Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đã hoàn thiện với quan điểm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu quả, và quan trọng nhất là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý thuế có hiệu lực vào 1/1/2017 và được sửa đổi, bổ sung ba lần. Sau 10 năm đi vào thực hiện, Luật Quản lý thuế đạt được kết quả quan trọng nhưng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế.
Trong những năm trở lại đây, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định đa phương, song phương. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 76 nước và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, nhiều điểm quy định trong Luật Quản lý thuế tỏ ra không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết Hiệp định thuế đa phương..., những điểm phù hợp lại chưa được đưa vào luật.
Bên cạnh đó, Luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hóa quản lý thuế mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và nền kinh tế đang chuyển động mạnh theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo Bộ Tài chính, cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động quản lý nhà nước trong đó có cải cách thủ tục quản lý thuế đã được thực hiện và thu được kết quả tích cực. Cải cách thủ tục quản lý thuế những năm qua đã mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế, góp phần giảm thời gian và chi phí thủ tục, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các kết quả ấy cần phải được củng cố, phát triển bằng pháp luật. Chính vì vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi nhằm hướng tới mục tiêu quan trọng này.
Với dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần 3, việc sửa đổi, bổ sung đã đảm bảo mục tiêu: Hoàn thiện quy định về quản lý thuế theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan Thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.
Các nội dung và các điều luật sẽ được đổi mới theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất; Quản lý thuế điện tử, quản lý thuế theo phương thức rủi ro, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung những quy định trên nhằm góp phần phục vụ chiến lược hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra; đồng thời phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về thuế và chuẩn bị cơ sở pháp luật để phục vụ hội nhập trong giai đoạn tới.
Luật Quản lý thuế sửa đổi sẽ khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp Luật Quản lý thuế và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế:
Sau quá trình xây dựng và lấy ý kiến, Dự thảo Luật sẽ sửa đổi lớn các quy định về nguyên tắc quản lý thuế (bản chất giao dịch quyết định hình thức trong xác định nghĩa vụ thuế, quản lý rủi ro…); hồ sơ, thủ tục (kê khai, tính, nộp, hoàn thuế); giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế… Các quy định này sẽ có tác động toàn diện và ảnh hưởng lớn tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN trong tất cả các ngành nghề sản xuất đầu tư kinh doanh.
Theo Hải quan