ thu hút nhiều hơn người xem khi mùa đua 2020 có 22 chặng và đây là năm F1 kỉ niệm 70 năm ra đời.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/dua-cong-thuc-1-rac-roi-xung-quanh-viec-cach-li-tai-f1.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin