Du lịch Bắc Giang- Kết nối du lịch tâm linh với du lịch vùng cây ăn quả

18/02/2019 06:53

Với mục đích tìm ra được những giải pháp, định hướng phát triển ngành du lịch, tuyên truyền và quảng bá những tiềm năng du lịch, thu hút du khách và thu hút đầu tư cho ngành du lịch tỉnh Bắc Giang, Sở Thể thao, Văn hóa và Du lịch Bắc Giang đã tổ chức buổi hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, xây dựng Tour du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn. Buổi hội thảo khai mạc lúc 14h00 ngày 16/02/2019 tại Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, Quảng trường 3/2 thành phố Bắc Giang.

Tiềm năng du lịch tỉnh Bắc Giang được đánh thức

Để khai mạc và đề dẫn hội thảo, Ông Ngô Hoài Chung- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch đã nêu rõ đặc điểm địa lý và những tiềm năng du lịch của tỉnh Bắc Giang .Bắc Giang nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km về phía Nam. Bắc Giang là tỉnh miền núi nhưng địa lý lãnh thổ không những có nhiều vùng núi cao, mà còn có nhiều vùng đất trung du trải rộng xen kẽ với các vùng đồng bằng phì nhiêu tạo nên những trang trại cây ăn quả không chỉ có giá trị kinh tế cao, mà còn hấp dẫn nhiều du khách.

1.1

 Những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Bắc Giang
Những đặc sản nông nghiệp nổi tiếng của Bắc Giang)

Không chỉ vậy, Tỉnh Bắc Giang còn có hệ thống đình, chùa phong phú và đa dạng với 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có 711 di tích được xếp hạng, trong đó 101 di tích cấp quốc gia và 583 di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm là chốn tổ thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thế kỷ XIII. Thời khắc đặc biệt đánh thức ngành công nghiệp không khói tỉnh Bắc Giang là thời điểm tỉnh lộ 293 từ thành phố Bắc Giang đến Đồng Thông Sơn Động được hoàn thành. Tỉnh lộ này là cung đường kết nối nhiều đình, chùa, di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Bắc Giang, gắn kết, nối dài tới đỉnh thiêng Yên Tử. Dọc theo tỉnh lộ 293- “con đường tâm linh” du khách có thể ghé thăm các đình, chùa, di tích lịch sử, văn hóa sau:

Khởi đầu là chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), cách TP Bắc Giang gần 20km. Chùa Vĩnh Nghiêm là điểm nối của ba trung tâm Phật giáo Thăng Long – Vĩnh Nghiêm - Yên Tử, theo hai ngã rẽ: Vĩnh Nghiêm – Đông Yên Tử và Vĩnh Nghiêm - Tây Yên Tử. Tại ngôi chùa này, đệ nhất tổ Trần Nhân Tông cùng đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang đều từng đến thụ giới, giảng kinh, hoằng dương Phật pháp.

 Chùa Vĩnh Nghiêm- tỉnh Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm- tỉnh Bắc Giang)

Đoạn giữa “con đường tâm linh” là quần thể di tích đền Suối Mỡ, thờ công chúa Quế Mỵ Nương, sau tích hợp với tín ngưỡng thờ mẫu và hiển linh thành Mẫu Thượng Ngàn

 Vẻ đẹp Suối Mỡ- tỉnh Bắc Giang
Vẻ đẹp Suối Mỡ- tỉnh Bắc Giang)

Cuối “con đường tâm linh” là cụm chùa Trình, chùa Hạ, chùa Thượng – Kim Quy thuộc xã Tuấn Mậu (Sơn Động). Từ chùa Trình đã thấy thấp thoáng chùa Đồng – Yên Tử trong mây. Từ mồng 2 Tết Kỷ Hợi 2019, tuyến cáp treo Tây Yên Tử chính thức đưa vào hoạt động. Như vậy từ chùa Hạ lên chùa Thượng đi cáp treo chỉ mất 7 phút và bộ hành khoảng gần 1km là đến chùa Đồng.

Bắc Giang với đặc điểm địa lý giáp nhiều tỉnh thành có kinh tế phát triển của miền Bắc Việt Nam, lại có nhiều thế mạnh về nông, lâm nghiệp, có chuối đình, chùa cổ kính, di tích lịch sử văn hóa đa dạng sẽ hứa hẹn một tour du lịch tâm linh gắn với vùng cây ăn quả phát triển bền vững, lâu dài.

Cõi tâm xưa và lối đi về nay

Con đường bộ hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên non thiêng Yên Tử xuất phát từ chốn tổ Phật giáo là chùa Vĩnh Nghiêm .Con đường bộ hành này sẽ đi theo sườn Tây Yên Tử với những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn còn được bảo tồn nguyên vẹn và các ngôi chùa được phục dựng suốt chặng hành trình. Để về với cõi tâm, dâng hương mong đạt chín quả chốn linh thiêng Yên Tử, du khách thập phương có thể di chuyển theo tuyến đường thuận tiện nhất qua tỉnh Bắc Giang như sau:

Từ Hoà Bình, Hà Nội - đi Tây Yên Tử di chuyển qua Cầu Nhật Tân - Quốc lộ 18 (Bắc Ninh) rẽ vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tới Big C Bắc Giang thì di chuyển tới “con đường tâm linh” tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động). Từ Hà Nội, du khách cũng có thể di chuyển qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tới TP Bắc Giang (Big C Bắc Giang) và tới tỉnh lộ 293 và di chuyển tới huyện Sơn Động.

Từ Thái Nguyên, du khách di chuyển từ Quốc lộ 37 nối hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang tới TP Bắc Giang và rẽ tỉnh lộ 293.

Từ Lạng Sơn đi Tây Yên Tử di chuyển theo Quốc lộ 1 về TP Bắc Giang, sau đó đi vào tỉnh lộ 293 sau đó đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).

Nếu nhiều năm trước, đến với Yên Tử du khách chủ yếu di chuyển theo cung đường Hải Dương- Quang Ninh. Nhưng nay, lối đi về với cõi tâm linh thiêng Yên Tử du khách sẽ có thêm cho mình một lựa chọn mới là cung đường mới là tỉnh lộ 293 Bắc Giang. Xuyên suốt cung đường này là chuỗi đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa được tỉnh Bắc Giang quan tâm tu tạo, tu bổ giúp đa dạng điểm ghé thăm trong chuyến hành hương của du khách. Lối đi về cõi tâm mới này giúp cho du khách trong và ngoài nước có thêm nhiều trải nghiệm mới như kết hợp du lịch tâm linh và du lịch sinh thái, du lịch vùng miền.

Buổi hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Yên Tử, xây dựng Tour du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn đã thực sự thu hút được nhiều quan tâm, chú ý của các cơ quan báo trí, các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Buổi hội thảo sẽ góp phần thắp sáng cho ngành du lịch tỉnh Bắc Giang thêm rực rỡ, phát triển trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

La Sơn

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch Bắc Giang- Kết nối du lịch tâm linh với du lịch vùng cây ăn quả" tại chuyên mục Xã hội. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin