(Pháp lý) - Trọng tâm chương trình làm Luật tại kỳ họp cuối năm 2019 là thảo luận sâu và kĩ về nhiều dự Luật điều chỉnh lĩnh vực kinh tế. Cụ thể như các Luật Đầu tư theo phương thức công tư (Luật PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư … Theo dõi Nghị trường, nhận thấy những thảo luận đã góp phần làm giảm đi tính “cục bộ”, ngành trong mỗi dự án Luật. Đặc biệt, sau vụ việc của nhà máy nước sạch Sông Đà và Nhà máy nước mặt Sông Đuống, các thảo luận ở Nghị trường về các dự Luật trên rất gần gũi với những vấn đề phát sinh từ đời sống dân sinh và đời sống kinh tế.
Dự án Luật PPP: Yêu cầu công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm
Khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật PPP thì cũng là lúc báo chí, dư luận phản ánh về việc bất thường trong việc lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án về kinh doanh nước sạch. Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm đó là vấn đề về cơ chế chia sẻ rủi ro được thiết kế trong dự Luật PPP. Thảo luận tại Nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng: Quy định Chính phủ chia sẻ không quá 50% nếu hụt thu doanh thu và doanh nghiệp chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu là không công bằng, khó chấp nhận và sẽ dẫn đến mặc cả, xin - cho, tạo kẽ hở cho tiêu cực và lợi ích nhóm. Phó Trưởng Đoàn ĐB tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cho rằng về nguyên tắc, chia sẻ phải công bằng, hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm. Tỉ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch. "Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, lấy ở đâu và bằng nguồn nào. Đề nghị cần được làm rõ" - ông Tiến nói.
Theo ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang), với trường hợp doanh thu thực tế vượt qua hợp đồng, phải điều chỉnh giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc rút ngắn thời gian hợp đồng. Nhưng với trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu trong phương án tài chính, cần có Nghị định quy định giao cho hội đồng thẩm định dự án PPP xem xét, điều chỉnh tăng mức giá, phí sản phẩm dịch vụ công hoặc là gia hạn thời gian hợp đồng. "Đối tượng trực tiếp tham gia dự án là các bên ký kết hợp đồng nhưng đối tượng hưởng lợi và tốn phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ công là cộng đồng dân cư nên việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến xã hội. Tôi đề nghị nếu cơ quan thẩm quyền sau khi xác định rủi ro từ các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì xem xét việc điều chỉnh tăng mức giá và thời gian hợp đồng" - bà Tuyến đề xuất.
Cho rằng việc đầu tư dự án PPP phải theo cơ chế "lời ăn lỗ chịu" đúng theo nguyên tắc thị trường và khi ký kết hợp đồng tức là chấp nhận rủi ro, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn đặt câu hỏi là: "Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro bằng hình thức nào? Lấy từ nguồn nào để chia sẻ? Khi tác động đến nợ công sẽ xử lý như thế nào?...", nhất là khi dự thảo Luật cũng chưa đưa ra những căn cứ tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro.
Góp ý kiến, ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) cho rằng: Quy định cơ chế chia sẻ rủi ro mà Dự thảo Luật đưa ra là bất hợp lý, vì cho phép doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời gian hợp đồng; đối với các công trình trọng điểm, Nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc chia thêm phần tăng thu. Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, tìm nhà thầu phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường là “lời ăn, lỗ chịu””, ĐB Hàm nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề chia sẻ rủi ro, các ĐB quan tâm đến vấn đề giám sát dự án PPP. ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị bên cạnh việc giám sát chất lượng công trình, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với dự án PPP phải được thực hiện như đối với dự án đầu tư công. Nếu không sẽ không thể phân biệt rạch ròi được những hạng mục nào thuộc đầu tư công và điểm nào là PPP, dẫn đến không kiểm soát được toàn bộ chất lượng công trình cũng như phân loại được nguồn vốn nào có hiệu quả, nguồn vốn nào không có hiệu quả và xác định trách nhiệm.
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị, để bảo đảm quyền giám sát của người dân, cần công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục (trừ các nội dung thuộc bí mật Nhà nước), các báo cáo thẩm định dự án, báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng... Các đại biểu Quốc hội cho rằng các dự án đối tác công tư (PPP) cần phải công khai, minh bạch, để tránh hiện tượng “sân sau” móc ngoặc công tư, lợi ích nhóm và kiến nghị Nhà nước không nên góp vốn bằng đất vàng vì vấn đề này gây bức xúc trong thời gian qua.
Luật Đầu tư (sửa đổi): Sẽ bổ sung ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện
Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đưa ra nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó bãi bỏ 12 ngành nghề đầu tư, sửa đổi 19 ngành nghề và bổ sung thêm 6 ngành nghề để phù hợp với yêu cầu.
Mại dâm tiếp tục là ngành nghề kinh doanh bị cấm trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có nghiên cứu và quản lý chặt chẽ hơn loại hình này để “cấm cho ra cấm”. Riêng ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng việc ghi ngành nghề kinh doanh mại dâm trong danh mục cấm có thể ảnh hưởng đến ngành du lịch. Mặc dù đây là vấn đề văn hóa, truyền thông nên không cho phép kinh doanh hoạt động này, nhưng theo ông Kim, với một nền kinh tế hội nhập mà cấm thì sẽ bị ảnh hưởng.
Ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê cũng gây tranh cãi ở Nghị trường khi có nhiều ý kiến, ủng hộ và không ủng hộ ngành nghề này. Các đại biểu ủng hộ như Tiến sĩ Bùi Thị Quỳnh Thơ (Trường ĐH Hà Tĩnh) cho rằng không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ bởi đây là dịch vụ xuất phát từ nhu cầu của người dân. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các đại biểu cũng nhận thấy các nước không cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Đồng quan điểm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đồng tình không đưa vào danh mục cấm vì đây là nhu cầu thực tiễn. Bà Thủy đề nghị cần phải có những đánh giá tác động của việc cấm này trước khi đề xuất cấm.
Đại biểu đề xuất cấm là Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM). Tương tự, Đại tá Phạm Huyền Ngọc (Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) nói thực tế thời gian qua một số công ty kinh doanh đòi nợ đã không chấp hành những quy định pháp luật, dẫn đến những vi phạm pháp luật. Cụ thể, nhiều hình thức vi phạm diễn ra thường xuyên như tìm cách thu giữ, hủy hoại tài sản, đe dọa, khủng bố tinh thần… "Nhiều nơi xuất hiện dịch vụ kinh doanh đòi nợ để biến tướng thành băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen gây bất ổn xã hội, an ninh trật tự địa phương" - ông Ngọc nói. Bên cạnh đó, một số đối tượng đòi nợ thuê có đăng ký hoặc không đăng ký kinh doanh dịch vụ này đã tổ chức bắt giữ người trái phép, đã có trường hợp dẫn đến chết người hoặc nở rộ hình thức khủng bố tinh thần cha mẹ, người thân và hàng xóm của cha mẹ con nợ.
Giám đốc Công an Nghệ An – Nguyễn Hữu Cầu đề xuất phải đưa vào Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này việc cấm mua bán, sản xuất bóng cười, shisha, kinh doanh bào thai vào danh mục cấm trong luật. Theo ông Cầu, sức khỏe con người là vốn quý nhất nên việc cấm đầu tư, kinh doanh bào thai, bóng cười, shisha là cần thiết và cấp bách trong thời buổi hiện nay.
Cũng xuất phát từ những vấn đề của đời sống, tại phiên thảo luận Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20/11, ông Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) nhắc tới vụ Công ty WHA Utilities & Power của Thái Lan mua 34 triệu cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Công ty nước mặt sông Đuống. Sau thương vụ này, HĐQT và Ban kiểm soát Công ty này xuất hiện 4 nhân sự người Thái. "Một nhà máy hàng ngày cung cấp nước cho mấy triệu người dân mà chúng ta không biết ông chủ thực sự là ai hoặc để người nước ngoài quản lý thì rất nguy hiểm", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng lo ngại trường hợp xảy ra xung đột, ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở thiên đường thuế, vốn chỉ vài nghìn USD. Vì thế, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước. Không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch nhưng ông Trương Trọng Nghĩa cho biết, một số quốc gia đã hạn chế việc chuyển nhượng vốn tại các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia và Việt Nam có thể "thiết kế công cụ tương tự".
Phát biểu sau đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Trần Anh Tuấn, Đỗ Ngọc Thịnh và Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đồng tình, kinh doanh cấp nước sạch cần chịu sự kiểm soát của Nhà nước để tránh bất an trong xã hội. Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đồng tình phải kiểm soát kinh doanh nước sạch như ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng lưu ý không nên phân biệt đối tượng đầu tư. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, ông Bình nói, đã tạo sự cạnh tranh, phát triển cho ngành nước sạch.
Rất nhiều ý kiến khi góp ý vào Luật Đầu tư là ý kiến mới, thiết nghĩ cơ quan soạn thảo cần tiếp thu đề xuất, tiếp tục nghiên cứu bổ sung các nội dung này vào dự thảo Luật trong thời gian tới trước khi được trình để Quốc hội thông qua vào năm 2020.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Nhiều ý kiến trái chiều về “địa vị pháp lý” của hàng triệu hộ kinh doanh
Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét lần này, Chính phủ đã bổ sung một chương quy định về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận đây là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Theo cơ quan soạn thảo, quy định như vậy nhằm "đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh". Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh được quy định phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự, theo đó hộ kinh doanh sẽ do cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Một số quy định hiện hành có tính chất hạn chế quy mô của hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng 10 lao động, không được mở văn phòng, chi nhánh… sẽ được đề nghị bãi bỏ.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về khái niệm, loại hình, đối tượng được thành lập, nghĩa vụ đăng ký, chủ hộ và các thành viên, quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường...), nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.
Không đồng ý với nội dung quy định về hộ kinh doanh, ông Hạnh Phúc phân tích: "Hộ kinh doanh ít người, mô hình vừa phải và khai thác lợi thế gia đình để kinh doanh nhỏ lẻ. Giờ đưa vào luật thì phải thực hiện đầy đủ báo cáo, kê khai hàng tháng thì họ không mong muốn. Hàng triệu hộ tồn tại và phát triển thế nào thì phải đánh giá tác động kỹ lưỡng. Theo tôi không vội". Ông Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính cho rằng, các điều kiện luật hoá hộ kinh doanh tại dự thảo luật không có gì mới so với hiện hành và chưa phải là cứu cánh cho hộ kinh doanh với kỳ vọng mở rộng thị trường, tăng thu thuế... Điều có lợi duy nhất, ông Chiểu nói, là "sau một ngày có thêm 5 triệu doanh nghiệp. Trường hợp vẫn quyết tâm đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu này nhấn mạnh, phải "viết lại toàn bộ nội dung này hoàn chỉnh hơn, hoặc xây dựng nghị định riêng về đối tượng này". Các đại biểu thảo luận sau đó cũng nhận xét, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp mà "cố đưa họ vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp là khiên cưỡng". Chưa kể các quy định đưa ra chưa định danh rõ địa vị pháp lý, mục tiêu quản lý hay tạo điều kiện cho đối tượng này phát triển chưa rõ ràng.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế đề nghị chưa luật hoá quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh và không nên ép họ trở thành doanh nghiệp. Dẫn kết quả khảo sát trực tiếp tại các hộ kinh doanh cho chính mình tiến hành, bà Thơ thông tin, phần lớn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp dù nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Chủ các hộ kinh doanh còn lo ngại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức nên thiếu tự tin và chấp nhận "nằm im" để kinh doanh an toàn, vì chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý nhiều hơn", nữ đại biểu tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, luật hoá quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để họ được chính danh, minh bạch hoá hoạt động. Theo ông, việc này không nhằm xoá bỏ đối tượng này, cũng không phải ép buộc họ chuyển đổi thành công ty, doanh nghiệp tư nhân hay thay tên đổi họ. Ông Lộc cũng khẳng định, sẽ không phát sinh thêm chi phí, thủ tục hành chính khi hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng này sẽ được hưởng chính sách hỗ tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngân sách sẽ có thêm khoản thu; giảm nhũng nhiễu, tham nhũng vặt...
Qua theo dõi thảo luận tại Quốc hội về các dự Luật kinh tế, nhận thấy hầu hết các thảo luận xung quanh những vấn đề thiết thực gần gũi với đời sống, kinh tế. Để Luật có sức sống lâu trong đời sống, thiết nghĩ Quốc hội cần cân nhắc và nên lắng nghe các ý kiến từ những đại biểu có chuyên môn liên quan và ban hành những quy định pháp luật gắn chặt chẽ thiết thực với các vấn đề của đời sống.
Phan Phan (tổng hợp)