Đóng tiền để tại ngoại: Lo ngại bất công

Nhiều nước vẫn còn tranh cãi về hệ thống bảo lĩnh tại ngoại.

Hệ thống pháp luật Anh đã đề cập vấn đề đóng tiền bảo lĩnh để được tại ngoại từ thời Trung cổ và sau đó dần luật hóa, theo The New York Times.

Đóng tiền được tại ngoại

Luật về bảo lĩnh tại ngoại hiện đại được quy định trong Đạo luật Bảo lĩnh 1976 của Anh. Các điều luật và quy trình này tại Anh cũng đã qua nhiều lần cải cách. Mới đây vào tháng 4-2017, Anh và xứ Wales cũng bổ sung thêm điều luật đặt ra giới hạn tối đa 28 ngày để một nghi phạm nằm trong diện tại ngoại. Giới hạn này được áp dụng với những ai đóng bảo lĩnh cho cảnh sát để không bị tạm giam trong quá trình bị điều tra. Trong thời gian này, cảnh sát được tiếp tục duy trì giám sát đối tượng. Sau khi đã kết thúc thời hạn 28 ngày trên, người bị cáo buộc sẽ được xem như hoàn toàn tự do, không còn chịu các điều kiện giám sát đã cam kết với tòa án và cảnh sát, theo tờ The Guardian.

Tại Nhật Bản, nghi phạm không được quyền bảo lĩnh tại ngoại trước khi ra tòa nghe công bố cáo trạng. Việc đệ đơn yêu cầu đóng bảo lĩnh sẽ chỉ được tòa án xem xét sau đó. Mức bảo lĩnh có thể trả bằng tiền mặt hoặc bằng chứng từ của ngân hàng Nhật Bản để làm “tín vật” nghi phạm sẽ ra tòa khi đến ngày xét xử. Cáo buộc giết người hoặc các tội danh nghiêm trọng sẽ không được bảo lĩnh. Người được tại ngoại khi đi xa phải thông báo với đại diện của tòa án. Không hầu tòa đúng lịch thì tòa sẽ tịch thu tiền “làm tin” của nghi phạm và buộc người này quay trở vào tù, theo Japan Times.

Tại Ấn Độ, mức tiền bảo lĩnh được tính toán dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và quyền quyết định cho bảo lĩnh tại ngoại hay không nằm trong tay tòa án. Nếu tội danh nhỏ, nghi phạm sẽ được nộp đơn xin đóng bảo lĩnh ngay sau khi bị tạm giam và đã được ghi nhận/kiểm tra thông tin lý lịch. Những tội danh phức tạp hơn có thể phải chờ 48 tiếng để ra tòa điều trần và chờ tòa án quyết được bảo lĩnh tại ngoại hay không. Một số trường hợp phải do Tòa án Tối cao Ấn Độ quyết định.

 Cảnh sát California mở cửa phòng giam chuẩn bị cho một nghi phạm tại ngoại sau khi đã đóng bảo lĩnh. Ảnh: LATIMES
Cảnh sát California mở cửa phòng giam chuẩn bị cho một nghi phạm tại ngoại sau khi đã đóng bảo lĩnh. Ảnh: LATIMES)

Lo ngại các lỗ hổng

Trong một kết luận vào tháng 5-2017, Ủy ban Luật pháp Ấn Độ đánh giá rằng hệ thống bảo lĩnh tại ngoại vẫn còn bất cập và chưa thể hoàn thành mục đích bảo vệ người vô tội. Ủy ban này kết luận rằng “người nghèo khó được cho bảo lĩnh và nếu có thì cũng không chắc họ kiếm được người đứng ra bảo đảm cho họ”, theo trang Live Law.

Bên cạnh các lo ngại về bất bình đẳng, một số chính phủ cũng sợ hệ thống bảo lĩnh tại ngoại có thể mở ra các lỗ hổng an ninh. Tháng 9-2014, một công dân người Anh tên Siddhartha Dhar đang bị điều tra có quan hệ với các tổ chức khủng bố thì được cho tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lĩnh. Chỉ vài tuần sau, tình báo Anh xác nhận người này đã đến Syria và gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đối tượng sau đó xuất hiện trong nhiều video hành hình con tin của IS. Singapore tháng 7-2016 đã bày tỏ lo ngại các trường hợp tương tự có thể tái diễn tại nước này. “Trước các mối đe dọa mới, chúng ta cần xem lại các luật và quy trình bảo lĩnh tại ngoại” - Bộ trưởng các vấn đề nhà ở Singapore Shanmugam nhận định.

 Nhiều lo ngại bảo lĩnh tại ngoại là một hình thức bất công với người nghèo. Ảnh: THINKSTOCK
Nhiều lo ngại bảo lĩnh tại ngoại là một hình thức bất công với người nghèo. Ảnh: THINKSTOCK)

Cơ hội kiếm lời

Trong hệ thống tư pháp Mỹ, khi bị bắt giữ, nghi phạm có quyền đóng tiền để được tại ngoại trong thời gian chờ hầu tòa thay vì phải bị tạm giam trong tù. Tuy nhiên, nếu như không đủ tiền đóng bảo lĩnh, người thân của nghi phạm có thể đóng chỉ 10%-15% số tiền trên cho người bảo lĩnh hộ. Số tiền phí này sẽ không được hoàn trả. Trong một số trường hợp mức tiền bảo lĩnh quá cao, người thân của nghi phạm cũng sẽ phải ký một số tài sản cá nhân, như bất động sản hay ô tô làm tài sản bồi thường nếu như người được tại ngoại trốn không hầu tòa. Người bảo lĩnh hộ sau đó sẽ làm một cam kết với tòa án rằng nghi phạm sẽ có mặt tại tòa đúng hạn nếu không sẽ phải đền cho tòa án toàn bộ 100% số tiền bảo lĩnh. Chính vì thế nếu như người được bảo lĩnh chạy trốn, các tay thợ săn chuyên nghiệp sẽ vào cuộc.

Thường thì những tay săn tiền thưởng sẽ được hưởng không quá 10% số tiền bảo lĩnh. Các tay săn tiền thưởng này thường được thuê không chỉ để truy lùng dấu vết của những kẻ trốn hầu tòa, mà còn ra tay bắt giữ đối tượng giao về cho cơ quan tư pháp nếu như người thuê yêu cầu và pháp luật địa phương cho phép. Theo trang tư vấn pháp luật HG.org (Mỹ), các thợ săn tiền thưởng bắt giữ trung bình 30.000 trường hợp trốn hầu tòa mỗi năm, tương đương khoảng 90% số người trốn hầu tòa của Mỹ.

Hiện nay chỉ có hai nước trên thế giới là Mỹ và Philippines là duy trì mô hình thương mại hóa bảo lĩnh tại ngoại. Tại Anh, Canada và nhiều nước khác có quy chế bảo lĩnh tại ngoại, việc chấp nhận trả giùm tiền bảo lĩnh để thu tiền phí bị xem là vi phạm pháp luật, ngăn cản công lý, xử tương đương với tội giả mạo nhân chứng hoặc hối lộ bồi thẩm đoàn.

Hai mặt của đồng tiền

Trả lời tờ The New York Times, ông Bill Kreins, phát ngôn viên nhóm vận động Nhân viên bảo lĩnh chuyên nghiệp Mỹ, tự hào cho rằng “hệ thống của Mỹ là tốt nhất thế giới” vì nó không tốn tiền thuế của dân để lực lượng tòa án đảm bảo nghi phạm hầu tòa. Công việc giám sát nghi phạm tại ngoại và buộc họ hầu tòa được giao cho tư nhân thực hiện. Chính phủ Mỹ cũng thu được thêm tiền thuế từ ngành “công nghiệp tư pháp” này.

Theo các khảo sát của Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều nghiên cứu học thuật, khách hàng của các công ty bảo lĩnh hộ có tỉ lệ ra hầu tòa cao. Tỉ lệ khách hàng bị bắt đi hầu tòa thành công cũng cao hơn các hình thức cho tại ngoại và giám sát khác, tờ The New York Times cho biết. Điều này cho thấy sức mạnh của đồng tiền. Các động cơ lợi nhuận buộc các công ty tư nhân ra tay kiểm tra khách hàng kỹ lưỡng, cân nhắc chính xác rủi ro khách hàng chạy trốn và quyết liệt đưa khách hàng hầu tòa đúng hạn. Tại một số bang, các thợ săn của những công ty này cũng được trao khá nhiều quyền.

Tuy nhiên, việc “thương mại hóa” hoạt động bảo lĩnh tại ngoại ở Mỹ cũng gây ra không ít tranh cãi trong nhiều năm qua. Đa số tổ chức trong ngành luật như Hiệp hội Luật sư Mỹ và Hiệp hội Công tố viên cấp quận toàn quốc đều không có thiện cảm với nghề đóng tiền bảo lĩnh hộ. Các nhóm này cho rằng đồng tiền sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa giới nhà giàu và những nghi phạm thuộc tầng lớp nghèo hoặc trung lưu.

Một trong những lỗ hổng bị chỉ trích nhiều nhất trong mô hình bảo lĩnh tại ngoại ở Mỹ là nó cào bằng nghi phạm: Dù cho nghi phạm chưa từng phạm một lỗi gì trong đời, hay người này đã thường xuyên hầu tòa thì chỉ cần đóng một khoản nhỏ cho phía tư nhân là có thể thoát cảnh ngồi tù chờ xét xử. Việc nghi phạm được thả tự do cũng có khả năng đe dọa an toàn xã hội, làm suy yếu thẩm quyền của hệ thống tư pháp Mỹ, theo một bài xã luận vào năm 2008 của The New York Times.

Thợ săn tiền thưởng kiểu Mỹ

Các thợ săn tiền thưởng ngày nay là người truy tìm những đối tượng không đến dự các buổi điều trần hoặc xét xử tại tòa án hình sự và đưa các đối tượng này giao lại cho cơ quan tư pháp. Thợ săn tiền thưởng tại Mỹ có nhiều mức độ quyền hạn khác nhau khi thực hiện “hợp đồng” của mình. Các chính quyền địa phương đều có điểm chung là yêu cầu người thợ săn phải hoàn thành chương trình huấn luyện hoặc có kinh nghiệm đặc biệt về truy lùng tội phạm.

Những người muốn thành thợ săn tiền thưởng cũng phải không có tiền án hình sự, chưa từng phạm phải các tội danh nghiêm trọng. Một số bang cũng tiến hành thi tuyển và đặt ra giới hạn tuổi tác cho những người muốn làm nghề này. Đa số các bang không cho phép những người đang làm việc trong ngành tư pháp và hành pháp như cảnh sát, công tố viên hay nhân viên tòa án hành nghề thợ săn tiền thưởng.

Theo PLO

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin