Người lao động hỏi: Công ty tôi có người lao động đang bị tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hợp đồng lao động đã ký kết là không xác định thời hạn. Tôi muốn hỏi là trong trường hợp này thì hợp đồng lao động có bị chấm dứt hay tạm hoãn không. Nếu hợp đồng lao động bị tạm hoãn, có phải đóng BHXH cho người lao động hay không?
Nguyễn Thành Nam
Cty TNHH Thành Nam (Hà Nội)
Luật gia trả lời: Về trường hợp ông Nguyễn Thành Nam hỏi Luật sư Trần Đại Ngọc – Cty TNHH Luật Trần Nguyễn (Đoàn Luật sư Hà Nội) tư tấn cụ thể như sau:
Tạm hoãn hợp đồng lao động khi người lao động bị tạm giam
Theo điểm b Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật lao động 2019 thì “Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự” là một trong những trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Và cũng căn cứ tại Khoản 2 Điều này: “Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.”.
Như vậy, trường hợp người lao động đang bị tạm giam thì hợp đồng lao động đã ký kết sẽ bị tạm hoãn, khi đó, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp giữa công ty bạn và người lao động có thỏa thuận khác.
2. Về việc tham gia Bảo hiểm xã hội khi đang bị tạm giam
Tại Khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH do Bảo hiểm xã hội Việt Nam có quy định như sau:
“7. Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật. Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.”
Theo quy định nêu trên thì công ty và người lao động được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên vẫn phải đóng Bảo hiểm y tế với mức là 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng. Và đối với mức đóng 4,5% thì công ty sẽ phải đóng 3% còn người lao động đóng 1,5% theo Điều 8 của Quyết định 595/QĐ-BHXH.
Nếu người lao động được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp trên tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc và truy đóng Bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng.
Tuy nhiên, theo điểm h, Điều 27 của Luật Thi hành án hình sự 2019 áp dụng từ 1/1/2020 cho phép người bị kết án tù được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng).